06/03/2011 05:42 GMT+7

Đội mưa nghe tư vấn

NHÓM PV GIÁO DỤC
NHÓM PV GIÁO DỤC

TT - Chiều 5-3, mặc dù trời mưa càng lúc càng nặng hạt nhưng học sinh Quảng Ngãi vẫn nhẫn nại che dù ngồi dưới mưa để theo dõi và đặt câu hỏi tư vấn một cách say sưa. Sau phần tư vấn chung, ba khu vực tư vấn chuyên sâu sôi động hơn hẳn...

P5QMPGse.jpgPhóng to

Sau khi buổi tư vấn kết thúc, rất nhiều học sinh đã nán lại tranh thủ nhờ tư vấn thêm - Ảnh: Minh Đức

Nhiều học sinh băn khoăn muốn biết trong vài năm tới, Quảng Ngãi cần nhân lực ở những ngành nào? Thầy Lê Hoài Vũ, trưởng phòng GDCN-TX Sở GD-ĐT Quảng Ngãi, cho biết theo dự báo nhân lực của tỉnh thì hầu hết các ngành đều có nhu cầu nhân lực rất lớn, đáp ứng cho Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. ThS Phạm Nghi, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Phạm Văn Đồng, bổ sung: Quảng Ngãi và một số tỉnh lân cận đang trong quá trình công nghiệp hóa nên nhân lực cho các ngành công nghiệp và dịch vụ rất lớn. Cụ thể, trong những năm tới một số ngành thiên về cơ khí, tài chính, kinh tế sẽ tiếp tục có nhu cầu nhân lực.

Trong khi đó, nhiều học sinh tuy đã chọn được ngành theo sở thích và năng lực của mình nhưng lại băn khoăn cơ hội việc làm khi ra trường. Một học sinh thắc mắc: khi đi xin việc, các công ty đều yêu cầu phải có kinh nghiệm. Tụi em mới ra trường liệu có xin được việc làm? ThS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: đây là băn khoăn của nhiều học sinh.

Nhiều sinh viên mới ra trường thường gặp rào cản này. Tuy nhiên trong quá trình học tập, các bạn có thể đi làm thêm ở các đơn vị doanh nghiệp, tham gia các câu lạc bộ học thuật như câu lạc bộ chứng khoán, kế toán... vừa giúp các bạn học tốt vừa giúp các bạn có kinh nghiệm khi xin việc. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham gia các hoạt động thực tế từ các câu lạc bộ Đoàn, Hội để tích lũy thêm kinh nghiệm. Trong quá trình học tập, các bạn cũng có thể tự trang bị kinh nghiệm cho mình và sẽ tự tin hơn khi xin việc.

“Theo xu hướng hiện nay, nhóm ngành kinh tế được rất nhiều bạn chọn. Liệu 4-5 năm nữa nhu cầu nhân lực ngành này có còn không, cơ hội việc làm thế nào? Học trường nổi tiếng có dễ xin việc hơn không?” - nhiều học sinh nêu băn khoăn. ThS Lâm Tường Thoại, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), tư vấn: việc so sánh giữa các trường là khập khiễng, vấn đề là do nỗ lực của các em. Chương trình đào tạo của các trường giống nhau 70%, bằng cấp như nhau và thầy cô cũng đã cố gắng để đào tạo sinh viên có chất lượng tốt nhất. Do đó vấn đề còn lại là kiến thức, kinh nghiệm và những kỹ năng mà các bạn tích lũy được khi ngồi trên ghế nhà trường.

Thầy Lê Hoài Vũ chia sẻ thêm: vấn đề không phải là các em học trường nào mà là các em chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế của mình là tốt nhất.

Rất nhiều thí sinh quan tâm đến nhóm ngành quân đội, công an. Nhiều băn khoăn về thủ tục sơ tuyển, ưu tiên, xét tuyển sang trường khác... được đặt ra: “Em thi vào trường cảnh sát, nếu không trúng tuyển làm thế nào để xét tuyển NV2 vào các trường dân sự? Em chỉ nên nộp hồ sơ xét tuyển vào trường cảnh sát hay nộp song song vào các trường dân sự?”.

TS Phạm Tấn Hạ khuyên do các trường thi chung đề, chung đợt nên nếu không trúng tuyển mà điểm thi bằng điểm sàn trở lên sẽ được cấp giấy chứng nhận để xét tuyển vào các trường dân sự khác. Tuy nhiên, các bạn nên nộp hồ sơ vào các trường dân sự để đề phòng trường hợp sơ tuyển vào trường cảnh sát không đạt.

Đơn vị tài trợ:

hujppeNq.jpgPhóng to
NHÓM PV GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên