27/10/2006 06:15 GMT+7

Đo lòng dân để khiển vận nước

Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC
Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC

TT - Trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Chính phủ đã rất ít đề cập tới người dân và định lượng sự đánh giá của người dân đối với hiệu quả điều hành của Chính phủ. Nói cách khác là chưa đề cập, quan sát hay định lượng hệ quả mà nhân dân đang được thụ hưởng (hay hứng chịu) từ những kết quả điều hành của Chính phủ.

Báo cáo nêu lên những con số tăng trưởng kinh tế rất cao, thành tựu của rất nhiều nỗ lực… nhưng chưa thấy sự phân tích có định lượng rằng thành quả ấy được phân chia vào những đối tượng nào, ra sao...

Với một nền kinh tế còn dựa quá nhiều vào xuất khẩu tài nguyên, mang nặng tính chất gia công - với một tỉ trọng không nhỏ vốn đầu tư nước ngoài - thì sự tăng trưởng ấy tác động tích cực vào đời sống của nhân dân ra sao?

Việc ra đời một nhà máy, một khu công nghiệp có thể được định lượng thành một thành tựu kinh tế quan trọng nhưng trong tổng số những người dân phải di dời, có bao nhiêu phần trăm người được hưởng lợi, được tái định cư với điều kiện tốt hơn như Chính phủ qui định; được có công ăn việc làm và môi trường được bảo đảm và cải thiện...?

Ngược lại, có bao nhiêu gia đình thất cơ lỡ vận, hi sinh cả gia sản và cơ nghiệp, không có công ăn việc làm, lâm vào hoàn cảnh khốn khó...? Có bao nhiêu dân cư phải chịu đựng sự ô nhiễm môi trường, sống trong những vùng gọi là “làng ung thư”?

Hơn thế nữa, ngay khi đã có những bước chuyển trong lãnh đạo và điều hành việc nước, báo cáo cũng chưa đo được lòng người dân với sự lãnh đạo của Chính phủ như thế nào? Tại mỗi kỳ họp chúng ta đã được lắng nghe biết bao bức xúc của người dân. Tại mỗi lần tiếp xúc cử tri chúng ta càng được nghe nhiều hơn nỗi bức xúc của mỗi số phận cụ thể. Tình trạng dân khiếu kiện cũng thể hiện được phần nào sự bức xúc ấy.

Tôi nghĩ rằng trong môi trường dân chủ đang rộng mở, ý dân đã được lắng nghe thì trong báo cáo của Chính phủ, bên cạnh những nội dung thường thấy, Thủ tướng nên có lời đánh giá lòng dân đối với Chính phủ như thế nào; sự phát triển của đất nước mang lại được gì cho người dân theo đúng nguyên lý “nước mạnh thì dân phải giàu, nước cường dân phải thịnh”.

Chúng ta chưa có và ở kỳ họp này vẫn chưa đưa ra Luật trưng cầu ý dân. Nhưng chừng nào chưa coi ý dân là một tiêu chí đánh giá hoạt động của Chính phủ thì các báo cáo của Chính phủ vẫn còn một khoảng trống, dễ nảy sinh sự chủ quan và sinh thêm sự quan liêu trong nhận thức.

Đại biểu Quốc hội DƯƠNG TRUNG QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên