Phóng to |
Lãi suất vay quá cao là một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ảnh: kiểm tra sản phẩm trên dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH sản xuất văn phòng phẩm bút bi Quyky 1, TP.HCM - Ảnh: THANH ĐẠM |
Ông Võ Sĩ, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP, cho biết trung bình mỗi ngày có 2-3 doanh nghiệp (DN) giải thể, tuy nhiên con số ghi nhận được tại sở có thể chưa sát thực tế. Ở quận Tân Bình, ông Châu Văn La - chủ tịch UBND quận - thông tin trong hai tháng đầu năm có 389 DN (trong tổng số 12.000 DN) ngưng nghỉ và có khoảng 4% (của 18.000 hộ kinh doanh cá thể) cũng ngưng nghỉ trong thời gian này. Tại huyện Củ Chi có hơn 700 DN, chi nhánh ở vào diện này.
Mỗi tháng hơn 1.000 doanh nghiệp giải thể
Cho rằng số liệu từ Cục Thuế TP sẽ phản ánh được tương đối “sức khỏe” của DN nên ông Trần Đình Cử, phó cục trưởng, bổ sung trong tháng 1-2012 có hơn 1.000 DN giải thể, ngưng và tạm ngưng. Đây là con số mà cơ quan này ghi nhận được qua công tác quản lý thuế. Cũng theo ông Cử, con số này ở tháng 2 xấp xỉ tháng trước nên ông “chốt” trong hai tháng đầu năm nay có khoảng 2.000 DN khai báo giải thể, ngưng và tạm ngưng.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân yêu cầu cơ quan chức năng báo cáo gấp thực tế DN giải thể, ngưng và tạm ngưng hoạt động của cả năm 2011 và hai tháng đầu năm nay, kèm theo các phân tích nguyên nhân, dự báo xu hướng... Tuy vậy, dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm của UBND TP cho thấy TP đã cấp phép thành lập mới hơn 2.400 DN với tổng vốn đăng ký hơn 14.000 tỉ đồng, tăng hơn 19% về số DN. Ông Quân lưu ý có thực tế một người thành lập đến hơn 40 DN, đăng ký vốn mấy chục nghìn tỉ đồng nhưng vốn thực chưa đến 10 tỉ đồng.
Phản ánh thêm “sức khỏe” nền kinh tế qua con số thu ngân sách và nợ đọng thuế, ông Trần Đình Cử cho biết trong hai tháng đã thu được 25.000 tỉ đồng, không tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đáng lưu ý nợ thuế lũy kế đến hết tháng 1-2012 ở TP khoảng 9.000 tỉ đồng, trong đó khu vực quận huyện chiếm khoảng 5.000 tỉ đồng và nợ thuế có xu hướng gia tăng ở khối này. “Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN tại chỗ, làm ngay ở mỗi quận huyện” - ông Lê Hoàng Quân nói và chỉ đạo hằng tháng các quận huyện tổ chức gặp gỡ DN ở địa bàn để lắng nghe, tạo điều kiện hoặc đề xuất kịp thời gỡ khó khăn giúp DN vượt qua khó khăn. UBND TP khẳng định tạo điều kiện và hướng dẫn để DN được hưởng các ưu đãi từ chương trình kích cầu của TP.
Nhà xây sai phép: thiếu sót hay tiêu cực?
Quan điểm của Sở Xây dựng TP như thế nào đối với xây dựng không phép, sai phép? Cho tồn tại để thu tiền hay kiên quyết xử lý để lập lại trật tự? Trả lời câu hỏi này của ông Lê Hoàng Quân, phó giám đốc Sở Xây dựng TP Đỗ Phi Hùng khẳng định không có nhân nhượng, kiên quyết tháo dỡ những phần vi phạm xây dựng, không cho tồn tại. Theo ông Hùng, vừa qua sở kiểm tra 112 công trình, phát hiện những vi phạm nên chuyển về quận huyện xử lý đối với 29 công trình, còn cấp sở xử lý 26 công trình. Trong số này có 5 công trình vi phạm xây dựng phải cưỡng chế tháo dỡ.
Ông Lê Hoàng Quân hỏi tiếp: “Có chắc là kiên quyết xử lý không?”, ông Hùng nói kiên quyết tháo dỡ phần xây dựng vi phạm, xét về pháp lý không thể cho tồn tại. Xin xây 21 tầng nhưng làm 22-23 tầng là không thể tồn tại được. “Nhưng lý do vì sao không phát hiện kịp thời mà xây dựng vi phạm rồi mới phát hiện?”, ông Hùng thừa nhận đây là thiếu sót của lực lượng thanh tra xây dựng. Ông Lê Hoàng Quân tiếp tục “truy”: thiếu sót hay có tiêu cực? Ông Đỗ Phi Hùng cho rằng hiện nay chưa phát hiện tiêu cực. “Điều quan trọng nhất ở lĩnh vực này là kỷ cương pháp luật phải được đảm bảo, theo đó các vi phạm xây dựng sai phép, trái phép phải được xử lý đúng mức, nghiêm, cương quyết” - Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân nói.
Bà Phạm Chi Lan (chuyên viên kinh tế cấp cao): Hệ quả của hoạt động kinh tế khó khăn kéo dài Theo tôi, việc có hơn 50.000 doanh nghiệp đăng ký giải thể, phá sản hoặc tạm dừng kinh doanh như con số thống kê của Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa đưa ra cũng chỉ là hệ quả của tình hình hoạt động kinh tế khó khăn kéo dài suốt vài năm qua, đặc biệt là từ năm ngoái. Số doanh nghiệp nói trên, theo tôi, cũng chưa hẳn dừng lại ở đây mà có thể còn tăng cao trong thời gian tới vì sau một thời gian hoạt động cầm cự nhưng vẫn không thể vượt qua thì họ buộc phải xin giải thể, đóng cửa. Theo tôi, Nhà nước có thể thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, ngoài việc sớm giảm lãi suất, ngân hàng cũng cần xem lại điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp. Vì nếu ngân hàng cứ khăng khăng chỉ cho doanh nghiệp có “lý lịch” tốt, đáp ứng mọi yêu cầu rất khắt khe của ngân hàng vay nhằm ngăn chặn việc tạo nên những nợ xấu mới, không quan tâm thật sự đến doanh nghiệp vừa và nhỏ thì chúng ta tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn: doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay, muốn vay vốn phải chịu lãi suất cao. Thứ hai, chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ giá bất động sản, vì hầu hết doanh nghiệp đều phải đang thuê mặt bằng để làm nhà xưởng sản xuất kinh doanh, mua bán. Cuối cùng, cần có giải pháp thúc ép giá bất động sản phải hạ xuống hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. Không để bất động sản gây nên các tình trạng sốt quá nóng ở khu vực nông thôn lẫn đô thị như thời gian qua nhằm tránh dẫn đến xung đột tiềm ẩn, mà nạn nhân bị tác động rất lớn lại chính là doanh nghiệp. Ông Hồ Đức Lam (phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN): Nhà nước cần tháo gỡ Trong hiệp hội của chúng tôi số doanh nghiệp tuyên bố phá sản và giải thể có giấy tờ chứng nhận hẳn hoi thì không bao nhiêu. Nhưng nếu tính số doanh nghiệp cứ lẳng lặng đóng cửa, giảm sản xuất, giảm nhân công hoặc chạy dưới công suất thiết kế 70-80% nhiều vô kể. Nói ra điều này để cho thấy những con số thống kê mà các cơ quan chức năng có được có lẽ chưa sát với thực tế. Nguyên nhân chính vẫn nằm ở chỗ lãi suất các ngân hàng quá cao khiến doanh nghiệp không thể tồn tại chứ chưa nói đến cạnh tranh được. Đây là vấn đề chỉ có Nhà nước mới tháo gỡ, giải quyết cho doanh nghiệp, chứ chúng tôi đã làm tất cả mọi việc để tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh từ lâu lắm rồi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận