Alois tập luyện ở trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu. Ảnh: T.P |
Tuy có khuôn mặt rất giống với mẹ mình - chị Nguyễn Hồng Vân, một phụ nữ người Việt - nhưng dòng máu Pháp vẫn hiển hiện rõ nơi 2 anh em kình ngư này.
Đến với bơi lội vì chiều cao
Năm nay 17 tuổi, Jeremie cao đến 1,93m, còn Alois nhỏ hơn 2 tuổi cũng đã cao đến 1,81m. So với những bạn cùng trang lứa ở Yết Kiêu, hiển nhiên 2 anh em này có thể hình vượt trội, và đó cũng là một trong những lý do đưa Jeremie và Alois đến với con đường bơi lội.
Có cha là người Pháp, cả Jeremie và Alois đều sinh ra ở Pháp nhưng sang VN từ rất nhỏ. Đôi VĐV trẻ này vì vậy mang 2 quốc tịch Pháp lẫn Việt. Cả 2 được cha mẹ cho đi học bơi từ nhỏ nhưng chỉ dưới dạng tập luyện cho biết, mỗi tuần 45 phút. Đến năm 9 tuổi, cậu anh Jeremie vẫn chưa bộc lộ được nhiều tiềm năng và không hề có ý định theo đường thể thao chuyên nghiệp. Nhưng chiều cao vượt trội khiến Jeremie nhận được nhiều sự quan tâm từ HLV.
“Tôi không nhớ rõ năm đó cháu cao bao nhiêu, nhưng thực sự là vượt trội so với các bạn đồng trang lứa. Có lẽ vì vậy mà thầy dạy bơi của cháu khuyên nên tham gia giải nhi đồng cho biết”, chị Hồng Vân kể. Thế là Jeremie lần đầu trong đời tham dự một giải đấu - giải nhi đồng TP.HCM vào năm 9 tuổi. Kết quả, Jeremie xếp... chót, thậm chí là cách rất xa so với những người về đích trước.
“Đó là một kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn còn cảm thấy buồn cười khi nhắc lại. Tôi ngẩng mặt lên nhìn và thấy mọi người đã về đích cả rồi, trong khi tôi vẫn còn một chặng đường dài. Tôi cảm thấy hơi mắc cỡ và cố gắng bơi thật nhanh để hoàn thành phần thi, may mắn là không ai chú ý nhiều đến tôi. Khi tôi lên bờ, HLV bảo tôi cậu đã làm tốt. Tôi không thực sự tin lắm và nghĩ rằng đó chỉ là một lời an ủi, nhưng HLV khen ngợi tôi vì vẫn nỗ lực khi thấy mọi người đã về đích. Điều đó làm tôi tự tin hơn” - Jeremie kể về kỷ niệm thi đấu đã đưa anh đến với quãng đời VĐV.
Những lời động viên từ HLV khiến Jeremie tự tin hơn vào khả năng bơi lội của mình. Cậu bé 9 tuổi ngỏ ý với cha mẹ muốn được tập luyện nhiều hơn. Dù vẫn không tin vào tiềm năng của Jeremie nhưng thấy con đam mê, chị Hồng Vân đồng ý đưa cả 2 cậu con trai đến trung tâm Yết Kiêu, với một cường độ tập luyện dày đặc hơn rất nhiều. Một trong những HLV đầu tiên của Jeremie tại đây chính là cái tên lừng danh một thời của làng bơi VN - Nguyễn Kiều Oanh.
Chọn Việt Nam
Jeremie tập luyện ở Trung tâm thể thao dưới nước Yết Kiêu. Ảnh: T.P. |
Đến với con đường VĐV một cách khá ngẫu nhiên và muộn nên xuất phát điểm của Jeremie lẫn Alois cũng thấp hơn so với những đồng đội cùng trang lứa. “Jeremie là cậu học trò mà tôi phải thường xuyên nhắc nhở, động viên tập luyện nhiều nhất trong lứa năm đó”, chị Kiều Oanh cho biết. Nhưng bù lại, cả 2 đặc biệt được cô Kiều Oanh khen ngợi về nền tảng thể lực. Điều này đến từ việc Jeremie và Alois tập luyện thể thao thường xuyên ở trường, vốn là một trường quốc tế ở TP.HCM.
“Ở trường, chúng tôi chơi thể thao hầu như mỗi ngày và được học rất nhiều môn thể thao khác nhau, từ điền kinh, bóng đá, bóng rổ cho đến bơi lội... Cá nhân tôi thích bóng rổ và điền kinh, nó giúp tôi cải thiện được nhiều về thể lực, cơ bắp”, Jeremie nói. Còn cậu em Alois thì cho biết môn thể thao yêu thích ngoài bơi lội của mình là leo núi.
Ngoài tiềm năng bơi lội, cả Jeremie và Alois đều nhận được sự quý mến từ các đồng đội và HLV ở Yết Kiêu vì tính cách dễ gần cũng như thái độ tập luyện chuyên nghiệp. “Jeremie và Alois có phong cách giống như những VĐV trưởng thành của nước ngoài. Các em tự tin vào bản thân và rất có ý thức trong việc tập luyện. Hiếm khi tôi trách hai em về thái độ hay cách cư xử”, HLV Kiều Oanh, HLV Lê Thị Nga cũng như HLV Phạm Việt Nam - những người từng làm việc với Jeremie hoặc Alois ở các lứa tuổi khác trong tuyển bơi TP.HCM - cùng đưa ra một nhận định.
Có mẹ người Việt, cha người Pháp, học tiếng Anh và Tây Ban Nha ở trường, Jeremie cùng Alois nói được đến 4 thứ tiếng. Dù không thực sự trôi chảy nhưng vốn tiếng Việt của cả hai cũng đủ để giao tiếp, đùa giỡn với bạn bè trong tuyển bơi TP.HCM.
“Chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ các anh chị trong tuyển. Thần tượng của tôi là Michael Phelps, nhưng nếu nói đến những người thực sự ảnh hưởng đến động cơ, hoài bão của tôi khi tập luyện thì đó là anh Trần Duy Khôi và Lâm Quang Nhật. Nếu phải lựa chọn, chắc chắn tôi sẽ chọn thi đấu cho Việt Nam. Đây là nơi tôi trưởng thành và được đào tạo trong con đường bơi lội”, Jeremie cho biết.
VĐV Việt kiều ồ ạt đổ về Việt Nam Sự ồ ạt trở về để tìm đường tiến lên chuyên nghiệp của các VĐV Việt kiều đã phả làn gió tươi mới cho thể thao VN. Có thể kể ra danh sách dài các VĐV Việt kiều đã và đang định hướng quay về VN để phát triển như: Trương Mai Nhật Linh (thể dục dụng cụ, Việt kiều Nga), Horace Nguyễn (bóng rổ, Việt kiều Mỹ), Nguyễn Yung Thomas (bơi lội, Việt kiều Mỹ)... và đông nhất là các VĐV quần vợt: Alexander Trương Giang Thanh (Việt kiều Pháp), Tiffany Nguyễn (Việt kiều Mỹ), Artem Vũ (Việt kiều Ukraine), hai chị em gốc Hà Lan Lian Trần và Demi Trần... Trong đó, tay vợt 24 tuổi Giang Thanh có lẽ là người gắn bó bền chặt nhất với đơn vị chủ quản TP.HCM. Sau một lần tình cờ về VN năm 2015, Giang Thanh quyết định đầu quân cho TP.HCM và nhanh chóng trở thành một trong những tay vợt chủ lực của đội với lối đánh mạnh về khả năng giao bóng, lên lưới tấn công. Còn ở đội Becamex Bình Dương, ngoài Lý Hoàng Nam, còn góp thêm cho tuyển quần vợt VN tay vợt gốc Ukraine Artem Vũ (21 tuổi) tại các giải Davis Cup gần đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận