24/06/2009 10:06 GMT+7

DK1 - 20 năm giữ thềm lục địa: Nhành san hô trên bàn thờ liệt sĩ

Đ.D. - V.Đ.
Đ.D. - V.Đ.

TT - Từ Vũng Tàu, chúng tôi tìm về xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy (Thái Bình), nơi có câu chuyện về người bố bao năm đi tìm con dù biết con đã hi sinh, về nhành san hô trên bàn thờ thay hình hài xương cốt.

Thụy Trường là xã tận cùng của Thái Bình ở cực đông bắc tỉnh, một phía giáp biển, một phía giáp cửa sông cách ngăn với thành phố Hải Phòng. Hỏi nhà ông Dương, bố của liệt sĩ Vũ Quang Chương, không ai không biết.

tAxlfaHW.jpgPhóng to
Ông Dương bên bàn thờ anh Chương, với nhánh san hô từ thềm lục địa -Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

Đêm đêm mơ thấy con về

Chờ ở nhà từ đầu giờ trưa đến tầm non nửa buổi chiều thì ông Vũ Quang Dương theo thuyền đi đánh cá về. Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn không thể bỏ buổi biển nào bởi một phần cuộc sống của mấy bố con - ông cháu nhờ vào đó. “Trong nhà, Chương là đứa con mà tôi kỳ vọng nhất - ông Dương mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế - Bởi thế nên cho đến nay, nó hi sinh hơn 10 năm rồi, không nghĩ nó còn sống, nhưng nhiều đêm tôi vẫn mơ thấy nó về, nhen cho tôi chút hi vọng rằng nó đã bị trôi dạt đến một đảo xa nào đó. Tôi đọc báo thấy có chuyện đã có người dạt lên hoang đảo đến mấy chục năm mới về thì sao”.

O5DtAWYw.jpgPhóng to
Cành san hô được ông Dương gìn giữ như xương cốt của người con quả cảm - Ảnh: LÊ ĐỨC DỤC

40 năm trước, ông Dương là lính đặc công đoàn 429, cuối năm 1967 đơn vị ông hành quân vào mặt trận Tây Ninh khi vợ ông đang mang thai đứa con đầu lòng, sau Tết Mậu Thân thì nhận tin vợ ở nhà sinh con trai, ông mừng lắm. Nhưng phải hơn ba năm sau, năm 1971, khi bị thương, đơn vị đưa ra Bắc ông mới gặp mặt con - đấy là Vũ Quang Chương. Ông cũng không hay những đứa con được sinh ra từ khi ông từ chiến trường trở về mỗi đứa đều mang một căn bệnh nào đó, chỉ có Chương, đứa con đầu được mang thai trước khi ông vào chiến trường, là thông minh và khỏe mạnh nhất.

Vũ Quang Chuyên, em trai thứ ba của Chương, bị thần kinh, rối loạn sắc tố da, đau ốm liên miên ngay từ khi sinh ra. Hai em gái của Chương là Phương và Hồng cũng thường xuyên trở bệnh. Ông Dương chia sẻ nỗi đau ấy với rất nhiều đồng đội, nhưng ông vẫn thầm tạ ơn trời vì dù sao ông vẫn còn có Chương.

Không có điều kiện đi hết gia đình các liệt sĩ hi sinh trong sự cố nhà giàn Phúc Nguyên 2A, nhưng chúng tôi cũng đã liên lạc được với gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn An (ở Yên Mật, Kim Sơn, Ninh Bình). Đứa con trai vừa sinh ra, trước khi hi sinh anh An vẫn chưa thấy mặt nay đã 11 tuổi, tên là Nguyễn Tiến Anh, sau mùa hè này sẽ lên lớp 6. Vợ liệt sĩ An, chị Trần Thị Tuyến, nay vẫn ở cùng gia đình, thờ chồng nuôi con, chăm lo công việc đồng áng.

Chúng tôi cũng đã về Hà Tĩnh, đến xã Thạch Mỹ hỏi liệt sĩ Lê Đức Hồng ai cũng biết. Bố liệt sĩ Hồng đã mất sau hai năm nhận được tin Hồng hi sinh ở thềm lục địa phía Nam. Ngôi nhà ba gian, lợp ngói âm dương phủ màu thời gian vẫn nằm lọt thỏm giữa xóm 9, xã Thạch Mỹ. Khi chúng tôi đến, ngôi nhà trống hoác, không một bóng người. Thắp nén nhang lên bàn thờ liệt sĩ Hồng, chúng tôi gặp một phụ nữ luống tuổi ghé sang nhà hỏi: “Các anh có phải bạn của liệt sĩ Hồng không? Bà cụ Cháu (mẹ liệt sĩ Hồng) đang đi thăm cháu ở miền Nam chưa về”.

Năm nay bà Cháu đã 75 tuổi. Ba đứa con ở trong Nam nhiều lần muốn đưa bà vào sống cùng con cháu nhưng bà nhất quyết không đi, nói sống ngày nào ở quê thì lo hương khói cho chồng và đứa con trai hi sinh chưa tìm được hài cốt ngày đó. Khi biết tin Hồng mất, bà khóc cả năm trời, mắt sưng húp. Hằng năm bà vào Nam thăm con, đi sáu, bảy tháng mới về. Thời gian bà vắng nhà, người dân cũng như chính quyền địa phương thường thay bà hương khói cho liệt sĩ Hồng.

18 tuổi học xong cấp III, năm 1986 Chương thi vào trường sĩ quan lục quân. Bốn năm sau tốt nghiệp, anh được tăng cường về hải quân vùng D ở Cam Ranh. Biết con theo binh nghiệp khó về với gia đình, khi nghe tin con đóng quân ở Cam Ranh, ông Dương quyết định chuyển cả gia đình vợ con từ Thái Bình lên Tây nguyên, không chỉ vì chuyện làm ăn trên mảnh đất bazan màu mỡ mà chính là để được gần Chương.

Từ Đắc Lắc về Cam Ranh gần hơn cả chục lần so với từ nơi con đóng quân về tới quê nhà xã Thụy Trường, Thái Thụy xa tít tắp đất Bắc. Ông bảo: “Chỉ có như thế mới gần con được!”. Có lẽ nhờ cái tình yêu tha thiết ấy với con trai nên bảy năm đơn vị Chương đóng quân ở Cam Ranh, bố con, anh em may mắn được gặp nhau chừng mươi lần trước khi Chương được tăng cường về DK1 vào năm 1996. Hơn mười năm trôi qua, nhưng nỗi tiếc thương với đứa con mà ông ấp ủ bao kỳ vọng đã kẻ những nét hằn nặng trĩu trên gương mặt sóng gió can trường của một ngư phủ.

“Nhành san hô tro cốt”

Đốt một nén nhang trên bàn thờ liệt sĩ Chương, ông Dương lặng lẽ bê cành san hô xuống, có lẽ đây là nhành san hô đẹp nhất mà chúng tôi từng thấy: những cành san hô trắng muốt, nở xòe cân đối như một đóa hoa kỳ lạ. “Tôi cũng nghĩ con trai tôi không còn nữa, nhưng không hiểu sao vẫn cứ hi vọng huyễn hoặc, biết đâu như chuyện cổ tích, nó lạc lên hoang đảo nào đó rồi có ngày trở về” - ông Dương nói.

Thế nên sau khi Chương hi sinh, ông Dương và gia đình từ Đắc Lắc về Vũng Tàu dự lễ truy điệu Chương và đồng đội, vậy mà sau đó ông vẫn cứ thu xếp tìm đến những nơi con trai từng đóng quân như Hải Phòng, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu… với hi vọng biết đâu Chương còn sống và trở về. Thời gian theo ngày tháng cứ dày lên kéo xa dần những trông ngóng của ông. Đi tìm mãi cho đến một ngày ông ngỏ lời với đồng đội của con: “Các con mang về cho bác một cành san hô ngay vị trí nhà giàn bị đổ để bác đặt lên bàn thờ, coi như đó là tro cốt của Chương”.

Năm ngoái, thiếu tá Nguyễn Thế Dĩnh, phó chính trị viên DK1, đã mang được cành san hô từ lô Phúc Nguyên 2A về và anh cẩn thận không dám gửi theo đường bưu điện sợ bị gãy. Phải đợi đến lúc có người quen ra Thái Bình anh mới dám gửi theo về.

Giờ thì ông Dương đang nâng niu cành san hô đẹp kỳ lạ ấy, đứa cháu gái thấy ông làm vậy cũng sà vào phụ lau chùi cùng ông. Ông Dương vừa lấy chiếc khăn mềm lau bụi cho cành san hô vừa thầm thì: “Đây là xương của bác Chương mày đấy cháu ạ!”. Chúng tôi lạnh người và chợt nhói lòng khi nghĩ đến còn bao nhiêu người lính đã nằm lại ngoài biển khơi, không mấy ai được mang thân xác trở về. Vì thế nhành san hô trên bàn thờ của liệt sĩ Chương hôm nay như hiện thân của linh hồn và thân xác những chiến sĩ đã lẫm liệt hi sinh trên biển ấy.

Sau khi Chương hi sinh, ông Dương cũng không ở Đắc Lắc nữa, “ở đó chỉ để mong được gần con, nay con hi sinh thì mình về lại quê”, ông bảo vậy. Còn mẹ Chương đang bị bệnh liệt, nằm chữa trị ở đó cùng người con gái. Ông đưa Chuyên, đứa con trai thứ ba bị ảnh hưởng chất độc da cam (và mang thêm bệnh thần kinh) về lại Thụy Trường. Cùng với số tiền 40 triệu đồng của Bộ tư lệnh quân chủng Hải quân và đoàn M71 hỗ trợ xây căn nhà tình nghĩa, ông “cắm” thêm sổ hưu ở ngân hàng để xây một căn nhà bề thế, có nơi thờ tự Chương chu đáo.

“Hồi trước, Chương nó bảo đi lính về sẽ đóng gạch xây cho bố một ngôi nhà thật oách, cưới vợ đẻ cho bố một đàn cháu. Nay xây được nhà rồi mà nó lại không về để ở. Giá như nó kịp có một người vợ, một đứa cháu cho tôi. Đằng này khi hi sinh nó chưa có cả người yêu...”. Giọt nước mắt tuổi già hiếm hoi chợt lăn trên khuôn mặt sạm đen của ông…

_____________________________

Sẽ rất thiếu sót nếu kể về những người lính DK1 mà không nhắc tới “hậu phương” của họ, những người vợ chịu rất nhiều hi sinh cho chồng mình yên tâm nơi trùng dương sóng gió.

Kỳ tới: Có những niềm riêng

Đ.D. - V.Đ.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên