01/03/2015 10:50 GMT+7

Khi các bà ngoại múa lân

TẤN ĐỨC - NGỌC TÀI
TẤN ĐỨC - NGỌC TÀI

TT - “Tùng tùng cắc, tùng tùng tùng... cheng cheng...”- tiếng trống, tiếng chập chõa liên tục thúc dồn. Hai lân cùng uốn lượn, rung đầu, ngoắt đuôi rồi bất chợt tung mình bật lên...

Đội lân nữ Lương Hòa tập dượt chuẩn bị phục vụ Tết Ất Mùi - Ảnh: Tấn Đức

Tưởng cuộc thi diễn của hai lân đang độ tuổi sung mãn! Hóa ra chỉ là buổi tập dượt của đội lân nữ, (trong đó có người đã lên chức bà ngoại, bà cố, tuổi ngoài 80) ở khoảng sân trước nhà bà Năm Phước ở ấp Hòa Thạnh B, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre).

Đội lân của cô Ba Định

Với tay lấy chiếc nón lá quạt cho bay bớt mồ hôi rịn đầy trên mái tóc trắng, “lân bà” Trần Thị Sánh (Hai Sánh, 88 tuổi) cười xòa:

“Coi vậy mà tui còn ngon lắm! Nghe tiếng trống là chân tay ngứa ngáy, cái đầu lân 5-6 ký này có nhằm nhò gì”.

Tại Việt Nam, đội lân nữ có một không hai này được mời đi biểu diễn khắp ba miền, ra tận thủ đô.

Còn tại tỉnh Bến Tre, những cuộc thi diễn múa lân đội lân nữ đều tham gia và lần nào cũng giành giải đặc biệt

Bà Hai Sánh là một trong hai người cao tuổi nhất của đội lân với 13 thành viên nữ chính thức ra mắt từ mùng 6 tết năm 1981, với thành phần trụ cột là những người đã tham gia đội quân tóc dài của cô Ba Nguyễn Thị Định.

“Thật ra truyền thống của đội lân phải tính từ thời chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 lận. Hồi đó không khí quật khởi đã len lỏi vào từng thôn xóm.

Để thu hút đông đảo nhân dân tham gia, chị em chúng tôi đã lấy rổ rá dán giấy lên làm đầu lân, rồi dùng thùng thiếc bịt mo cau làm trống đi biểu diễn kết hợp diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng.

Chừng giải phóng đội lân cũng giải tán. Đâu khoảng đầu năm 1981, cô Ba Định về thăm quê kêu mấy chị em tui lại bảo tái lập đội lân.

Rồi cô Ba cho tiền tụi tôi mua quần áo, đầu lân. Vậy là đội lân ra đời, có dạo người ta gọi là đội lân của cô Ba Định” - bà Hai Sánh nhớ lại.

Để có được những bài bản như bây giờ, các cô nhờ đội lân nam của xã rèn dạy từng động tác, từ cách “bỏ giò (chân) quyền”, tới cách lân ăn, lân ngủ, lân cạp chân, cạp đuôi.

Sân nhà biến thành bãi tập. Rổ rá làm đầu lân. Khăn rằn làm mình lân. Thùng thiếc, thau nhôm làm trống. Vậy mà các “lân bà”, “lân cô” vẫn say sưa nhún nhảy.

“Thấy phụ nữ chúng tôi múa may, có người đã vấn (méc) ông nhà chúng tôi rằng sao cho vợ đi chi vậy. May mà mấy ông chồng chỉ cười: “Sao đàn ông chơi được mà không cho mấy bả chơi cho vui tuổi trẻ, khỏe tuổi già” - “lân bà” Nguyễn Thị Thôi kể.

Bà Trần Thị Phước, đội trưởng lân nữ Lương Hòa, nhớ lại: “Đầu năm 1984, đoàn cán bộ cấp cao của Cuba sang thăm và kết nghĩa với tỉnh Bến Tre. Tại Cuba, làng Moncada là nơi mở đầu cuộc khởi nghĩa nhân dân lật đổ chế độ độc tài Batista.

Để biểu thị tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc, xã Lương Hòa được mang thêm tên Moncada. Trong khi đó, Nông trường bò giống Hinba Bonita có tiếng của Cuba cũng được mang tên “làng Bến Tre”.

Bà Phước cho hay mỗi khi có đoàn đại biển Cuba sang Việt Nam đều tới thăm làng Moncada - Lương Hòa. Và khi đó, đội lân nữ của xã đều được mời sang biểu diễn. 

Tề Thiên lột dừa, ông Địa cắt lúa!

Quanh năm suốt tháng, đội lân nữ xã Lương Hòa luôn có lời mời đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Từ lễ hội cúng đình, lễ hội truyền thống các địa phương tới các sự kiện khóm, ấp, phường, huyện xã đón nhận các danh hiệu văn hóa, xóa đói giảm nghèo, khánh thành cầu đường... đội lân đều có mặt góp vui.

Nhưng bận rộn nhất là thời điểm trước và trong tết cổ truyền. “Gần chục năm liền tụi này đâu có ăn tết ở nhà. Những ngày cận tết đi phục vụ bà con các địa phương, còn từ mùng 2 đến mùng 7 tết đóng hẳn tại khu du lịch Cồn Phụng (thành phố Bến Tre) để biểu diễn phục vụ du khách theo lời mời của Công ty Cồn Phụng” - bà Trần Thị Phước cho biết.

Đi nhiều, múa nhiều nhưng với tinh thần “vui là chính”. Mỗi chuyến biểu diễn, ngoài việc đài thọ chi phí di chuyển, đội lân được “bồi dưỡng” chút ít gọi là, nhưng các thành viên trong đội không xem đó là chuyện quan trọng, mà lấy việc mang lại niềm vui cho mình và cho mọi người làm động lực.

Cho nên có lúc để mua đầu lân (khoảng 2 triệu đồng/cái), các thành viên của đội phải góp tiền túi. Mà đâu phải ai cũng dư dả. Ngoại trừ những thành viên nòng cốt, tuổi cao, còn lại đều phải tất bật với công việc mưu sinh.

Trước hôm đội lân tập dượt tại nhà bà Tư Phước, “lân bà” Nguyễn Thị Thôi (69 tuổi) còn bận đi tách trái cau mướn cả buổi để được nhận thù lao chừng 40.000 đồng.

Trong khi đó “Tề Thiên” Võ Thị Huỳnh Nga thì lột dừa cho người ta đến tận 12g đêm, còn “ông Địa” Võ Thị Bích Thủy đi gặt lúa thuê suốt cả ngày. Huỳnh Nga và Bích Thủy là hai chị em họ, tuổi ngoài 50, là cháu “lân cụ” Hai Sánh.

Vì đam mê nghệ thuật múa lân truyền thống và mủi lòng khi nghe cô Hai bảo: “Tham gia để có đội ngũ kế thừa, chứ mơi mốt mấy cô “đi xa” thì lấy ai duy trì đội lân” nên đã vượt cả chục cây số từ xã Phong Mỹ sang tham gia với đội.

Một số thành viên khác của đội lân còn phải mưu sinh với nghề bán vé số, giúp việc nhà... nhưng vẫn sẵn sàng gác lại công việc để dành trọn niềm say mê biểu diễn.

Hôm gặp chúng tôi, “lân bà” Võ Thị Kiển (81 tuổi) bộc bạch: “Có ai mời biểu diễn ở đâu thì nhắn cho chúng tôi nghen. Đi Côn Đảo hay Phú Quốc càng tốt. Chúng tôi ao ước được thăm lại những nhà tù bản thân mình đã từng cam qua”.

TẤN ĐỨC - NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên