Nhà nghiên cứu văn học Bửu Nam giới thiệu về cuốn sách về Đinh Cường vừa ra mắt |
Họa sĩ Đinh Cường sinh năm 1939 ở Thủ Dầu Một nhưng cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông lại gắn bó với Huế. Sau khi học xong trung học Pétrus Ký Sài Gòn, ông ra học Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế và tốt nghiệp trường này 1963.
Ông dạy mỹ thuật tại các trường nữ trung học Đồng Khánh và Thành Nội - Huế, rồi dạy Cao đẳng Mỹ thuật Huế từ 1967 đến 1979. Sau đó, ông vào sống ở Sài Gòn rồi định cư ở Mỹ cho đến khi ra đi vào một năm trước 7-1-2016.
Đinh Cường bắt đầu nổi tiếng từ thập niên 1960 bằng những bức họa thơ mộng với người thiếu nữ vai gầy guộc nhỏ và đôi tay như cánh chim vươn giữa trời xanh. Hình họa thiếu nữ của ông trở thành như một biểu tượng của cái đẹp Huế suốt những năm dài cuối thế kỷ 20.
Ông cùng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà thơ Ngô Kha, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, dịch giả Bửu Ý... tạo thành một nhóm nghệ sĩ tài hoa và đầy suy tư của Huế. Đinh Cường cũng là một trong những họa sĩ điển hình của miền Nam trước 1975.
Nói về người bạn thân thiết của mình, dịch giả - nhà nghiên cứu Bửu Ý cho biết Đinh Cường có nhiều chặng đường sáng tạo gắn với Huế, Sài Gòn, Đơn Dương, Bình Dương, Virginia, và chặng nào cũng “ẩn hiện Huế”.
Ngay cả trong thơ của mình, Đinh Cường cũng thổ lộ: “Ra đi mới biết lòng vô hạn/ Sương có mờ thêm trên sông Hương”. Và Bửu Ý kết luận: “Đinh Cường đâu, Huế đó!”.
Dịp này, những người bạn của ông gồm Bửu Nam - Phạm Thị Anh Nga, Nguyễn Quốc Thái và Bửu Ý đã thực hiện một cuốn sách đồ sộ về Đinh Cường với gần 750 trang, trong đó có 130 trang phụ bản màu in tác phẩm Đinh Cường, gồm thế giới nghệ thuật của Đinh Cường từ tranh vẽ đến thi ca, hồi ức, những doạn ghi rời, trả lời phỏng vấn, và những bài của bạn bè viết về ông.
Tác phẩm “Để nhớ Huế” của Đinh Cường |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận