17/10/2011 06:18 GMT+7

Đỗ Bích Thúy: Tôi viết ít đi vì biết... sợ

T.N.T.
T.N.T.

TT - Nhà văn Đỗ Bích Thúy - tác giả của truyện ngắn được chuyển thể thành phim Chuyện của Pao - vừa ra mắt bạn đọc tập tản văn Trên căn gác áp mái. Tháng 12 tới, chị và NXB Kim Đồng cũng cho ra mắt tập truyện Hội Cầu vồng viết cho thiếu nhi.

8lLcvYvl.jpgPhóng toNhà văn Đỗ Bích Thúy - Ảnh: H.Điệp

Hội Cầu vồng là những câu chuyện bất tận và niềm vui bất tận của đứa con gái lớn đang học lớp 3 kể cho tác giả nghe mỗi ngày đưa đón con đi học. Còn Trên căn gác áp mái là một Đỗ Bích Thúy gần gũi với đời sống hằng ngày qua những câu chuyện được xâu chuỗi lại từ ngày bé ở quê hương Hà Giang đến khi lập nghiệp ở Hà Nội.

* Nhiều người biết đến Pao trong Tiếng đàn môi sau bờ rào đá nhưng lần đầu tiên (trong tản văn) chị nói rất thật rằng nếu gặp lại cô bạn Thương (nguyên mẫu nhân vật Pao) ấy trước khi viết truyện ngắn, chưa chắc độc giả đã có phim Chuyện của Pao để xem, tại sao vậy?

- Bởi cuộc sống của cô ấy khác quá xa sự tưởng tượng của tôi, thật sự tôi rất xót xa khi cùng đạo diễn Ngô Quang Hải gặp lại cô ấy. Chẳng có tình yêu nào cả, cũng chẳng có sự kỳ diệu nào cả. Cái kết của câu chuyện là điều tôi luôn luôn hi vọng cho cô bạn gái của mình nhưng cuộc sống thực đã không như tôi tưởng. Nếu gặp lại cô ấy trước khi tôi viết, chắc chắn cảm xúc bị chi phối nhiều nên sẽ rất khó có một cô Pao mà Đỗ Hải Yến đã thể hiện.

* Lâu nay ít thấy chị công bố những tác phẩm mới, liệu có phải vì xa mảnh đất Hà Giang quá lâu nên chị bị mất đi chất liệu?

- Nhiều người đã nghĩ như thế. Nhưng trước khi trở thành nhà văn, 19 tuổi tôi đã là phóng viên của báo Hà Giang. Năm năm ròng viết về vùng đất ấy, tôi vào bản, lên biên giới, chuyến đi nào cũng kéo dài hàng nửa tháng trời cùng ăn cùng ở với bà con để lấy tư liệu viết báo.

Tất cả những câu chuyện tôi thu gom được trong nhiều năm công tác ấy làm nên một cái vốn rất riêng về người vùng cao. Nó như những hạt gạo, hạt cơm. Lúc ấy tôi không ý thức về việc mình dành tư liệu ấy để viết văn. Chỉ đến khi xa Hà Giang, tôi mới nhận thấy tất cả những thứ đó là vốn quý. Và cảm xúc để viết chỉ như chất men làm nên món rượu miền núi của Đỗ Bích Thúy mà thôi.

* Trong một bài tản văn viết về nhà văn Nguyễn Khải, chị có nhắc lời ông viết trong lá thư gửi mình rằng nếu đọc riêng từng tác phẩm của Đỗ Bích Thúy thì hay nhưng đọc chung cả 10 tác phẩm thì mệt, khi đọc những nhận xét này chị thấy sao?

- Tôi sốc. Bởi quả thật lúc ấy chưa ai nói với tôi thế cả. Và tôi rất cảm ơn lời nhận xét ấy của ông. Sau này khi viết truyện vừa Lặng yên dưới vực sâu, tôi suy nghĩ nhiều về những lời ông nói cũng như dụng công nhiều trong từng câu văn.

* Có phải bởi vậy mà chị viết ít?

- Đúng là tôi viết ít đi. Vì thận trọng hơn và vì biết... sợ. Nỗi sợ lớn nhất của người viết là sợ người đọc thất vọng.

Viết trong nỗi hoài nhớ

DvbyeAl3.jpgPhóng to
Sách do NXB Phụ Nữ ấn hành - Ảnh: V.Q.

Cái thung lũng có diện tích gần ba nghìn mét vuông, ba phía núi, một phía đường, con suối nhỏ trong vắt chảy qua, cỏ cây xanh tốt um tùm, buổi sáng khướu hót, xẩm chiều bìm bịp kêu, đêm về bìm bịp khắc khoải tính ngày tính tháng; cái thung lũng đã nuôi ba đứa con trưởng thành và ba đứa con như ba con cò ích kỷ đã bay đi, thật xa, đến một nơi mà tiếng chim hót đã biến thành tiếng chim khóc trong lồng và bìm bịp, tắc kè thì nằm yên trong bình rượu...”.

Đấy là một đoạn trích trong tạp bút Nơi về (in trong tập Trên căn gác áp mái) của Đỗ Bích Thúy, và cái thung lũng kia chính là ngôi nhà trên mảnh đất Hà Giang xinh đẹp, nơi chị sống suốt một thời ấu thơ và bao mộng đời cũng thêu dệt từ đó. Từ căn gác áp mái nơi căn nhà ấu thơ ấy, bao ý nghĩ tự do nảy nở, bao xúc cảm thầm lặng cuộn trào. Từ căn nhà áp mái nơi thung lũng ấy, Đỗ Bích Thúy ra đi.

Ra đi và viết trong nỗi hoài nhớ. Tiếng đàn môi sau bờ rào đá - một truyện ngắn khiến bạn đọc nhớ nhiều đến cái tên Đỗ Bích Thúy, cũng là viết về nơi chốn dấu yêu ấy. Bây giờ khi cái thung lũng ấy không còn, Đỗ Bích Thúy nghẹn ngào rằng mình mất nơi về, nhưng thực chất là chị đang về trên những trang viết. Và tập tản văn này (31 bài), nói một cách nào đó là những chuyến đi về trên thực tế và trên biên độ của trí tưởng tượng, trên cả đôi cánh của giấc mơ.

T.N.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên