13/03/2012 04:01 GMT+7

Đội bóng thế kỷ 21

TRƯỜNG HUY
TRƯỜNG HUY

TT - Đó là danh hiệu mà Liên đoàn Bóng chày Nhật Bản dành tặng cho đội bóng chày học sinh Trường trung học Kỹ thuật Ishinomaki - thành phố đã bị động đất, sóng thần phá hủy hoàn toàn và có gần 20.000 người chết, mất tích.

TT - Đó là danh hiệu mà Liên đoàn Bóng chày Nhật Bản dành tặng cho đội bóng chày học sinh Trường trung học Kỹ thuật Ishinomaki - thành phố đã bị động đất, sóng thần phá hủy hoàn toàn và có gần 20.000 người chết, mất tích.

Chiều 11-3, nước Nhật đã tổ chức lễ tưởng niệm một năm ngày xảy ra thảm họa.

Hôm qua, Huỳnh Huy Tuệ - người phụ trách tổ chức phi chính phủ Cầu châu Á - Nhật Bản (BAJ) tại VN - đã gửi cho tôi xem những bài viết về một câu chuyện được xem là biểu tượng hồi sinh mãnh liệt của người Nhật nói chung và người dân TP Ishinomaki nói riêng. Đó là câu chuyện về thể thao.

Với người Nhật, môn thể thao vua không phải là bóng đá mà là bóng chày. Đa số học sinh Nhật khi chọn môn thể thao để rèn luyện đều ưu tiên cho bóng chày. Vì vậy, giải vô địch bóng chày học sinh cấp III là một giải lớn, chỉ đứng sau giải vô địch các đội chuyên nghiệp. Hằng năm, khoảng 4.000 trường trung học đã tham gia giải đấu này để tranh vé dự vòng chung kết tại sân Koshien ở Osaka.

Ishinomaki không phải là một thành phố có phong trào mạnh về bóng chày. Bằng chứng là 45 năm qua, chưa bao giờ các VĐV học sinh của họ vào được vòng chung kết. Vậy mà đúng một năm sau ngày thành phố bị phá hủy hoàn toàn bởi thiên tai, các học sinh Trường trung học Kỹ thuật Ishimonaki đã làm được điều kỳ diệu: có mặt trong 32 đội dự vòng chung kết. Hôm 11-3, đội bóng này đã đến Osaka thi đấu giao hữu với Trường Nirayama nhằm chuẩn bị cho vòng chung kết và họ đã được người dân đón chào nồng nhiệt.

Liệu có một sự ưu ái với đội bóng Trường trung học Kỹ thuật Ishinomaki?

Huỳnh Huy Tuệ khẳng định “không” và nói: ”Tính cách của người Nhật không chấp nhận những ưu ái kiểu như thế. Tinh thần hiệp sĩ đạo vẫn còn trong huyết quản của họ, nên không thể có chuyện chấp nhận những kiểu ưu ái phi thể thao như thế. Thông thường các đội bóng học sinh ở Ishinomaki không đủ sức để giành quyền dự vòng chung kết. Nhưng đứng trước hình ảnh quê hương tan hoang, tinh thần của họ được nâng lên rất nhiều và muốn chứng minh với cả thế giới biết rằng họ vẫn sống, vẫn vươn lên mạnh mẽ”. Câu chuyện này không khác câu chuyện đội bóng chuyền nữ của Nhật vô địch Olympic sau Thế chiến thứ hai chưa đầy 20 năm.

Chính vì thế, đội bóng này đã được tặng danh hiệu “Đội bóng thế kỷ 21” - một danh hiệu chỉ dành cho những đội bóng có cống hiến to lớn cho thể thao quốc gia (như đội tuyển bóng đá nữ đoạt chức vô địch World Cup 2011).

Câu chuyện của đội bóng học sinh Trường trung học Kỹ thuật Ishinomaki là một bài học cho tất cả mọi người.

TRƯỜNG HUY

TRƯỜNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên