23/11/2022 22:24 GMT+7

Doanh nghiệp chi ngàn tỉ xây chùa mới: Đầu tư làm du lịch hay bảo tồn di sản?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Cho rằng việc xây chùa như Bái Đính là ví dụ tiêu biểu doanh nhân bảo tồn di sản, nhưng lại nhận được dư luận trái chiều, bị tẩy chay, GS Lê Văn Lan nói những người đang kêu gọi doanh nghiệp góp tiền bảo tồn di sản nên lắng nghe điều này.

Doanh nghiệp chi ngàn tỉ xây chùa mới: Đầu tư làm du lịch hay bảo tồn di sản? - Ảnh 1.

Giáo sư Lê Văn Lan chia sẻ tại diễn đàn - Ảnh: BTC

GS Lê Văn Lan chia sẻ câu chuyện tại diễn đàn Doanh nhân, doanh nghiệp với bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa diễn ra ngày 23-11 tại Hà Nội.

Hoạt động nằm trong sự kiện Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, do Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam kết hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11.

Xây chùa Bái Đính là "bảo tồn di sản"?

Khẳng định việc bảo tồn di sản, trùng tu di tích hiện nay rất cần tới sự tâm huyết, trí tuệ, tiền bạc của doanh nhân, doanh nghiệp chứ đầu tư từ nhà nước chỉ như muối bỏ bể, ông Lan dẫn ra trường hợp xây chùa Bái Đính ở Ninh Bình để ngợi khen doanh nghiệp đầu tư bảo tồn di sản.

Trong khi việc doanh nghiệp đầu tư xây chùa lớn làm du lịch nhận nhiều dư luận trái chiều, trong đó không ít chỉ trích từ những trí thức, nhà khoa học, thì ông Lan lại ngợi ca việc làm này.

"Có một công trình văn hóa tín ngưỡng tâm linh do doanh nghiệp tự bỏ tiền đứng ra làm, xây ngôi chùa cực kỳ to lớn từ một nhà thờ họ cũ ở Ninh Bình thờ ngài Nguyễn Minh Không - nhân vật rất lớn thời Lý, vừa là tổ nghề luyện kim đúc đồng, vừa là dược sư làm thuốc…

Từ một nơi thờ phụng Nguyễn Minh Không như thế, một đại gia, cuối cùng giúp gìn giữ bảo tồn văn hóa là xây đại công trình kiến trúc mới trị giá vài ngàn tỉ", ông Lan nói.

Ông Lan không nêu tên cụ thể doanh nghiệp và chùa Bái Đính nhưng câu chuyện ông kể thì đó là chuyện Xuân Trường xây chùa Bái Đính ở Ninh Bình.

Công lao là vậy, theo ông Lan, nhưng doanh nghiệp này lại gặp "dư luận vô cùng trái chiều" và dường như "bất công".

Ông cho biết ngay bạn bè ông, những người đại diện tiêu biểu cho giới trí thức bây giờ nói với ông họ chưa bao giờ đến chùa Bái Đính mới và sẽ không bao giờ đến "vì nó có phải dân tộc, có phải Việt Nam đâu, có phải văn hóa tín ngưỡng tâm linh chân chính đâu, nó là chỗ kinh doanh".

Ông khuyên những người đang kêu gọi doanh nhân, doanh nghiệp bỏ tiền bỏ của, bỏ trí tuệ ra giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa thì nên lắng nghe, suy nghĩ về điều này.

Bởi các nơi đều có nhu cầu nhờ doanh nghiệp giúp đỡ tài chính sửa sang di tích nhưng xã hội lại nhìn nhận "có vấn đề" đối với những người đứng ra bảo tồn, gìn giữ di sản.

Ông Lan còn dẫn thêm ví dụ về doanh nhân bỏ tiền đầu tư bảo tồn di sản: mới đây ông được mời dự lễ khánh thành một công trình kiến trúc văn hóa tâm linh khác ở Nam Định.

Một doanh nghiệp lớn bỏ ra hàng trăm tỉ biến ngôi chùa cũ hẻo lánh, thâm nghiêm, trang nhã bên sườn một ngọn núi cổ nổi lên giữa đồng bằng Nam Định, nơi Huyền Trân công chúa từng tu tập, thành quần thể lớn với một loạt những lầu gác, đền đài, trụ sở, phòng họp "vô cùng khang trang".

Không hiểu biết mà đầu tư bảo tồn di sản rất dễ thành phá hoại

Sau phát biểu của ông Lan, ông Trần Đình Thành - phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa - mặc dù ghi nhận sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân vào bảo tồn di sản, trùng tu di tích những năm qua, nhưng ông cũng nhắc nhở bảo tồn, giữ gìn di sản phải đảm bảo tính khoa học để giữ những gì cha ông trao truyền lại, chứ không đơn thuần bỏ tiền ra xây to dựng lớn.

Ông lưu ý doanh nghiệp khi đầu tư bảo tồn di sản phải có sự hiểu biết nhất định về bảo tồn thì lúc đó nguồn lực mình đầu tư sẽ đúng mục đích, mục tiêu là giữ gìn được các giá trị gốc, cốt lõi.

"Không hiểu biết về di sản mà đầu tư bảo tồn, tôn tạo di sản thì sự phá hoại rất dễ xảy ra", ông Thành nói.

Về những ví dụ của GS Lê Văn Lan, ông Thành khẳng định với Tuổi Trẻ Online công trình của Xuân Trường không phải là bảo tồn di tích. Nó là một ngôi chùa được xây mới ở vùng đệm của khu di sản thế giới Tràng An, để phục vụ phát triển tín ngưỡng, văn hóa ở khu vực ấy, đồng thời phục vụ phát triển du lịch, chứ không động vào di sản.

"Chùa cũ nằm cách đó 1km, vẫn được bảo tồn yếu tố gốc. Không thể gọi ngôi chùa mới do doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng là bảo tồn di sản", ông Thành nói.

Bất chấp mưa rét, hàng vạn người đổ về Bái Đính, Tam Chúc, Tràng An Bất chấp mưa rét, hàng vạn người đổ về Bái Đính, Tam Chúc, Tràng An

TTO - Sáng 6-2 (mùng 6 tháng giêng Nhâm Dần), lần đầu tiên chùa Bái Đính tổ chức lễ rước nước. Bất chấp thời tiết mưa rét, sương mù, hàng vạn người đã đổ về hai trong số các ngôi chùa lớn ở miền Bắc là Bái Đính, Tam Chúc.


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên