![]() |
Chiến sĩ biên phòng đồn 651 ở Gary hướng dẫn cán bộ xã cách dùng máy tính - Ảnh: Tấn Vũ |
Làng Da Ding, xã Gary, huyện Tây Giang (Quảng Nam) nằm dưới chân núi Tà Xiêng phân chia hai nước Việt - Lào, quanh năm mây trắng. Cách TP Tam Kỳ 280km và TP Đà Nẵng hơn 200km về phía tây, Da Ding gần như cách biệt với thị thành. Giữa hè, dưới cái nắng chói chang nhưng các chiến sĩ biên phòng ở đồn Gary phải quấn chăn mới ngủ được. Không những lạnh, thời tiết ở đây khó chịu đến mức khoảng 14g là trời bắt đầu như mùa đông.
Ai nấu rượu nhanh vậy?
Sẽ nhân rộng mô hình Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhling Mia chia sẻ: “Phong trào tiết kiệm chi thường xuyên ở các đoàn thể xã tại Gary để mua máy tính là một điển hình sáng tạo của huyện. Từ ý tưởng này, đến nay tôi tự hào những cán bộ vùng cao đã biết sử dụng máy tính để ứng dụng vào công việc hành chính như người miền xuôi. Mô hình này cũng sẽ mở rộng cho 10 xã còn lại của vùng cao huyện Tây Giang như là một chương trình cải cách hành chính bắt buộc”. |
Ngồi trong quán cóc ven đường, dưới cơn mưa tầm tã, thầy giáo Riah Nhiều vẫy tay chào khách lạ qua đường. Thấy chúng tôi hỏi đường về đồn biên phòng 651 (Gary), thầy Nhiều vui vẻ: “Làm chén trà đã, vội gì, trời còn mưa tới sáng!”. Giữa kỳ nghỉ hè, thầy cô người Kinh đã về xuôi, thầy Nhiều và những giáo viên người Cơ Tu khác ở đây chờ năm học mới. Húp vội chén trà nóng, thầy Nhiều cười khẽ: “Trời đất mưa lạnh như thế này phải uống rượu mới đúng. Nhưng thôi, mình là giáo viên, phải làm gương trước! Trí thức mà không làm gương, đồng bào không có nghe!”. Thầy Nhiều bảo phong trào giảm uống rượu xuất phát từ phó bí thư đảng ủy xã, phát động gần ba năm nay. “Anh Chúc đại úy phân tích mình nghe cũng phải. Tôi cũng tuyên truyền cho phụ huynh, cho đồng bào. Hỏi anh một ngày người nấu rượu giỏi nấu 20-30 lít rượu gạo là cùng. Đằng này rượu đâu ầm ầm cả trăm, cả ngàn lít, muốn là có... Men đâu nấu? Ai nấu mà nhanh vậy? Nghi rượu dỏm, rượu nấu men Trung Quốc uống hại gan lắm nên thôi”.
Trụ sở của UBND xã Gary nằm trên một triền đồi cao chót vót, trời đã nhá nhem tối vậy mà A Lăng Nhưng, phó chủ tịch UBND xã, vẫn cặm cụi bên chiếc máy tính xách tay bóng lộn vừa mua. Ngừng đánh máy, Nhưng bảo: “Về nhà cũng được nhưng về sớm rảnh là lôi rượu ra uống, phiền lắm! Mình ở đây “luyện” máy tính”. Một thuộc cấp của Nhưng tiết lộ chiếc máy vi tính của phó chủ tịch xã vừa sắm cách đây hai tuần. Háo hức của người vừa có máy mới, Nhưng hì hục dò tìm những cái mới lạ của thế giới công nghệ đang tràn về miền biên viễn này. Mắt đăm đăm con chữ, liếc tờ giấy trước mặt rồi hì hục đánh máy, gõ rồi xóa, không thèm nhìn khách, Nhưng nói: “Đảng ủy giao nhiệm vụ rồi. Mình cũng còn trẻ, nếu ba tháng dùng cái máy này mà không biết soạn thảo văn bản thì mấy ảnh rầy chết!”.
![]() |
Việc chăm sóc sức khỏe, khuyên thôi rượu và chỉ dẫn sử dụng máy tính của các chiến sĩ biên phòng được người dân xã Gary (Tây Giang, Quảng Nam) mến phục - Ảnh: Tấn Vũ |
Chờ có 3G là xong
Trong trang phục sơmi trắng, quần âu của một phó bí thư đảng ủy xã, nhưng dáng dấp của người lính không lẫn vào đâu được của đại úy Nguyễn Minh Chúc. Nhấp ly trà xanh, anh Chúc kể: “Bây giờ sung sướng lắm rồi. Ngày trước đến được Gary công tác phải mất gần một tuần đi bộ. Ngày tôi đến, trụ sở xã là ba cái phòng bằng tranh tre nứa. Các phòng ban đựng chung hồ sơ trong hai cái tủ. Tất cả giấy tờ viết tay. Có một cái máy đánh chữ nhưng không phải ai cũng đánh máy được...”.
Năm 2011, những điều Chúc vừa kể ở trụ sở của chính quyền một xã rất khó tin nhưng ở miền xa như Gary, nơi có đến 98% là đồng bào người Cơ Tu, cách biệt giao thông, giáp Lào thì điều đó không lạ. Điều ấn tượng nhất với chiến sĩ Chúc có lẽ là rượu. Người người uống rượu, nhà nhà đều có rượu. Đặc biệt là đàn ông, ngoài việc đi săn bắt và đánh cá, thời gian còn lại họ ngồi nhâm nhi cùng nhau. Việc nương rẫy, chăm con và lo lắng cho gia đình đều trên vai người phụ nữ.
Sinh ở miền xuôi tại Tam Kỳ, học xong nghiệp vụ biên phòng, Chúc lao vào vùng rừng núi làm nhiệm vụ như hàng ngàn chiến sĩ biên phòng đang canh giữ bờ cõi đất nước. Chỉ là người lính tăng cường, không phải dân bản địa, việc phát triển kinh tế cho vùng cao đã là thách thức, chưa nói chuyện thay đổi cả một thói quen nhiều đời của người dân nơi đây. Nhấp chén trà xanh, Chúc tâm sự: “Lúc đầu tôi phát động trong chính quyền xã, không uống rượu trong giờ làm việc. Các cuộc tiếp khách giảm dần bia rượu. Thay vào đó, khoản chi thường xuyên dư dôi ra mình sắm máy tính cho anh em. Người này chỉ người kia, biên phòng chỉ cho cán bộ xã, không ngờ cán bộ già trẻ hưởng ứng rất nhiệt thành”.
Anh Chúc nhẩm tính chi phí cho việc tiếp khách ở một xã vùng cao như Gary không nhiều, nhưng mức chi thường xuyên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã là 29 triệu đồng/năm, Hội phụ nữ: 26 triệu đồng/năm, Hội nông dân: 26 triệu đồng/ năm... cũng không ít. “Những tiệc tùng này nọ, nếu ăn uống thả ga nói thật cả 100 triệu đồng cũng không đủ. Vì vậy tiết kiệm mới có cái để mua sắm dụng cụ làm việc cho anh em” - anh Chúc tâm sự.
Thành quả của năm đầu tiên tiết kiệm ở Gary là một chiếc máy tính và một cái máy in trị giá khoảng 20 triệu đồng được mua về xã. Hai năm tiếp theo của chương trình tiết kiệm là 14 cái máy tính và sáu cái máy in. Nhưng điều vui nhất với cán bộ, người dân vùng biên ải này là công việc hành chính xử lý rất nhanh. Có đến 60% cán bộ trong xã người Cơ Tu biết soạn thảo, đánh máy, xử lý văn bản hành chính trên máy tính.
Việc học, chỉ dẫn máy tính cũng là chuyện trần ai và đầy những vui buồn ở vùng cao này. Một quy định không bằng văn bản nhưng ai cũng chấp hành là mỗi cán bộ được giao một máy tính xách tay, tự học trong vòng ba tháng phải biết sử dụng thành thạo. “Ngày mới lên, chỉ có anh Kiều Hồng Nam - phó đồn trưởng quân sự của đồn Gary - là giỏi máy tính. Ngày đêm gì cán bộ cũng tìm tới hỏi han, bắt anh chỉ dẫn, bày đánh máy chữ từ chương trình Word đến Excel... Có người nửa đêm băng rừng gõ cửa đồn để hỏi vì sao văn bản họ đánh xong khi lưu thì mở ra một mảng màu trắng. Có người còn hỏi có phải để máy nơi ẩm thấp và mất vệ sinh thì bị virút hay không. Chuyện vui buồn về máy tính ở đây không kể hết...” - anh Chúc cười nói.
Bây giờ, sau ba năm phát động chương trình tiết kiệm tiếp khách, thôi rượu bia để sắm máy tính cho cán bộ, một chương trình đào tạo chính quy hẳn hoi được chính quyền xã biên giới đặt ra là mở lớp dạy tin học cho cán bộ thôn, xã. “Chúng tôi tính mời cán bộ huyện về dạy, mời cả mấy anh biên phòng, thầy cô ở đây qua giảng trong vòng vài tuần cho cán bộ chưa biết máy tính. Lần này dạy theo chương trình chính quy chứ không học mò như trước nữa” - phó chủ tịch A Lăng Nhưng quả quyết. Anh Nhưng còn thổ lộ năm 2013 sẽ có một đợt sắm máy tính mới khoảng 4-5 cái nữa cũng từ tiết kiệm mà ra. “Bây giờ nếu có sóng 3G là chúng tôi có thể hòa nhập với cả thế giới. Chúng tôi đang chờ Viettel nữa là xong!” - anh Nhưng cười nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận