09/01/2014 13:45 GMT+7

Đổi mới để thị trường vận hành tốt hơn

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Đó là kiến nghị của ông Nguyễn Đình Cung (quyền viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về các vấn đề đặt ra trong thông điệp 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

2eSQbZBZ.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Đình Cung nói:

- Từ ba năm nay, đổi mới thể chế đã được xác định là một trong ba khâu đột phá. Thậm chí có người nói đây là đột phá của đột phá. Nói như vậy cũng là hết cỡ rồi.

"Nếu không đổi mới thì có thể chúng ta chỉ duy trì tăng trưởng trong khoảng 5%, thậm chí giảm xuống và tụt hậu xa hơn nữa so với các nước xung quanh. Luôn có những lựa chọn khác nhau, nhưng hiện nay người dân đang đòi hỏi lựa chọn hướng đi lên"

Theo tôi, cần tập trung vào việc đổi mới thể chế kinh tế thị trường. Có ý kiến cho rằng phải đổi mới đồng bộ, nghĩa là cả thể chế chính trị và thể chế kinh tế. Đúng như vậy, nhưng trước hết nên tập trung vào thể chế kinh tế vì ở đây còn dư địa, còn “đất” để đẩy cải cách đi tới. Mục tiêu của đổi mới thể chế là làm cho thị trường vận hành tốt hơn, đầy đủ hơn. Muốn như vậy Nhà nước phải “lùi”, hay nói cách khác là hướng tới “Nhà nước nhỏ, thị trường lớn”. Thể chế có ba trụ cột gồm “luật chơi”, “cách chơi” và “người chơi”. Chừng nào “luật chơi” và “cách chơi” vẫn còn bị chi phối bởi cơ chế “xin cho, ban phát”, nghĩa là dựa theo mối quan hệ chiều dọc từ trên xuống và dưới lên (dân gian hay gọi chung là “chạy”: chạy quy hoạch, chạy dự án, chạy vốn đầu tư...) thì thị trường chưa thể vận hành lành mạnh.

* Nghĩa là phải thiết kế lại “luật chơi” và “cách chơi”, thưa ông?

- Đột phá về thể chế phải là những cải cách mở rộng hoạt động và nâng cấp mức độ phát triển của thị trường và hội nhập quốc tế. Nhà nước phải tạo điều kiện và khuyến khích những giao dịch theo chiều ngang (cải thiện môi trường kinh doanh, giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên của thị trường giao dịch, cạnh tranh bình đẳng), đồng thời hạn chế và dần triệt tiêu cơ chế “xin cho, ban phát” theo chiều dọc. Trong kinh tế thị trường, điều tối thiểu Nhà nước phải làm được là duy trì cạnh tranh bình đẳng, sao cho khi các bên giao dịch với nhau họ tin tưởng rằng đó là những giao dịch bình đẳng về tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn... Nếu ai vi phạm, Nhà nước sẽ xử lý một cách công bằng, bảo đảm được lợi ích chính đáng và hợp pháp của các bên liên quan.

Tôi nói ví dụ, muốn giám sát thị trường chúng ta phải thiết lập được các cơ quan hoạt động tương đối độc lập. Cụ thể như Bộ Công thương hiện nay phải tách ra, cơ quan làm chính sách riêng, cơ quan giám sát thị trường riêng. Theo đó các cơ quan giám sát điện lực, giám sát viễn thông... nên được tổ chức thành một hoặc một vài ủy ban giám sát thị trường để “đảm bảo cạnh tranh bình đẳng” như thông điệp của Thủ tướng đã đề cập. Khi đó các bộ chỉ tập trung làm chính sách. Việc cần làm khác là thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN, áp đặt kỷ luật thị trường lên DNNN...

* Về việc tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN, nhiều ý kiến cho rằng lúc này chưa thể lập một ủy ban chuyên quản DNNN và các doanh nghiệp vẫn trực thuộc bộ quản lý. Ông nghĩ sao?

- Hiện nay nói cải cách thể chế kinh tế thị trường là phải nói thẳng, nói sâu vào những vấn đề đó. Về việc thành lập ủy ban chuyên quản DNNN, có lập luận rằng hiện nay số lượng DNNN còn quá lớn (với khoảng 1.284 doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ và 1.200 doanh nghiệp khác có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước) lại hoạt động trong nhiều ngành, lĩnh vực và ở hầu hết các địa bàn trên cả nước, nên phương án tập trung theo hướng thành lập một cơ quan để làm đầu mối là không khả thi. Nếu vậy thì phải đẩy nhanh cổ phần hóa sao cho số lượng DNNN còn lại ít, thuận tiện cho việc tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu, từ đó lập ra một ủy ban quản lý toàn bộ số lượng DNNN còn lại. Muốn thực hiện được mục tiêu đến năm 2016 còn 500 doanh nghiệp, trong hai năm tới mỗi năm phải cổ phần hóa khoảng 300 doanh nghiệp. Trong khi đó, tiến độ cổ phần hóa hiện rất chậm, trong các năm gần đây mỗi năm chỉ cổ phần hóa được trên dưới 20 doanh nghiệp.

Tóm lại, phương án thành lập ngay ủy ban chuyên quản DNNN hay đợi đến năm 2016 đều có chung một mục đích, vấn đề là quyết tâm thật sự để thực hiện.

* Có rất nhiều việc phải làm để đổi mới thể chế, theo ông, nên bắt đầu từ đâu?

- Tôi nghĩ rằng cùng với cải cách kinh tế thị trường thì việc cải cách bộ máy nhà nước cũng hết sức quan trọng, tuy nhiên có vẻ như việc này chưa được thảo luận nhiều trên các diễn đàn. Rõ ràng là thị trường không dung nạp được cơ chế xin cho, mà muốn dẹp bỏ cơ chế này thì trước hết phải cải cách vai trò của Nhà nước. Việc tập trung vào cải cách DNNN, minh bạch hóa và xóa bỏ độc quyền sẽ là một động lực tự nhiên góp phần thúc đẩy cải cách bộ máy. Chẳng hạn như việc tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu, tách chức năng làm chính sách với chức năng giám sát thị trường. Việc ông bộ trưởng đứng ra biện minh cho doanh nghiệp tăng giá là điều không nên chấp nhận trong kinh tế thị trường. Giá cả để thị trường quy định, ông bộ trưởng hay chủ tịch ủy ban giám sát có trách nhiệm giải trình về việc kiểm soát giá và bảo vệ lợi ích chính đáng của số đông người tiêu dùng.

* Theo ông, nên tổ chức thực hiện thông điệp của Thủ tướng như thế nào để có hiệu quả cao nhất?

- Trước hết phải xây dựng một chương trình hành động cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng cho các bộ ngành và địa phương những phần việc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mình, kèm theo đó là lộ trình thực hiện và chế tài. Tiếp theo nên thành lập một ủy ban thực hiện chương trình hành động này. Lâu nay dư luận thường dị ứng với việc thành lập các hội đồng hay ủy ban, nhưng đây sẽ là một ủy ban hành động và chỉ tồn tại trong 3-5 năm, sau khi thực hiện xong các nhiệm vụ của mình thì tự giải tán.

Mời bạn đọc hiến kế

Như thông điệp của Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Khó khăn, thách thức là rất lớn. Nhưng đây là cơ hội để thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ hơn”. Và một số chuyên gia cho rằng người dân, giới trí thức không nên thụ động chờ đổi mới mà phải góp phần vào tiến trình đổi mới tích cực hơn.

Trên tinh thần đó, Tuổi Trẻ rất mong nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc tham gia diễn đàn “Làm thế nào để thực hiện thông điệp của Thủ tướng?”.

Bạn đọc có thể gửi thư điện tử về biên tập viên Nguyên Trân theo địa chỉ email: nguyentran@tuoitre.com.vn hoặc gửi thư về địa chỉ báo Tuổi Trẻ ở số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên