09/12/2018 14:24 GMT+7

Dìu nhau đến cuối cuộc đời

HOÀNG ĐÔNG - LÊ TRANG
HOÀNG ĐÔNG - LÊ TRANG

TTO - Trải qua nhiều biến cố cuộc đời, con mất, nhà cháy, cơm ngày hai bữa không đủ no nhưng đôi vợ chồng sống dưới gầm cầu thang ấy vẫn bên nhau, dìu nhau bước qua mọi giông tố cuộc đời bằng thứ tình yêu bình dị tuổi xế chiều.

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 1.

Ở tuổi xế chiều, trong cơn đau bệnh ông Chiến vẫn hạnh phúc khi có bà bên cạnh - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Sài Gòn một buổi chiều oi ả, tôi ghé thăm hai cụ, ông Lê Văn Nhiều (1940) và bà Đình Thị Chiến (1948) đúng những ngày bệnh hen suyễn của ông trở nặng.

Không nhà cửa, không tiền bạc, ông bà sống nhờ dưới gầm cầu thang một chung cư cũ trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM.

1. Căn bệnh của ông Nhiều đã chuyển sang giai đoạn mãn tính, những ngày này tay chân ông co quắp phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt ăn uống đều phụ thuộc vào một tay bà Chiến.

Lúc ông còn khỏe, hai vợ chồng bán đồ ăn sáng trên vỉa hè để kiếm sống. Nhưng từ khi ông ngã bệnh, bà phải nghỉ bán để chăm sóc ông. Mọi chi phí trong nhà giờ phải vay mượn.

Tiền thuốc, tiền viện phí, tiền cơm hai bữa mỗi ngày… tất cả gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai người phụ nữ đã ngấp nghé tuổi 70.

Nét khắc khổ hiện rõ lên đôi mắt thâm quầng vì lo toan nhưng bà vẫn vậy, vẫn bình thản, không một tiếng thở dài cũng không một lời than trách.

Với bà Chiến, hạnh phúc trong những ngày này đơn giản chỉ là được chăm sóc ông và hồi tưởng lại những kỷ niệm một thời son trẻ.

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 2.

Bà Chiến luôn túc trực bên chồng những ngày ông bệnh phải nằm một chỗ - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

2. Xuôi về một miền ký ức 50 năm trước.

Bà kể, tính ông ít nói lại không biết cách bày tỏ tình cảm. Ngày xưa thương bà không biết làm sao nên chiều nào ông cũng lấy cớ đến quán nhà bà ăn uống để được nhìn thấy bà.

Cứ thế 7 năm trời ròng rã trôi qua, ông lặng lẽ yêu bà rồi bà lặng lẽ về làm vợ ông dù giữa hai người chưa từng có một lời ngọt ngào như bao cặp đôi khác.

Năm đó bà vừa tròn 22 tuổi.

Ngày đất nước hòa bình, ông bà dựng một căn nhà sàn nho nhỏ cạnh bờ kênh Nhiêu Lộc làm nơi sinh sống. Ông đạp xích lô, chạy xe ba gác, còn bà mở một quán nước nhỏ kiếm sống qua ngày.

4 người con, hai trai, hai gái lần lượt ra đời.

"Hồi mới giải phóng đói ghê lắm. Quần áo của tui cũng phải đem bán dần từng bộ. Có khi cả nhà 6 người chỉ sống nhờ vào 1kg gạo người ta cho. Khổ vậy đó mà không hiểu sao nhà tui lúc nào cũng thiệt vui" - bà Chiến không giấu được xúc động khi nhớ lại quá khứ.

Cứ như thể khoảnh khắc đó là giây phút hạnh phúc nhất của cuộc đời bà.

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 3.

Cứ sáng sáng bà lại đọc báo cho ông nghe - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 4.

Bà Chiến trầm tư kể về những biến cố vợ chồng bà đã trải qua - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

3. Hai con gái lần lượt lập gia đình. Niềm vui chưa dứt thì tai họa ập đến. Nhà bà cháy rụi sau một lần bị chập điện.

"Người còn thì của còn", ông chỉ nói với bà ngắn gọn như thế rồi cả hai lại tiếp tục sống. Cũng từ đó, cả nhà dắt díu nhau đến ở nhờ góc cầu thang này cho đến tận hôm nay.

Nhưng trời nào chiều lòng người, chưa được bao lâu ông bà lại nhận tin dữ. Người con trai thứ đột ngột qua đời vì té cầu thang.

Trong lúc bà Chiến khóc hết nước mắt, ông Nhiều vẫn lầm lũi đi làm. Ai không biết tưởng ông không thương con, riêng bà Chiến thì hiểu, đó là cách ông đang an ủi bà.

Ông đau nhưng cố nén vào lòng vì không muốn cái đau của mình làm bà buồn thêm nữa.

"Ổng hay lén vào một góc rồi trống rỗng ngó lên trời. Nhìn mà tui thương đứt ruột" - bà kể.

Mất người con trai thứ, mọi hi vọng của ông bà đều đặt cả vào con trai út. Tùng, đứa con ngoan nhất và cũng là đứa con mà ông bà thương yêu nhất.

Nhưng năm 2005, anh Tùng đột ngột ngã bệnh. Bà Chiến cũng không nhớ rõ đó là bệnh gì, chỉ nhớ lúc đó ông Nhiều quyết không cho bà động vào con. Một mình ông đảm nhận hết mọi công đoạn chăm sóc con từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh... vì sợ bà bị lây bệnh.

Cứ tưởng con được chữa trị một thời gian rồi sẽ khỏe mạnh bình thường, nào ngờ một ngày đi bán về bà Chiến gọi "Tùng ơi" nhưng anh không trả lời bà nữa.

Nhắc đến con trai út, giọng bà Chiến nghẹn lại, không khóc nhưng đôi mắt bà trở nên vô hồn.

Kẻ tóc bạc tiễn người đầu xanh, cảm giác đó trải qua một lần trong đời cũng đủ làm người ta ngã khụy. Nhưng tạo hóa trêu đùa lại để họ nếm trải đến lần thứ hai. Vết thương này chưa kịp lành vết thương kia đã xé toạc.

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 5.

Ông Nhiều trong những ngày bạo bệnh bên góc giường - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

4. Hai con trai qua đời, hai con gái theo chồng nhưng một người đã mất liên lạc, còn một người nữa lấy chồng mà cũng khổ, cũng nghèo nên không đỡ đần được gì cho ông bà.

Từ ngày anh Tùng mất, số ngày ông bà được no đủ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuổi già, sức yếu làm lụng chẳng được bao nhiêu, ông Nhiều lại nay đau, mai ốm. Vất vả nhưng nhờ nghĩa vợ chồng họ vẫn bình thản sống, bình thản cùng nhau đi đến cuối đời.

"Số phần mình đã vậy rồi thì biết trách ai. Tự bảo mình cứ sống lạc quan lên thôi. Trời thương cho ổng sống được với tui đến tận giờ này là tui đủ mãn nguyện rồi" - bà Chiến tâm sự.

Hai tháng nay ông Nhiều bệnh nằm một chỗ, bệnh tật nên tính tình cũng trở nên cáu bẳn, nhưng dù ông thế nào bà vẫn vậy.

Sáng sáng, bà lại đọc báo ông nghe để ông khuây khỏa. Lúc ông ngủ bà lại tranh thủ đi lượm ve chai kiếm chút tiền chợ. Buổi tối, tay chân ông đau nhức bà lại thức trắng để xoa bóp cho ông...

"Tại ổng thấy không làm được gì cho tui nên khó chịu vậy thôi", bà giải thích rồi cười. Một nụ cười chứa đựng cả sự trân trọng và niềm cảm thông mà bà dành cho người bạn đời đã gắn bó với mình gần nửa thế kỷ.

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 6.

"Căn nhà nhỏ" của ông bà Chiến dưới gầm cầu thang - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 7.

Bệnh hen suyễn của ông tái phát, bà phải nghỉ bán ở nhà chăm sóc chồng - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

5. Ngồi nói chuyện một lúc, ông Nhiều thiếp đi, bà Chiến lại tất tả bắc nồi cơm rồi tranh thủ xếp gọn mớ chai lọ vừa nhặt được hôm qua vào bao để kịp đem bán.

Bà vừa làm vừa kể: "Hồi đó mỗi lần tui đi lượm mấy cái này là ổng ra ngồi canh nhất quyết không cho đi. Ổng sợ tui tới gần mấy bao rác rồi sinh bệnh. Nhưng tui nghĩ, miễn mình làm việc lương thiện kiếm tiền nên cứ làm. Giờ tui không làm thì ổng đói tội nghiệp".

Suốt thời gian gặp gỡ, bà tâm sự rất nhiều những mẩu chuyện đơn sơ nhưng đượm đầy tình cảm như thế. Những mảng ký ức dù không rõ ràng vì tuổi đã cao được bà chắp vá bằng cả tấm lòng.

Khi được hỏi, nếu có một điều ước bà sẽ ước gì, bà khựng lại rất lâu rồi mới trả lời: "Tui chỉ cần có một túp lều ở nơi thoáng mát hơn để ổng bớt bệnh. Ổng cũng 80 tuổi rồi, cứ ở mãi góc cầu thang này tui sợ ổng sẽ chán rồi bỏ tui mà đi mất".

Dứt lời bà lại cười, chỉ là một nụ cười thoáng qua nhưng tôi cảm nhận được một nỗi chênh vênh đến lạ.

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 8.

Mỗi khi ông ngủ bà lại tranh thủ đi nhặt ve chai để có tiền mua gạo - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

Dìu nhau đến cuối cuộc đời - Ảnh 9.

Ông Nhiều và bà Chiến trong căn nhà dưới gầm cầu thang - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG

5. Chia tay ông bà, theo phản xạ tôi quay đầu nhìn lại góc cầu thang ấy. Chợt câu chuyện của ông bà ùa về trong tâm trí tôi như một thước phim tua chậm.

Nơi đó, có một tình yêu mà tôi gọi là cổ tích. Tình yêu đó không được nói thành lời nhưng được họ thể hiện bằng hành động suốt 50 năm qua...

HOÀNG ĐÔNG - LÊ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên