23/03/2005 09:05 GMT+7

Đổ tàu, đổ trách nhiệm

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT - 1. Những người có trách nhiệm lại thường hay ngại hai chữ “trách nhiệm”, nhất là trong những chuyện tiêu cực và khi sự cố xảy ra. Đã mười ngày sau vụ tai nạn tàu E1, giờ quả bóng “trách nhiệm” vẫn đang bị đùn qua đẩy lại.

Tại cuộc họp báo hôm 15-3, một đồng nghiệp của chúng tôi bức xúc: “Thân phụ của một nạn nhân đã gọi điện đến tòa soạn đề nghị chuyển lời tới các vị có trách nhiệm của ngành đường sắt rằng các vị phải chịu trách nhiệm và nên từ chức từ dưới lên trên”.

Nhưng phần phản hồi thì sao? “Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm theo pháp luật” (ông Trần Đức Giao - tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội) và “Việc ngồi xác định trách nhiệm anh A, anh B chỉ là một phần.

Những người không tuân thủ qui trình, qui định phải bị xử lý làm gương cho người khác để không xảy ra tai nạn tương tự trong tương lai - đó mới là phần quan trọng” (ông Nguyễn Đạt Tường - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt). Rồi mới đây nhất, tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Nguyễn Hữu Bằng dù khá thẳng thắn “trách nhiệm đến đâu tôi chịu đến đó” song vẫn “phải (chờ) xem cấp dưới làm (kiểm điểm) thì mình mới làm được” và “chịu thế nào thì sẽ phải theo qui định” (Tuổi Trẻ ngày 22-3).

Vấn đề đặt ra là “pháp luật”, “qui định” mà những “người trong cuộc” đề cập ở đây là pháp luật nào, qui định nào? Trong khi trách nhiệm mà hành khách đang đòi hỏi trước hết phải là “trách nhiệm chính trị” của những người có trách nhiệm khi mà uy tín cả ngành đường sắt sụt giảm nghiêm trọng, niềm tin vào ngành đường sắt giảm sút nghiêm trọng. Đồng nghiệp của chúng tôi không phải không có lý khi nói thẳng hai chữ “từ chức”.

Ở nước ngoài, một đoàn tàu đổ, một cây cầu sập, người đứng đầu ngành đường sắt, ngành giao thông sẵn sàng từ chức. Đã đến lúc chế độ trách nhiệm chính trị, văn hóa từ chức cần phải được xác lập và nhìn nhận đúng mức.

2. Từ vụ tàu E1 hành trình 30 giờ gặp nạn, nay lại “tòi” thêm chuyện lình xình đối với tàu SE 29 giờ. Lãnh đạo Bộ GTVT và Cục Đường sắt thì bảo: mặc dù cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu ngành đường sắt trình đề án rút ngắn giờ tàu để quyết định nhưng họ chưa thực hiện thì đã cho tàu 29 giờ chạy. Còn lãnh đạo ngành đường sắt lại nói: việc rút ngắn giờ tàu trước đây vẫn do ngành đường sắt tự quyết (lúc ấy còn là Liên hiệp Đường sắt) và khi chạy thử tàu 29 giờ vẫn có mặt các cán bộ của bộ và của cục (nên không thể nói bộ, cục không biết)…

Và như thế, quả bóng “trách nhiệm” lại bị đẩy qua đẩy lại như nhịp lắc lư của con tàu. Nhưng một điều rõ ràng là cơ quan quản lý nhà nước, trong trường hợp này, không thể không có trách nhiệm. Bởi nếu ngành đường sắt cứ chạy tàu một cách tùy tiện (đề án chưa trình và chưa được phê duyệt) thì Bộ GTVT, Cục Đường sắt hoàn toàn có quyền yêu cầu dừng lại. Vậy mà đến giờ lệnh “thổi còi” ấy vẫn chưa hề được ban ra trong khi ngành đường sắt tuyên bố tiếp tục chạy tàu 29 giờ và 30 giờ như trước khi xảy ra tai nạn.

Chỉ khi nào chở đầy trách nhiệm, mọi con tàu mới vận hành trơn tru, hiệu quả và an toàn.

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên