08/01/2015 10:35 GMT+7

Đổ bỏ sữa do nuôi bò tự phát, không thể làm nông tù mù

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Làm gì để không tái lặp cảnh nông dân phải đổ bỏ sản phẩm và không có người mua?

Nông dân xã Tu Tra, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) lọc sữa bò để mang đi bán dạo - Ảnh: Mai Vinh

Dưới đây là một số ý kiến.

* TS Hồ Cao Việt (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam):

Phải sản xuất theo nhu cầu thị trường

Tình trạng người dân một số địa phương ở khu vực phía Nam không bán được sữa bò, thậm chí phải đổ bỏ sữa như Tuổi Trẻ đưa tin ngày 5-1 là một nghịch lý bởi VN đang thiếu sữa cho chế biến, nhiều trẻ em không có sữa để uống, doanh nghiệp phải chi hàng tỉ USD nhập khẩu mỗi năm.

Thế nhưng, xét về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân, đây là một trong những hệ quả tất yếu.

Nông dân VN lâu nay vẫn có thói quen chỉ tập trung vào sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, sau đó bán cho thương lái. Đây là cách làm rất rủi ro và thiệt thòi luôn thuộc về người nông dân trước tình cảnh phải bán được sản phẩm nông nghiệp mới có tiền chi tiêu cho gia đình.

Làm nông nghiệp theo kiểu mua bán tù mù thay vì làm theo tín hiệu của thị trường cũng dẫn tới cảnh được mùa mất giá liên tục nhiều năm qua. Những công ty không có lỗi khi từ chối mua sữa bò tự phát, bởi hệ thống của họ không đủ khả năng đáp ứng cũng như họ phải tính đến vấn đề kinh tế khi mua sữa bò trong nước với giá cao hay nhập khẩu với giá rẻ trong từng thời điểm cụ thể.

Một số hệ quả của việc đầu tư vào nông nghiệp theo phong trào, đầu tư tù mù trong năm 2014:

* Người dân chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng cà phê, hạt tiêu dù cách đó mấy năm họ đã chặt cà phê, điều để trồng cao su.

* Tháng 3-2014: Hàng ngàn xe tải dưa hấu ách tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn vì nguồn cung quá lớn và phía Trung Quốc hạn chế mua.

* Tháng 8-2014: Người trồng thanh long ở Bình Thuận phải cho bò ăn do thu hoạch rộ, chất lượng kém trong khi nguồn hàng chất lượng cao xuất khẩu sang các thị trường khó tính vẫn thiếu hụt.

* Tháng 12-2014: Bí đỏ ế để đầy đường ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) do người dân ồ ạt trồng loại bí này vì năm trước được mùa, được giá.

Đã đến lúc người nông dân phải thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp, đó là sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

Trước khi đầu tư trồng trọt hay chăn nuôi sản phẩm gì, người dân cần phải tìm hiểu những thông tin về nhu cầu của thị trường, người mua tại địa phương là ai, liên hệ và ký kết hợp đồng cụ thể như thế nào rồi mới đầu tư.

* PGS Nguyễn Đăng Vang (chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi VN):

Nhà nước nên can thiệp

Các công ty chế biến sữa từ chối mua sữa bò của nông dân bởi họ sản xuất phải có kế hoạch.

Hơn nữa, sữa là mặt hàng đặc biệt cần có sự kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt chứ không thể bò cho sữa là đưa vào chế biến được ngay.

Do đó, chúng tôi khuyến cáo người chăn nuôi phải liên hệ trước với các công ty mua sữa tại địa phương để có thỏa thuận hoặc hợp đồng mua bán trước khi đầu tư nuôi bò.

Đặc biệt, giá sữa nguyên liệu hiện đã giảm còn khoảng 50% so với năm ngoái. Với việc nhập khẩu sữa về rẻ hơn nhiều so với mua trong nước, các công ty sẽ chọn cách mua hàng từ bên ngoài thay vì mua của nông dân.

Tuy nhiên, không ai dám chắc trong thời gian tới giá sữa thế giới không tăng.

Nếu không hỗ trợ người nuôi bò sữa những lúc khó khăn thế này, rất có thể phong trào nuôi bò sữa sẽ đi xuống trong thời gian tới trong khi nguồn cung trong nước hiện đang thiếu hụt.

Nhà nước mà cụ thể là Bộ NN&PTNT cần có sự can thiệp lúc này để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân.

* GS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Úc):

Làm nông nghiệp cũng phải có hợp đồng

Tại Úc, người đầu tư vào nông nghiệp phải có các khách hàng bao tiêu đầu ra của mình thông qua các hợp đồng hoặc thỏa thuận. Nuôi bò sữa và bò thịt đòi hỏi những yêu cầu rất khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người chăn nuôi phải tuân thủ các tiêu chuẩn và điều kiện nghiêm ngặt mới bán được sản phẩm. Vì vậy, tôi không quá ngạc nhiên trước thông tin nhiều người dân chạy theo phong trào nuôi bò sữa tự phát, đến khi bò cho sữa không thể bán cho các công ty.

Tất nhiên, trong điều kiện chăn nuôi quy mô nhỏ ở VN, người nông dân ít thông tin, Nhà nước phải có những hướng dẫn cho họ. Cách tốt nhất là nhiều người nông dân sản xuất nhỏ trong một khu vực tập trung lại với nhau thành một hợp tác xã sản xuất quy mô lớn. Khi đó, họ sẽ có tiếng nói với các doanh nghiệp mua sản phẩm.

* Ông Phùng Văn Hiền (giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây nhiệt đới, Bến Tre):

Có hợp đồng giúp doanh nghiệp chủ động

Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính, việc ký hợp đồng hợp tác với nông dân là rất quan trọng trong việc đảm bảo ổn định số lượng cũng như chất lượng hàng hóa. Các khách hàng của chúng tôi yêu cầu rất cao và chặt chẽ về các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Dù đã có những chứng nhận về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu nhưng mỗi ba tháng công ty đều cử chuyên gia của họ đến tận vườn để đánh giá, đồng thời gửi mẫu đi phân tích trước khi lấy hàng.

Với hợp đồng cụ thể, chúng tôi biết được tổng diện tích vùng trồng để từ đó phân bố thời vụ thu hoạch hợp lý không để dội hàng, cũng không bị khan hàng. Khi đã ký vào hợp đồng, nông dân cũng chấp thuận việc chăm sóc cây trồng theo tiêu chuẩn mà công ty đưa ra để đảm bảo chất lượng.

Đổi lại, nông dân cũng chắc chắn đầu ra sẽ được bao tiêu hết với thu nhập cao hơn nhiều so với trồng và bán cho thương lái như trước.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên