29/08/2015 08:37 GMT+7

“Đợi ngày mai xem Tuổi Trẻ...”

NGUYỄN THỊ HẠNH (TP.HCM)
NGUYỄN THỊ HẠNH (TP.HCM)

TT - Hơn 30 năm đọc báo Tuổi Trẻ, gia đình tôi vẫn luôn nói vui rằng nhìn theo báo Tuổi Trẻ để sống sẽ không bị “lệch chuẩn”.

Ông Giản Tư Trung (giữa) - hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), tại buổi nói chuyện chuyên đề “Quản trị cuộc đời để thành công” được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ năm 2012 - Ảnh: Thuận Thắng
Ông Giản Tư Trung (giữa) - hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED), tại buổi nói chuyện chuyên đề “Quản trị cuộc đời để thành công” được tổ chức tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ năm 2012 - Ảnh: Thuận Thắng

 Thật vậy, đâu đó trong cách sống và cách nghĩ của gia đình tôi luôn có sự hiện diện của báo Tuổi Trẻ.

Ngày nay báo mạng phát triển như “nấm sau mưa”, đó cũng là một khó khăn cho báo giấy. Nhưng với uy tín vốn có và sự tận tâm phục vụ, báo Tuổi Trẻ vẫn có lượng bạn đọc đông đảo (trong đó có tôi) tìm đến để đọc những tin bài chính xác nhất, giá trị nhất.

Như trong tháng 7 vừa qua, vụ thảm sát tại Bình Phước gây chấn động dư luận, người dân cả nước theo dõi từng ngày từng giờ những diễn biến mới nhất của vụ án. Tôi thấy nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến báo mạng để giải cơn khát thông tin, rồi bàn tán rôm rả sôi nổi, nhưng sau cùng họ buông một câu: “Đợi ngày mai xem báo Tuổi Trẻ là biết chính xác liền”.

Nghĩa là báo Tuổi Trẻ là kênh thông tin chính thống mang tính xác thực cao nên mọi người đem ra làm chuẩn để so sánh.

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ là vào năm 2012, khi cùng con gái tham dự chuỗi hội thảo “Hành trang cuộc đời” do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Đây là một trong những hoạt động rất có ý nghĩa của báo được đông đảo học sinh, sinh viên tham dự.

Việc Tuổi Trẻ tạo điều kiện để giới trẻ tương tác trực tiếp với các diễn giả, được nghe những chia sẻ kinh nghiệm của họ đã có tác động tích cực giúp các em xác định mục tiêu của cuộc đời mình, biết nuôi dưỡng ước mơ hoài bão, biết cách tháo gỡ khó khăn trong va vấp đầu đời.

Với vai trò người mẹ, tôi nhận rõ hiệu quả, sức ảnh hưởng của hội thảo đến suy nghĩ và tâm lý của con mình như thế nào. Cháu rất hâm mộ diễn giả Giản Tư Trung trong chủ đề số 11 “Quản trị cuộc đời” và câu nói của ông đã truyền cảm hứng cho cháu: “Đừng cho người con cá, cũng đừng cho họ cần câu. Hãy cho họ động lực muốn được câu cá”.

Tôi rất mừng vì cháu đã biết lựa chọn người để “thần tượng” và lĩnh hội được những triết lý mà diễn giả đã phải mất nhiều năm để đúc kết nên bài học đó. Vì vậy tôi thật lòng mong muốn báo sẽ tổ chức lại những hoạt động ý nghĩa này.

Tháng 7 vừa qua, báo Tuổi Trẻ lại “dậy sóng” với diễn đàn “Tuổi 18 đã lớn chưa?”. Đây quả là một câu hỏi lớn và cũng chính là lời cảnh tỉnh không chỉ với các bạn trẻ mà còn với các bậc phụ huynh.

May mắn, tôi và con gái cũng được tham dự diễn đàn này với chủ đề “Cùng học để trưởng thành”. Hơn ba giờ trò chuyện tôi hiểu ra được nhiều điều: các bậc phụ huynh cũng cần phải học kỹ năng làm cha làm mẹ để cùng con hình thành và phát triển nhân cách như lời thầy Trần Hữu Tá đã chia sẻ trong buổi tọa đàm.

Đối với mẹ con tôi, đây là buổi trò chuyện ý nghĩa và đáng nhớ nhất, “mở mắt” cho con tôi bước vào đời, cũng là một ký ức đẹp đánh dấu tuổi 18 của cháu. Xin cảm ơn tác giả khởi xướng diễn đàn này vì đã “gãi đúng” chỗ bức xúc của xã hội và nỗi lo của những bậc cha mẹ như tôi.

Tôi hi vọng tòa soạn sẽ tiếp tục tổ chức nhiều diễn đàn như vậy và mở rộng sang nhiều chủ đề khác để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đến các vấn đề của xã hội, góp phần thức tỉnh căn bệnh thụ động, thờ ơ của một số người trẻ hiện nay để họ trưởng thành và lớn lên.

Đến hết ngày 22-8, kết thúc nhận bài viết tham gia Tuổi Trẻ 40 năm & Tôi, báo Tuổi Trẻ đã nhận được thêm bài viết của các tác giả: Nguyễn Phúc Ân, Nguyễn Thị Hạnh, Tạ Ba Thái Hoàng, Nguyễn Võ Thị Bảo Châu, Nguyễn Ngọc Hương, Võ Thị Phước, Nguyễn Minh Châu, Trần Tuấn Anh, Đỗ Thị Huỳnh Hoa, Đặng Minh Tâm, Võ Văn Hiếu, Trịnh Duy Thinh (TP.HCM), Đỗ Thành Đồng (Quảng Bình), Phạm Xuân Dũng (Quảng Trị), Nguyễn Văn Toàn, Lê Triều Sơn, Tào Thị Tuyết Mai (Thừa Thiên - Huế), Hiền Thắng, Văn Tú, Lê Hồng Mận (Đà Nẵng), Phan Lê (Kon Tum), Nguyễn Ngọc Thanh (Long An), Phạm Thị Kim Liên (Khánh Hòa), Đào Tấn Trực, Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Nguyễn Quế Diệu, Nguyễn Thị Khánh (Đồng Nai), Ngô Phước Hoàng (Tiền Giang), Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh), Lư Thế Nhã, Nguyễn Văn Lũy, Lê Ngọc Quang (Bến Tre), Nguyễn Hiền Thắm, Ngọc Châu, Nen Cao, Nguyễn Thị Thúy Kiều, Trâm Anh, Kiều Xuân Long...

TÒA SOẠN

NGUYỄN THỊ HẠNH (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên