Trong những năm qua, nghèo đói tại Việt Nam được đo lường thông qua thu nhập. Chuẩn nghèo được xác định dựa trên mức chi tiêu đáp ứng những nhu cầu tối thiểu và được quy ra bằng tiền. Người nghèo hay hộ nghèo là những đối tượng có mức thu nhập thấp hơn chuẩn nghèo.
Tuy nhiên, phương pháp này bộc lộ những hạn chế, bởi có những nhu cầu tối thiểu không thể đáp ứng được bằng tiền, không thể qui đổi ra tiền.
Nếu chỉ dùng thước đo duy nhất dựa vào chi tiêu/thu nhập dẫn đến tình trạng bỏ sót đối tượng, mặt khác có những người tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại không tiếp cận được một số nhu cầu cơ bản như y tế, giáo dục, thông tin...
Tiếp cận nghèo theo phương pháp đo lường đa chiều sẽ khắc phục được những bất cập và tồn tại của chính sách giảm nghèo, để người dân được tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Các chuyên gia cho rằng, đo lường nghèo đa chiều là phương pháp mới đang được các tổ chức quốc tế, một số quốc gia trên thế giới nghiên cứu, chuyển đổi, chưa có hình mẫu và quy định chung. Vì vậy, ở Việt Nam, việc áp dụng phương pháp này cần vận dụng phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội cụ thể của đất nước.
Tiếp cận nghèo đa chiều cần đạt được 3 mục tiêu, đó là: đo lường (các chiều nghèo), giám sát nghèo và định hướng chính sách, xác định hộ nghèo cũng như xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.
Trong quá trình chuyển đổi phương pháp tiếp cập đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, chuẩn nghèo đa chiều và chuẩn nghèo chi tiêu/thu nhập cần được sử dụng song song.
Hiện nay, có 11 chỉ tiêu nghèo đa chiều bao gồm: giáo dục người lớn, giáo dục trẻ em, khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch, hố xí, dịch vụ viễn thông, tài sản phục vụ tiếp cận thông tin, bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, chuẩn nghèo đa chiều ở Việt Nam dự kiến được xác định như sau: một hộ gia đình được coi là hộ nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu hộ gia đình thiếu từ 1/2 tổng số nhu cầu cơ bản trở lên; một hộ được coi là hộ nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/3 – 1/2 tổng số nhu cầu sống cơ bản; một hộ gia đình được coi là hộ cận nghèo đa chiều nếu hộ gia đình thiếu từ 1/5 - 1/3 tổng số nhu cầu cơ bản.
Về việc xây dựng chuẩn nghèo thu nhập, cần xác định được mức sống tối thiểu nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất mà mỗi người cần phải có để sinh sống.
Mức sống tối thiểu được xây dựng trên cơ sở các nhu cầu tối thiểu về tiêu dùng lương thực, thực phẩm và nhu cầu chi tiêu phi lương thực, thực phẩm.
Đây là tiêu chí mang tính khách quan, không phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước, còn được gọi là chuẩn nghèo khách quan hay chuẩn phúc lợi xã hội đầy đủ.
Dự kiến, trong năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình ban hành các tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều; xây dựng, thử nghiệm, tập huấn cho địa phương công cụ, quy trình điều tra, xác định đối tượng; các địa phương tổ chức điều tra, xác định các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều; tổng hợp, báo cáo kết quả điều tra, xác định phân loại các đối tượng theo tiêu chí nghèo đa chiều của cả nước và từng địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Song song với quá trình đó, xây dựng và chuyển giao phần mềm trực tuyến, quản lý đối tượng trong cả nước, nhập dữ liệu điều tra để theo dõi kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận