![]() |
Một đêm diễn của gánh hát kỳ yên- Ảnh: T.Anh |
Phần lớn trong số họ là những diễn viên đã qua thời thanh sắc, chỉ còn biết đi hát cho những đám kỳ yên ở đình, ở miếu hay lây lất trong những quán nhậu để mưu sinh. Người đời thường gọi họ bằng cái tên rất dân dã: gánh hát kỳ yên!
Kỳ 1: Về vùng sâu tìm khán giảKỳ 2: Đời không bến đậuKỳ 3: Vất vả mưu sinhKỳ 4: Hát, cười trong nước mắt
Gánh hát kỳ yên
Hơn 20 năm trong nghề cải lương, chị Lệ Mỹ từng là đào chính của các đoàn Hương Tràm, Cao Văn Lầu... nhưng cái nghèo, cái khó vẫn chưa hết. Chị kể: "Từ Đồng Đăng đến Đất Mũi, chẳng có nơi nào mà tôi chưa từng đến hát. Phiêu bạt từ thời xuân trẻ thế mà cũng không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của kiếp con tằm nhả tơ. Bàn đi tính lại, năm 1998 tôi mở quán nhậu ca cổ chỉ mong kiếm thêm thu nhập để bám trụ với nghề". Quán nhậu ca cổ Lệ Mỹ là một trong những quán ca cổ đầu tiên ở đất tổ cải lương Bạc Liêu được ra đời như thế.
Thời gian đầu quán nuôi sống cả gia đình chị trong những ngày mưa không thể đi diễn, nhưng rồi khách cũng thưa dần khi những quán karaoke mọc lên như nấm. Thu không đủ chi, chị Lệ Mỹ lâm vào cảnh nợ nần rồi bỏ nghề. Chị kể: "Đã chấp nhận đêm đêm ngồi ca bên bàn nhậu chỉ mong kiếm gạo nuôi con, vậy mà cũng không khá nổi. Đã thế còn chồng chất thêm nợ nần. Nghĩ là cả hai vợ chồng không thể sống bằng nghiệp hát rong nên tôi chấp nhận bỏ nghề, để chồng tiếp tục theo nghiệp đam mê. Những tưởng đã dứt được nghiệp cầm ca, ai dè khi về rồi tôi mới thấy không chỉ riêng mình, mà nhiều anh chị em khác theo nghiệp hát rong đã lỡ thời cũng lao đao không kém. Cầm lòng không đặng, tôi đi vay ngân hàng ít vốn để đầu tư âm thanh, ánh sáng... rồi qui tụ anh em thành một gánh hát. Lúc đó là năm 2006".
![]() |
Chị Lệ Mỹ, chủ gánh hát kỳ yên, ca ở quán những lúc không có sô - Ảnh: T.ANH |
Nói là gánh hát nhưng thật ra chỉ có vài diễn viên cơ hữu và hơn chục diễn viên làm theo thời vụ. Những diễn viên cơ hữu thì hát ở quán nhậu, còn những diễn viên "thời vụ” chỉ hát khi có hợp đồng từ các đám ma, đám cưới, kỳ yên ở miếu, đình... Gánh hát chỉ hoạt động thật sự được mấy tháng đầu năm, đó là dịp cúng bái, kỳ yên ở các đình.
Bất kể ở đâu, Đà Nẵng hay Đất Mũi, có người gọi là anh em lại gồng gánh lên đường. Có chuyến đi cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi người, nhưng cũng không ít lần đi hát về còn ôm cả cục nợ. Ở những đám ma thì hát gần như miễn phí, còn ở chùa nhiều khi thấy người ta nghèo quá mình cũng không nỡ lấy nhiều, chỉ đủ chi phí... Miễn là anh em được ca, được sống lại trong không khí sân khấu là vui lắm rồi!
Anh Hữu Tâm - diễn viên trong đoàn Lệ Mỹ - tâm sự: "Cứ mỗi lần tập tuồng xưa tôi lại không cầm được nước mắt. Bây giờ cũng là tuồng đó, cũng là chính mình nhưng sao lạc lõng quá. Ngày xưa hát cho hàng ngàn khán giả xem, bây giờ nhiều khi chỉ hát cho người nằm xuống nghe, trước mắt là nhang khói nghi ngút... Buồn lắm!".
Sau mùa đình đám, các diễn viên trong gánh hát kỳ yên của chị Lệ Mỹ lại quay về với cuộc sống thường nhật. Người chạy xe ôm, người làm cỏ lúa mướn, người bán buôn... Khó khăn là vậy, túng bấn là vậy nhưng mỗi lần có người gọi là họ đều vui vẻ lên đường. Bởi với họ, ca hát đã là cái nghiệp, như lời chị Lệ Mỹ nói: "Đã hứa với tổ nghiệp là sẽ mang tiếng ca góp vui cho đời thì dù có hát trong nợ nần cũng phải hát. Hát chừng nào không còn hơi nữa mới thôi".
Bám víu nhau mà sống
Chật vật, khốn khó trong nợ nần, nhiều lần chị Lệ Mỹ đã định giải tán gánh hát kỳ yên của mình cho khỏe thân. Nhưng rồi chị đã không làm được điều đó chỉ vì cái tình với đồng nghiệp, cái tâm với nghiệp tổ. Chị tâm sự: "Nhiều anh em đã hết thời nên chẳng biết bấu víu vào đâu, giờ chỉ còn gánh hát này làm nơi nương thân mà mình cũng giải tán luôn thì họ biết cậy nhờ ai đây!".
Hằng ngày, nhìn cha của mình là ông Quang Ấn già nua ngồi hát bên bàn nhậu phục vụ đám trai trẻ mà chị Lệ Mỹ cứ rưng rưng: "Ba đã nuôi chúng tôi khôn lớn bằng cái nghiệp này, bây giờ gần 70 tuổi rồi mà vẫn còn hát. Vốn liếng của cả một đời nghệ sĩ chỉ có lời ca tiếng hát, nếu tôi không giữ lấy quán nhậu, gánh hát kỳ yên này thì lấy gì cho ba sống! Có khổ cũng đỡ hơn là để ông cụ cầm đàn đi hát dạo kiếm ăn, thôi thì ráng bám víu nhau mà sống vậy".
Nghỉ mệt sau mấy câu vọng cổ mua vui cho khách, ông Quang Ấn tâm sự: "Hồi 16 tuổi tôi đã rày đây mai đó theo gánh hát, trải qua không biết bao nhiêu đoàn. Khi con cái lớn, tôi mới ngộ ra một điều: cứ theo gánh hát mãi thì con cái thất học hết! Thế là tôi đành bỏ ngang về làm ruộng để "chống dốt" cho mấy đứa nhỏ. Đến khi không làm ruộng nổi nữa thì lên đây hát quán cho con để kiếm sống. Tôi đã nghèo, mấy đứa con theo nghiệp hát cũng nghèo, chẳng ai lo cho ai được... Thôi thì còn chút hơi tàn đem đổi chén cơm qua ngày vậy!".
Gánh hát kỳ yên của chị Lệ Mỹ còn là nơi nương tựa của nhiều người già khác nữa trong gia đình cải lương của chị. Cô Kiều Trang, người cô của chị, cũng nằm trong số đó. Dáng người gầy yếu ở tuổi gần 60, hằng đêm cô Kiều Trang vẫn phải dầm sương để hát nơi sân đình.
Hỏi chuyện, cô Kiều Trang cho biết: "Ông nội tôi là bầu hát, cha mẹ tôi là đào kép chính, đến tôi cũng từng là đào chính. Tính ra đến con tôi nữa là đã năm đời theo nghiệp hát rong, vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Cả gia đình theo nghề hát nên ruộng vườn chẳng có, khi về già chỉ biết bám víu vô con cháu mà sống nốt quãng đời còn lại. Tôi theo cái nghiệp này từ trong bụng mẹ, cái thời mà gánh hát chỉ vỏn vẹn mấy thứ đạo cụ đơn sơ nằm gọn trong gánh. Cái thời thắp đèn mà diễn ấy vậy mà vui". Sau một hồi trầm tư, cô lại thở dài: "Tôi chỉ mong con cháu giữ được cái nghiệp của cha ông nhưng sao khó quá!".
__________________________
Mấy ai hiểu được đoạn cuối của đời kép là những giọt nước mắt lăn dài trên gò má đã nhăn màu thời gian. Nhưng họ vẫn dứt khoát: "Nếu chọn lại từ đầu, tôi vẫn theo nghiệp hát!".
Kỳ tới: Hạ màn đời kép
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận