26/11/2012 05:08 GMT+7

Đình chùa kêu cứu!

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Hàng loạt đình chùa là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật có giá trị tại đồng bằng sông Cửu Long đang bị biến dạng đến xót xa...

XFJR2cwD.jpgPhóng to

Khu lăng mộ lăng Thoại Ngọc Hầu, núi Sam, thị xã Châu Đốc (An Giang) “bị” làm mới - Ảnh Đ.VỊNH

Xem video do Truyền hình Tuổi Trẻ thực hiện

Khu vực núi Sam, thị xã Châu Đốc (An Giang) có đến bốn di tích cấp quốc gia là chùa Hang, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ. Ba trên bốn di tích này đều đang kêu cứu!

Khi những lưỡi dao cắm phập xuống mái chùa

Chùa Hang - ngôi chùa cổ kính nằm trên triền núi với cảnh vật thanh tịnh ngày nào giờ gần như biến dạng hoàn toàn. Dọc hai bên đường dẫn lên chùa được “điểm” bằng những bức tượng, những mảng trang trí trông giống như lối vào khu biệt thự. Chánh điện, tây lang, đông lang của chùa vừa xây mới rất bề thế, che khuất luôn hai bảo tháp cổ và mặt tiền của gian chùa cổ. Tất cả đều sơn mới, lát nền gạch men bóng lộn, tráng lệ....

Lăng Thoại Ngọc Hầu qua đợt trùng tu mới đây cũng trở nên khác lạ. Khu lăng mộ phết sơn trắng toát sáng rỡ, ngói cũ vài chỗ được thay mới, các bậc thang và sân được lát bằng đá ong mới tinh. Đó đây đặt nhiều dãy ghế đá và lắp đầy đèn chiếu sáng lộ thiên như nơi công cộng, các hộp đèn điện còn mắc đầy dưới những bức tượng cổ. Chưa hết, quá trình trùng tu còn tự tiện đào bới lấy đồ tùy táng ra khỏi mộ. Hiện ban quản trị di tích đang cho xây dựng một nhà trưng bày đồ sộ để lưu giữ đồ tùy táng này! “Khu lăng mộ trông giống một công viên xây mới chứ không phải là di tích đã có gần 200 năm, không còn nét rêu phong cổ kính, tôn nghiêm” - ông Trần Thanh Phong, trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh An Giang, nhận định.

Còn chùa Tây An từ ngoài nhìn vào thấy sờ sờ mái che bằng tôn, trông giống như lưỡi dao khổng lồ cắm phập xuống mái chùa; trong khuôn viên chùa có nhiều điểm xây mới, nhiều chi tiết trang trí lòe loẹt, “chỏi bản” với nét kiến trúc cổ.

TS Ngô Quang Láng - phó giám đốc Sở VH-TT&DL An Giang - cho biết tình trạng xâm hại di tích ở địa phương này đang được tiếp tục chấn chỉnh, tỉnh từng xử phạt chùa Đông Thạnh ở TP Long Xuyên 40 triệu đồng do tự ý sửa chữa giống như... cất chùa mới. “Hiện nay nghiêm trọng nhất là ở chùa Hang và chùa Tây An, việc xây cất vô tội vạ, tự ý tu sửa đã khiến quần thể di tích cũ hoàn toàn biến mất, làm biến dạng di tích” - ông Láng nói.

zD70WA0f.jpgPhóng to
Đình Bình Long - một di tích ở thị trấn Cái Dầu, Châu Phú (An Giang) - gần như bị “đè” giữa khu thương mại, phần sân đình tiếp tục bị lấn chiếm... khi một ngân hàng đang xây tòa nhà cao tầng kế bên - Ảnh Đ.VỊNH

Bao chiếm

Đất của nhiều di tích là đình chùa hiện bị chiếm dụng để cất trụ sở cơ quan cấp xã, xây dựng nhà cửa, hoặc tự cơi nới thêm nhà ăn, nhà bếp để làm nơi ở khá xô bồ.

Tại Đồng Tháp, trong khuôn viên đình Phú Hựu ở thị trấn Cái Tàu Hạ, Châu Thành có gần chục hộ dân vào cất nhà định cư. Phía sau chùa Bửu Hưng ở xã Long Thắng, Lai Vung xây thêm mấy khu nhà lợp mái tôn, tường xây trông rất “lệch pha” với kiến trúc cổ và cảnh quan đẹp của một di tích cấp quốc gia. Tại An Giang, đình Bình Long ở thị trấn Cái Dầu, Châu Phú cũng bị “đè” giữa bốn bề phố xá và nay tiếp tục có nguy cơ bị lấn chiếm thêm, không còn không gian cho những sinh hoạt truyền thống như xưa.

“Điệp khúc” thiếu kinh phí và thiếu am hiểu

Tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều đình chùa khi tu sửa do làm “trật bài” đã biến kiến trúc bao đời của cha ông thành... mớ tạp nham theo kiểu “tân cổ giao duyên”. Thường là cột gỗ tròn thay bằng cột bêtông (như chùa Cả Các ở Cao Lãnh, đền thờ Trần Văn Năng ở huyện Thanh Bình), cửa gỗ được thay thế bằng những khung cửa sắt kéo đồ sộ, nền gạch tàu bị lột lên để lát gạch men bóng loáng. Ngay trước điện thờ trang nghiêm cũng cho lát gạch men, ốp gạch và sơn phết đủ kiểu, đủ màu sắc. Ông Trần Văn Nam - giám đốc Bảo tàng Đồng Tháp - cho biết thậm chí đền thờ Đỗ Công Tường ở TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) còn dự tính xây lầu.

Ngoài chuyện trùng tu thiếu am hiểu, việc thiếu kinh phí dẫn đến phải sửa chữa kiểu tạm bợ cũng vô tình phá hỏng di tích. Hiện nay đình Tân An Trung, Lấp Vò (Đồng Tháp) xuống cấp trông tàn tạ, mái lợp bằng tôn ximăng, cửa ra vào chắp vá bằng những khung cửa sắt, cửa kính. “Lâu nay chưa hề được cấp kinh phí sửa chữa nên chúng tôi vận động được bao nhiêu thì tu sửa bấy nhiêu. Thiếu tiền nên không thể tôn tạo giống nguyên gốc được” - ông Võ Văn Tui, thủ từ đình, phân trần.

Ông Huỳnh Thanh Phong - trưởng Phòng di sản văn hóa Sở VH-TT&DL Đồng Tháp - nói toàn tỉnh có 13 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh, trong số đó phần lớn là đình chùa. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo đối với di tích cấp quốc gia mỗi năm chỉ được cấp gần 4 tỉ đồng. Còn đối với di tích cấp tỉnh thì... chưa có đồng nào, việc tu sửa chủ yếu trông vào xã hội hóa.

Xung quanh câu chuyện này, TS Ngô Quang Láng cho rằng vì thiếu kinh phí, việc trùng tu, sửa chữa phụ thuộc vào phía tài trợ, nguồn vận động; từ đó nhiều đình chùa tu sửa chưa đúng bài bản, thiếu góp ý của nhà chuyên môn dẫn tới giá trị kiến trúc cổ bị phá hỏng. Đây là một hạn chế trong công tác bảo tồn di tích!

Ngôi đình lớn nhất Nam bộ phải di dời

Đình Long Khánh - ngôi đình lớn nhất Nam bộ, được xây dựng từ thế kỷ 19, cũng là di tích cấp quốc gia ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) - vừa phải di dời đến nơi khác. Người dân xã Long Khánh cho biết trước kia bờ sông cách xa đình mấy cây số, sau đó lở dần vào. Thấy nạn khai thác cát ngày đêm làm gia tăng sạt lở có nguy cơ đe dọa ngôi đình, người dân đã cảnh báo với địa phương, đề nghị tìm cách bảo vệ nhưng vẫn không thể cứu được đình làng, hàng cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi và dãy tường bao bị đổ xuống sông. “Đình vừa cất lại nhưng nguyên trạng không còn, không còn giá trị như xưa” - thủ từ Lê Văn Ân nói.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên