Trước đó ngày 7-6, bà L. được đưa vào khoa cấp cứu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong tình trạng chân trái đau nhức, bắt đầu chuyển sang màu xanh tím và phù căng cứng từ bàn chân lên đến vùng đùi. Bà L. kể trước đó 10 ngày, chân trái của bà bắt đầu phù, mức độ phù và đau ngày càng tăng.
Kết quả siêu âm mạch máu và chụp cắt lớp tĩnh mạch cho thấy các tĩnh mạch sâu ở chân trái của bà bị tắc nghẽn hoàn toàn do huyết khối. Bác sĩ chẩn đoán bà L. bị tắc tĩnh mạch sâu cấp tính thể nặng, có nguy cơ hoại tử chân nếu không được điều trị kịp thời.
Hình ảnh chụp cắt lớp còn cho thấy một đoạn tĩnh mạch ở vùng bụng của bà L. bị hẹp nặng ngay vị trí bắt chéo với một động mạch khác.
Êkip bác sĩ khoa phẫu thuật mạch máu của bệnh viện đã phẫu thuật lấy huyết khối trong lòng tĩnh mạch của bà L., sau đó nong bóng và đặt stent sửa chữa đoạn tĩnh mạch chậu bị hẹp trên.
Hình chụp kiểm tra sau đó cho thấy lòng tĩnh mạch không còn huyết khối và vị trí tĩnh mạch chậu bị hẹp được mở rộng, máu chảy về tim dễ dàng. Hiện sức khỏe của bà L. hồi phục, tình trạng đau và phù chân phục hồi đáng kể.
Theo ThS.BS Lê Thanh Phong - trưởng đơn vị phẫu thuật mạch máu, đây là trường hợp khó nhất trong số các bệnh nhân được điều trị thành công bằng phương pháp mới này tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây nên huyết khối tĩnh mạch sâu như tiền sử bản thân người bệnh và gia đình bị huyết khối tĩnh mạch, mắc bệnh ác tính, đang điều trị ung thư hay điều trị nội tiết tố; có thai, hậu sản, đang sử dụng thuốc ngừa thai có chứa estrogen, sử dụng thuốc nội tiết tố thay thế, nằm bất động kéo dài...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận