Không có nhà chờ, hành khách ở Cần Thơ phải ngồi giữa trời nắng chờ xe buýt - Ảnh: C.Kim |
Đứng chờ xe buýt trên đường 30-4 (Q.Ninh Kiều) dưới cái nắng gay gắt, bà Trần Thị Út (54 tuổi, ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết bà hay đi xe buýt từ Sóc Trăng lên TP Cần Thơ để chữa bệnh. Mỗi lần đón xe buýt để lên xuống như vậy phải mất cả tiếng chờ xe.
Không riêng gì bà Út, hàng chục người khác đứng đợi xe buýt tuyến đường 30-4, đoạn gần Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cũng rơi vào cảnh tương tự. Nếu trời nắng, hành khách vã mồ hôi ngồi la liệt dưới lề đường, gốc cây để chờ xe. Còn trời mưa, họ xách đồ đạc chạy vội vào nhà dân xin trú tạm.
Đi thực tế qua các tuyến đường như 3-2, Nguyễn Văn Linh (Q.Ninh Kiều), Cách Mạng Tháng 8 (Q.Bình Thủy), chúng tôi thấy những tuyến đường này có nhà chờ xe buýt nhưng đa số đã mục nát, gỉ sét. Hoặc có nơi có nhà chờ xe nhưng lại không có chỗ ngồi, hoặc nhà chờ bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, tập kết thức ăn ôi thiu cho gia súc.
Ông Nguyễn Hoàng Đạo, giám đốc Ban quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP Cần Thơ (thuộc Sở GTVT TP), thừa nhận: “Hiện cả TP có 136 trạm dừng xe buýt nhưng chỉ có 21 nhà chờ xe. Việc thiếu nhà chờ như vậy là do các hộ dân phản ảnh, yêu cầu phải tháo dỡ nhà chờ nằm án ngữ ngay mặt tiền gây khó khăn cho việc kinh doanh của họ”.
Theo Viện chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT), hiện trạng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) của TP Cần Thơ còn kém phát triển, chất lượng dịch vụ thấp. Trong năm 2015, VTHKCC của TP vận chuyển được 20,34 triệu lượt khách, trong đó xe buýt chỉ đáp ứng 0,52%. Hiện Cần Thơ chỉ có ba tuyến xe buýt nội tỉnh và hai tuyến kế cận đi các tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long phục vụ trung bình 13.067 lượt khách mỗi ngày. Cần Thơ hiện có tổng cộng 54 xe buýt, trong đó Nhà nước quản lý 34 xe, doanh nghiệp liên doanh 21 xe. Đa số xe buýt có tuổi thọ trên 10 năm, trong khi doanh nghiệp ít mặn mà đầu tư, cuối năm nay còn có thêm hai doanh nghiệp xin rút vì làm ăn không hiệu quả.
Nói về thực trạng bến bãi, xe buýt phục vụ hành khách còn kém như hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Đạo cho biết năm 2013 UBND TP đã phê duyệt quy hoạch phát triển VTHKCC giai đoạn đến năm 2030. Trong đó sẽ đầu tư trên 500 đầu xe mới và phê duyệt quỹ đất để xây dựng trung tâm điều hành, nhà chờ, bến bãi. Tuy nhiên theo ông Đạo, đến nay đã bước sang giai đoạn 2 của quy hoạch này nhưng xe mới chưa được đầu tư.
Ngoài ra, quỹ đất để đầu tư xây dựng bến bãi, trung tâm, nhà chờ cũng chưa được cấp. “Sở GTVT Cần Thơ đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên - môi trường hơn một năm nay để xin cấp quỹ đất nhưng vẫn chưa thấy phản hồi. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt vẫn đang giậm chân tại chỗ” - ông Đạo nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận