13/01/2009 04:14 GMT+7

Đổi mới tuyển sinh, lần lữa đến bao giờ?

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - Giở lại trang nhất tờ Tuổi Trẻ ra ngày 30-10-2004, một dòng tựa lớn: “Năm 2006: Bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH?”. Đó là tựa một bài phỏng vấn của phóng viên Tuổi Trẻ với ông Đỗ Duy Dự, ủy viên thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong bài phỏng vấn ấy, ông Đỗ Duy Dự khẳng định “không thể chờ lâu hơn được nữa”.

Điểm chuẩn ĐH-CĐ năm 2008Thông tin tuyển sinh ĐH-CĐ-TCCN 2009Điểm chuẩn ĐH, CĐ năm 2007, 2006, 2005Ngành gì? Trường gì? Làm gì?Hộp thư tư vấn tuyển sinh

Ông nói thêm: “Trước đây đề nghị đến năm 2007 thay đổi cách tuyển sinh đã có phần chậm. Nếu còn kéo dài đến tận năm 2009 thì quá lâu, quá chậm. Trong khi dư luận xã hội rất bức xúc và thực tế đòi hỏi phải cấp bách đổi mới cơ bản, toàn diện phương thức tuyển sinh thay vì mỗi năm cải tiến một vài bước”.

Đúng là dư luận xã hội rất bức xúc và thực tế đòi hỏi phải cấp bách đổi mới. Cả xã hội trông chờ vào một sự đổi thay mang tính đột phá. Tiếc thay việc “đổi mới toàn diện” cho đến nay sau bao nhiêu năm vẫn chỉ là... dự kiến.

Qua từng năm người ta lại thay đổi một vài nội dung và được gọi chung là cải tiến. Năm 2006, nội dung thay đổi quan trọng nhất là áp dụng phương pháp thi trắc nghiệm khách quan đối với môn ngoại ngữ, và bỏ chế độ cộng điểm thưởng vào kết quả thi đối với học sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi. Đi cùng là một loạt quy định mang tính kỹ thuật như thay đổi đối tượng ưu tiên, cán bộ chấm thi không được quy tròn điểm…

Bước sang năm 2007, lại thêm một loạt nội dung nữa được “cải tiến”. Đáng kể nhất là tổ chức thi trắc nghiệm thêm ba môn: vật lý, hóa học và sinh học. Các chi tiết còn lại chủ yếu liên quan đến các chính sách ưu tiên rồi ngày giờ báo cáo kết quả thi, quy trình phúc khảo.

Tiếp đến năm 2008 cả xã hội được một phen... mừng hụt khi có thông tin sẽ bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH vào năm 2009. Đi đến trường nào cũng nghe người ta bàn tán về việc bỏ thi, cách xử lý kết quả. Học sinh các trường THPT, đặc biệt là học sinh lớp 11, 12, nháo nhào tìm kiếm thông tin các trường. Đùng một cái, Bộ GD-ĐT tuyên bố năm 2009 vẫn thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức ba chung. Do vậy, trong năm 2008 điểm thay đổi đáng chú ý nhất chỉ là gom thêm các trường CĐ vào quy trình chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả.

Điểm qua những “cải tiến liên tục” để thấy kết quả của tuyển sinh ba chung dù thể hiện nhiều ưu điểm nhưng vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của thi cử lạc hậu.

Xét cho cùng tuyển sinh cũng như những hoạt động khác là một hoạt động bình thường của các trường. Nhà trường phải chịu trách nhiệm trước những quyết định chọn lựa của mình. Bởi những quyết định ấy có tác động trực tiếp đến chất lượng, uy tín của họ. Ngược lại, tùy theo uy tín, chất lượng của nhà trường, thí sinh giỏi sẽ chọn lựa để đăng ký dự tuyển vào.

Tuy nhiên, trong điều kiện số lượng thí sinh muốn vào ĐH quá đông cộng với thái độ thiếu tự trọng, chạy theo lợi nhuận của một số ít trường ĐH hiện nay, sự can thiệp ở chừng mực của Nhà nước vẫn rất cần thiết. Miễn sao sự can thiệp đó giúp các trường ĐH, CĐ chọn lựa được những người thật sự khá, giỏi vào học một cách thuận lợi nhất. Đồng thời, sự can thiệp ấy cũng phải phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực và cả nước.

Muốn vậy, không còn cách nào khác hơn việc nhanh chóng thay đổi một cách toàn diện phương thức tuyển sinh. Nếu không, các trường ĐH VN sẽ “thua ngay trên sân nhà” khi hàng loạt trường ĐH, chương trình liên kết mở ra tại VN. Không phải vì sinh viên chuộng “hàng ngoại”. Với nhiều thế mạnh, cộng thêm cơ chế thông thoáng, họ dễ dàng thu hút sinh viên đến với mình. Đó không phải là viễn cảnh xa xôi mà đã và đang diễn ra hằng ngày.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên