Nỗi buồn đầu tiên và đau đớn nhất đối với bố là ngày tôi ra đời cũng là ngày mẹ tôi qua đời. Niềm vui của bố vừa đến thì nỗi đau đã xẹt ngang tai. Mẹ tôi bị băng huyết nhiều quá nên kiệt sức mà mất. Đôi mắt bố ngơ ngác trước cái chết quá nhanh của người vợ yêu thương.
Những ngày tiếp theo, trong căn nhà mái lá lúc nào cũng ngập tiếng khóc ngằn ngặt của đứa con thơ khát sữa mẹ, hòa lẫn tiếng ru vụng về của ông bố lần đầu làm mẹ. Tôi được nghe kể lại: nhìn cảnh gà trống nuôi con của bố tôi lúc bấy giờ, ai cũng thương. Ngày nào cũng có người đến thăm, người đem cho cân đường, người cho hộp sữa, người đang nuôi con thì cho tôi bú nhờ... Cứ thế, tôi lớn lên trong vòng tay chăm chút vụng về của bố và nhờ tình thương yêu đùm bọc của những người hàng xóm.
Mười bảy tuổi, tôi mơ ước thi đậu vào Trường viết văn Nguyễn Du để trở thành một nhà văn có tên tuổi. Nhưng có lẽ định mệnh đã trói buộc gia đình tôi bằng một sợi dây vô hình nhưng lại rất chắc chắn, khiến chúng tôi không thể nào cởi bỏ nó ra được. Một tai nạn giao thông bất ngờ xảy ra cướp đi đôi chân của tôi và tất cả những dự định tốt đẹp nhất. Tỉnh lại trong bệnh viện, người đầu tiên tôi nhìn thấy là bố với đôi mắt thấm đẫm nỗi đau. Khi biết mình không còn lành lặn như xưa, tôi vô cùng đau khổ. Cú sốc đầu đời quá lớn khiến tôi nhiều lần nghĩ đến cái chết. Nhưng cứ mỗi lần tôi cảm thấy tuyệt vọng thì đôi mắt u buồn của bố lại hiện ra, nhắc tôi hãy can đảm để vượt qua nỗi đau.
Tôi phải mất một thời gian dài làm quen với cuộc sống của người khuyết tật. Mọi việc từ cơm nước, giặt giũ... cho đến những sinh hoạt tối thiểu nhất của một con người tôi đều phải nhờ đến bố. Nhìn gương mặt của bố ngày càng khắc sâu thêm những nỗi đau ngang dọc, tôi hiểu bố buồn nhiều lắm. Thế mà bố vẫn luôn cười, nhẹ nhàng động viên tôi cố ăn nhiều cho chóng khỏe.
Cuộc sống quẩn quanh trong chiếc giường của tôi kéo dài mất ba năm. Khi sức khỏe và tinh thần đã bắt đầu ổn định, tôi xin bố cho tôi thi tiếp đại học. Sau ba tháng ôn thi miệt mài, tôi đã thi đậu vào Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội. Ngày tôi nhập trường, ánh mắt của bố rạng ngời niềm vui nhưng vẫn không che nổi nỗi lo lắng. Bố lo lắng vì chưa biết đứa con tật nguyền của mình sẽ xoay xở ra sao khi không có sự giúp đỡ của bố. Hành trang bốn năm đại học của tôi là đôi mắt buồn lo của bố. Đó cũng chính là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời sinh viên.
Tốt nghiệp ĐH, tôi dự định trở về vùng than quê tôi để làm một cô giáo tiếng Anh tại nhà. Nhưng rồi dự định của tôi lại một lần nữa bị thay đổi bởi một chàng “công tử Bạc Liêu” can đảm. Anh là một trong những sinh viên tình nguyện trong CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội. Sau bao nhiêu sự ngăn trở, cuối cùng lễ cưới của chúng tôi cũng đã diễn ra tại Nhà văn hóa Học sinh - sinh viên Hà Nội.
Ngày tôi theo chồng vào Nam, đôi mắt già nua của bố nửa như muốn để tôi ra đi, nửa lại như muốn níu giữ tôi lại. Những giọt nước mắt hiếm hoi cứ lăn dài trên gương mặt rúm ró nỗi buồn lo của bố. Tôi cố kìm nén lòng mình để khỏi bật khóc nhưng không thể. Tôi quay vội đi, đem theo đôi mắt buồn của bố vào miền Nam xa xôi.
Hai năm rồi kể từ ngày tôi tạm biệt bố ra đi để bắt đầu lo cuộc sống của một gia đình nhỏ. Những ngày đầu lập nghiệp của vợ chồng tôi, nơi gặp không ít khó khăn, hễ mỗi lần gặp trắc trở, bế tắc, tôi lại nhớ đến đôi mắt của bố. Cứ như thế, đôi mắt biết nói của bố dõi theo tôi, tiếp sức cho tôi trong cuộc hành trình của cuộc đời...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận