Bức ảnh được cho là Djokovic đã chụp tại Tây Ban Nha vào ngày 31-12-2021- Ảnh: Twitter
Khi điền tờ khai nhập cảnh, với câu hỏi "Bạn có đi đâu trong vòng 14 ngày trước khi đến Úc?", Djokovic đã đánh vào ô "không".
Nhưng lực lượng biên phòng Úc phát hiện nhiều khả năng Djokovic khai man, bởi trên tài khoản mạng xã hội cho thấy Djokovic đã đi qua nhiều quốc gia và tham dự nhiều sự kiện trong thời gian đó.
Cụ thể, dù đang sống ở Monte Carlo nhưng Djokovic đã chụp ảnh chơi quần vợt trên đường phố ở thủ đô Belgrade (Serbia) vào ngày 25-12-2021.
Sau đó, Djokovic được cho là đã có buổi ghi hình ở Tây Ban Nha ngày 31-12-2021. Anh cũng gặp gỡ cầu thủ bóng đá ở Marbella (Tây Ban Nha) vào ngày 4-1. Tất cả hoạt động này nằm trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi Djokovic đến Melbourne vào ngày 5-1.
Djokovic đã chia sẻ thông tin đính chính thông qua Facebook: "Tôi muốn đề cập đến những thông tin sai lệch về hoạt động của mình trong tháng 12-2021 và quá trình phát hiện nhiễm COVID-19.
Có một số thông tin chưa đúng cần phải làm rõ để giảm bớt sự lo lắng của của mọi người khi tôi có mặt tại Úc cũng như những chuyện làm tổn thương gia đình tôi. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi luôn cố gắng để đảm bảo an toàn cho mọi người và tuân thủ việc xét nghiệm".
Djokovic giải thích: "Tham dự sự kiện bóng rổ ở Belgrade vào ngày 14-12-2021, sau đó tôi mới biết có một số người dính COVID-19. Mặc dù không có triệu chứng gì, tôi vẫn làm xét nghiệm COVID-19 vào ngày 16-12-2021 và kết quả âm tính.
Ngày hôm sau, tôi tiếp tục xét nghiệm trước khi tham dự một sự kiện quần vợt ở Belgrade để trao thưởng cho trẻ em và nhận được kết quả dương tính COVID-19 sau khi sự kiện kết thúc.
Ngày 18-12-2021, tôi có mặt tại trung tâm quần vợt của mình ở Belgrade để thực hiện cuộc phỏng vấn và chụp hình với báo L'Equipe. Trong cuộc phỏng vấn, tôi đã đảm bảo giãn cách và đeo khẩu trang ngoài lúc chụp ảnh. Trở về nhà, tôi đã tự cách ly đúng quy định".
Nói về những cáo buộc khai báo gian dối, Djokovic nói: "Về chuyện khai báo di chuyển, các trợ lý đã thay mặt tôi thực hiện và gửi đi. Đây là sai sót về mặt con người và hoàn toàn không phải do cố ý. Chúng tôi đã cung cấp giấy tờ cho Chính phủ Úc để làm rõ mọi vấn đề".
Trang web của Bộ Nội vụ Úc cảnh báo rằng việc cung cấp "thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm" là "một hành vi phạm tội nghiêm trọng" và có thể bị phạt tù tối đa 12 tháng cùng phạt tiền 4.730 USD và hủy visa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận