20/11/2005 08:15 GMT+7

Đổi mới giáo dục đại học ở Singapore

THANH HÀ ghi
THANH HÀ ghi

TTCN - Từ thông tin thu nhận được trong chuyến đi làm việc và trao đổi kinh nghiệm cùng các nhà quản lý giáo dục đại học (GDĐH) Singapore, GS Mai Trọng Nhuận - phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - chia sẻ những điều mà GS tâm đắc nhất khi lộ trình đổi mới GDĐH ở VN bắt đầu được khởi động.

3HA4Zee5.jpgPhóng to

Ảnh: Những khóa đào tạo chất lượng cao tại Trường SMU với giảng viên đến từ các trường ĐH uy tín của Anh, Mỹ

TTCN - Từ thông tin thu nhận được trong chuyến đi làm việc và trao đổi kinh nghiệm cùng các nhà quản lý giáo dục đại học (GDĐH) Singapore, GS Mai Trọng Nhuận - phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - chia sẻ những điều mà GS tâm đắc nhất khi lộ trình đổi mới GDĐH ở VN bắt đầu được khởi động.

1. Singapore xác định đổi mới GDĐH là tất yếu, là nhu cầu tự thân để phát triển kinh tế xã hội.

Nhưng vì đổi mới bao giờ cũng phải có trả giá, cũng phải vượt qua những thách thức rất lớn, phải mạo hiểm nên nhà nước cần phải có cơ chế chính sách bảo lãnh, bao gồm các chính sách khuyến khích, thúc đẩy và bảo vệ.

Một trong những giải pháp khuyến khích đổi mới chính là nhà nước phải luôn đặt hàng đối với các trường ĐH những yêu cầu mới về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và các dịch vụ xã hội theo nguyên tắc: nếu anh đổi mới được, tôi sẽ trả chi phí đủ cho anh thực hiện, thông qua những chương trình, dự án đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho những công trình, đề tài, hướng nghiên cứu mới.

Một ví dụ thành công của Singapore như nghiên cứu vận dụng về gen trong chữa bệnh. Singapore đạt đến trình độ cao trong lĩnh vực này là nhờ Trường ĐH Quốc gia Singapore đã “nhảy” vào đầu tư nghiên cứu từ rất sớm, trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu, vượt qua được cả Nhật Bản trong lĩnh vực này.

2.“Bảo lãnh” cho thành công của đổi mới gdđh bằng cách chọn lãnh đạo gdđh là phải chọn người có năng lực và luôn tâm huyết, cực kỳ mạnh dạn trong thể hiên quan điểm cá nhân, dám hi sinh cho sự nghiêp đổi mới.

Các nhà quản lý GDĐH Singapore mà tôi đã tiếp xúc đều có chung một quan điểm “phải có bản lĩnh (dám đương đầu với những thử thách của công cuộc đổi mới) thì hãy nhận chức lãnh đạo các cơ sở GDĐH”. Đồng thời nhà nước cần khuyến khích cạnh tranh lành mạnh với nhau trong toàn hệ thống GDĐH.

Ngay như Singapore tuy không có nhiều trường ĐH công, nhưng ngay giữa hai trường ĐH Quốc gia Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang cũng đã có sự cạnh tranh quyết liệt. Liên tục cạnh tranh sẽ dẫn đến liên tục phải đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo cũng như nghiên cứu.

Mỗi trường chọn một thế mạnh để tăng sức cạnh tranh, thách thức “đối thủ”, tạo ra những sản phẩm tốt nhất cho xã hội. Khi có cạnh tranh, xã hội và SV là người được hưởng lợi nhất. Nhưng quá trình cạnh tranh phải được công khai, minh bạch.

3.Quyết tâm đổi mới phải bắt đầu từ những lãnh đạo cao nhất, phải có những nhà lãnh đạo quan tâm đến việc đổi mới GDĐH, vì đổi mới GDĐH liên quan đến toàn xã hội và thực chất là một cuộc đổi mới về xã hội.

Bài toán này phức tạp đến nỗi nếu không có những nhà lãnh đạo cao nhất quyết tâm, đồng tâm đổi mới thì rất khó thành công. Singapore là một ví dụ điển hình. Công cuộc đổi mới GDĐH của Singapore được bắt đầu từ sự khởi xướng của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu. Khi bắt đầu lên nắm quyền, ông quyết tâm đổi mới “đưa GDĐH của Singapore đạt chuẩn quốc tế”.

Sau khi đưa ra tuyên bố này, ông Lý Quang Diệu yêu cầu bộ trưởng Bộ Giáo dục “nếu anh thực hiện được như thế thì anh hãy nhận làm bộ trưởng”. Bộ trưởng suy nghĩ một tuần rồi cam kết “tôi sẽ làm được như thế”.

Với việc xác định rõ trách nhiệm và quyết tâm như thế đến giám đốc, hiệu trưởng các trường ĐH, đến các chủ nhiệm khoa, đến từng giảng viên... Rạch ròi từ trên xuống tạo thành một làn gió đổi mới và sẵn sàng trả giá cho đổi mới từ dưới đi lên.

Có vậy, làn gió đổi mới mới thật sự sâu và rộng. Nếu chỉ đổi mới lưng chừng đoạn giữa từ ông hiệu trưởng đến ông chủ nhiệm khoa thì sẽ không đồng bộ, không đi đến đâu, sẽ không giải quyết được gì cả, không mang đến kết quả đạt tầm cỡ “đổi mới”.

4.Muốn đổi mới GDĐH thường phải đứng trước bài toán quá khó là nhu cầu nguồn lực đầu tư quá lớn. các nhà quản lý gdđh singapore cho rằng phải chọn từng điểm để đổi mới, để đột phá, để đổi mới đến đầu đến đũa, từ điểm đột phá trở thành ngọn đuốc lan tỏa tới cả hê thống.

Khi sử dụng nguồn lực trong đổi mới GDĐH đòi hỏi chống tư tưởng bình quân. Đó sẽ là một sự lựa chọn cực kỳ khắc nghiệt đối với người lãnh đạo. Khi anh đầu tư hàng trăm triệu USD cho một trường còn những trường khác không được, đòi hỏi anh phải có bản lĩnh ghê gớm để ra quyết định, đương đầu với sự phản đối.

Còn nếu anh chia đều cho cả trăm trường, mỗi trường một ít thì không làm nên sự thay đổi. Đổi mới GDĐH thành công của Singapore một phần quan trọng là do những người chịu trách nhiệm ra quyết định đã nhìn ra được nơi có tiềm năng xứng đáng để lựa chọn đầu tư trọng điểm, để đạt chuẩn quốc tế sớm hơn.

Sau đó mới tiếp tục đầu tư cho các trường tiếp theo vươn tới chuẩn quốc tế. Chính phủ Singapore đã tập trung đầu tư, nâng từng trường ĐH lên đạt chuẩn quốc tế với mục tiêu đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển từng giai đoạn của đất nước: năm 1965 tập trung cao độ cho Trường ĐH Quốc gia Singapore để đào tạo nguồn nhân lực đa ngành có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội, năm 1985 tập trung xây dựng ĐH Công nghệ Nanyang để đào tạo nhân lực khoa học kỹ thuật, giúp chiếm ưu thế trong các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ mũi nhọn.

Từ năm 2000 đến nay đầu tư tập trung cho Trường ĐH Quản lý (SMU) để đào tạo các nhà quản lý. Dĩ nhiên trong quá trình đó, các trường ĐH đã phát triển tiếp tục được đầu tư để giữ vững vị thế của mình.

5.Tiếp cận công nghê nguồn có nghĩa là phải đến học tập trực tiếp ở một mô hình quản lý tốt nhất thế giới, không theo công nghê thứ cấp.

Các nhà quản lý GDĐH Singapore đã đến thẳng Anh và Mỹ, chọn hai trường ĐH hàng đầu là Cambridge và Harvard để học tập, vận dụng theo hoàn cảnh thực tế của đất nước mình chứ không đến một mô hình thứ cấp dù cũng đạt chất lượng rất cao, ví dụ như Hàn Quốc - nơi đã học mô hình của Mỹ và về thực hiện rất thành công vì “tuy giỏi nhưng họ đã là phiên bản thứ yếu”.

Nếu lấy công nghệ thứ cấp về chế lại sẽ có một sản phẩm “biến dạng”, vì mỗi một công nghệ có một triết lý của nó, pha tạp đủ thứ vào sẽ phá vỡ tính logic hệ thống của “công nghệ đào tạo gốc”.

Singapore lựa chọn một số lượng rất ít mô hình để học tập nhằm đảm bảo tính triết lý logic hệ thống của mô hình đó được bảo toàn. Không học mỗi trường mỗi chút, trở thành một thứ “đầu Ngô mình Sở” vận hành không ra cơ chế nào cả.

Khi tiếp cận với các mô hình mẫu, các nhà quản lý GDĐH Singapore đã tập trung vào điểm mạnh của từng mô hình được chọn lựa. Chọn trọng điểm rồi chọn trọng tâm để học tập, sau đó khai thác triệt để thế mạnh, ưu điểm của mô hình. Bắt đầu từ chương trình, giáo trình theo chuẩn hóa, qui trình đào tạo, đánh giá chuẩn hóa luôn, hoàn toàn theo mô hình thống nhất từ khâu tuyển sinh, qui trình đào tạo đến đánh giá đầu ra, vì thế áp dụng được đến bây giờ luôn.

6.Đổi mới, phát triển GDĐH cần lấy xây dựng đội ngũ, nguồn nhân lực cho gdđh làm trọng tâm để tập trung đầu tư cao độ nhất nguồn lực trong các mảng đầu tư.

Khi chưa có cán bộ đủ trình độ làm giám đốc, hiệu trưởng một trường ĐH đạt chuẩn quốc tế thì nên thuê người có đủ khả năng đảm nhiệm từ các trường ĐH hàng đầu thế giới. Ví dụ như SMU của Singapore đã thuê cả giám đốc và phó giám đốc từ Mỹ và Anh. Đầu tư cao độ cho nhân lực quản lý GDĐH là một bí quyết thành công trong đổi mới GDĐH của Singapore.

Các trường ĐH của Singapore sẵn sàng thuê các nhà quản lý trong giai đoạn đầu khi chưa đủ trình độ tự mình quản lý. Người được thuê đó phải làm ba việc: một là quản lý trường đó theo chuẩn quốc tế, hai là chỉ định và đào tạo người đủ năng lực để tiếp quản công việc này, ba là chuyển giao toàn bộ qui trình công nghệ quản lý đó cho người được lựa chọn kế nhiệm.

Theo lý giải của các nhà quản lý GDĐH Singapore, phải áp dụng như vậy vì nhập công nghệ giáo dục - vốn là thứ công nghệ khó chuyển tải nhất bởi vì nó không tường minh như những công nghệ kỹ thuật thông thường - đòi hỏi có sự chuyển giao trực tiếp giữa người với người, giữa những người thực hiện, không thể chuyển giao đơn thuần bằng giấy tờ, bản vẽ, hướng dẫn đơn thuần...

Nhưng đầu tư cho nguồn nhân lực cũng phải có giải pháp hợp lý: có thể thuê cả chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn với phương hướng rõ ràng: thỏa thuận rõ sau bao nhiêu năm thuê thì phải có một chủ nhiệm khoa, chủ nhiệm bộ môn nội địa đạt chuẩn quốc tế. Đó là mô hình mà chúng ta chưa bao giờ áp dụng. Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng để rút ngắn khoảng cách về trình độ quản lý. Điển hình là tại ĐH Thanh Hoa.

Ông thầy và thời đại

Một trong những nguyên tắc giáo dục đại học ở Singapore là người thầy phải luôn cập nhật và giúp SV nắm bắt những thông tin thời sự mới nhất của lĩnh vực mình phụ trách. Ông thầy dạy về văn học có trách nhiệm “truyền” vào SV những hơi thở mới nhất, nóng nhất của đời sống văn học đương đại.

Ông thầy dạy về marketing buộc phải giới thiệu được sự thay đổi trong xu hướng tiếp cận thị trường hôm nay. Ông thầy dạy báo chí phải làm cho SV của mình “sống” và “thở” trong môi trường truyền thông hiện đại... Như thế giáo án của các thầy là một thứ giáo án mở, nơi mà những tri thức tiên tiến, hiện đại được cập nhật không ngừng nghỉ.

Người ta tính rằng kiến thức của nhân loại trong năm năm gần đây bằng tổng số kiến thức trong 5.000 năm trước cộng lại. Điều này có nghĩa trong thời đại hiện nay, nếu không chịu cập nhật những thông tin mới, dù chỉ trong một ngày, chúng ta sẽ bị tụt hậu rất xa.

Chính vì khi ngồi trên ghế giảng đường, nếu SV không được cập nhật, nắm bắt những tri thức mới (cái mà người ta gọi là “hơi thở của thời đại”) thì sau khi tốt nghiệp họ không thể bắt tay vào công việc chuyên môn của mình ngay. Họ buộc phải chấp nhận một khoảng thời gian rất lãng phí là thời gian “đào tạo lại”, có khi kéo dài tới 1 - 2 năm.

Như vậy, để giúp SV khi ra trường không phải “đào tạo lại”, không bị lỗi nhịp với công việc thì đội ngũ giảng viên buộc phải không ngừng nắm bắt thông tin, sở hữu và truyền đạt những tri thức mới nhất, nóng nhất thuộc chuyên ngành của mình.

Muốn vậy phải tạo ra được những động lực giáo dục. Đó là gì? Một số trường ĐH Hàn Quốc đang áp dụng phương thức SV chấm điểm giáo viên. Theo đó, người học sau mỗi kỳ (hoặc mỗi tháng) có quyền bày tỏ quan điểm của mình về người dạy. Điều này sẽ giúp những nhà quản lý có một cái nhìn xác thực hơn về đội ngũ giảng viên, và quan trọng là nó cho phép SV được quyền kiến nghị và đòi hỏi một cách dân chủ.

Khi họ “cũ” quá, SV sẽ đòi hỏi họ “mới”. Trước những sức ép như thế chắc chắn họ buộc phải làm mới mình, phải cập nhật tri thức. Như thế, việc cho phép SV chấm điểm thầy không phải là một thứ “dân chủ quá trớn” như ai đó phàn nàn, mà là một động lực giáo dục.

THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên