06/11/2011 03:48 GMT+7

Diệu kỳ Kẹp hạt dẻ

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TT - Tiếng vỗ tay hòa với tiếng đếm 1-2, 1-2, 1-2... vang vọng khắp sàn tập Kẹp hạt dẻ. Những giọt mồ hôi, những cái nhíu mày, những cú té nhào, những thân xác mệt nhoài và những bữa trưa vội vã không ngớt tiếng cười hạnh phúc...

ZSnA7eSa.jpgPhóng to
Diễn viên Hồ Phi Điệp (bìa trái) và Quỳnh Ly tập luyện chiều 4-11. Vũ kịch Kẹp hạt dẻ sẽ chính thức công diễn lúc 20g ngày 12 và 13-11 tại Nhà hát TP.HCM. Hiện vé xem hai buổi diễn đã được bán hết - Ảnh: GIA TIẾN

Ðoàn vũ kịch của Nhà hát Nhạc giao hưởng vũ kịch TP.HCM (HBSO) đã không ít lần giới thiệu các trích đoạn Kẹp hạt dẻ, cũng như trích đoạn của nhiều vở diễn danh tiếng đến công chúng yêu balê. Nhưng chưa bao giờ họ có cơ hội diễn trọn một vở balê kinh điển, được đầu tư công phu về mặt nghệ thuật lẫn phục trang, cảnh trí như Kẹp hạt dẻ lần này.

Phép thử của Johanne

Chính vì vậy mà không khí luyện tập đã khẩn trương từ hơn hai tháng trước. Càng đến gần ngày diễn, không khí luyện tập càng hăng. Những ngày này dù là sáng, trưa hay chiều, phòng tập trên tầng cao nhất của Trường Múa TP.HCM đều vang lên những giai điệu mạnh mẽ, giàu cảm xúc của P. I. Tchaikovsky. Hòa vào đó là những cú xoay người, xoạc chân, nâng người... thật điệu nghệ của các nghệ sĩ trẻ. "Trẻ, đẹp, tâm huyết và tài năng" là những nhận xét "có cánh" mà biên đạo người Na Uy Johanne Jakhenlln Constant dành cho các diễn viên của mình.

Ðầu tháng 5-2011, Johanne qua VN lần đầu theo chương trình hợp tác nghệ thuật giữa Na Uy và VN để cùng HBSO dàn dựng vở Kẹp hạt dẻ. Bằng vài phép thử, cô biên đạo vững nghề đã giật mình trước độ chuẩn kỹ thuật của nhiều diễn viên trong đoàn. "Tôi đã rất an tâm về khả năng của các bạn. Và tôi cũng thật sự bất ngờ bởi một đoàn trẻ như các bạn lại có được nhiều diễn viên nam giỏi như thế. Do ở hầu hết các đoàn múa, diễn viên nữ giỏi thường nhiều hơn nam, vì vậy các nam diễn viên giỏi sẽ tìm đến các đoàn múa lớn hơn" - Johanne chia sẻ.

Vũ kịch Kẹp hạt dẻ có nội dung văn học dựa trên câu chuyện Kẹp hạt dẻ và Vua Chuột của nhà văn E.T.A. Hoffman, một câu chuyện cổ tích thần tiên trong thế giới của tuổi thơ. Với phần âm nhạc của nhà soạn nhạc Nga nổi tiếng P.I. Tchaikovsky, vũ kịch Kẹp hạt dẻ (Nutcracker) luôn là sự kiện được trông chờ nhất trong mùa lễ hội cuối năm và Giáng sinh tại nhiều nước trên thế giới.

Cô tâm sự thêm: "Tôi đã dàn dựng vở này hơn 10 lần và những lần đó không có nhiều khác biệt. Nhưng chỉ với hơn 20 diễn viên nòng cốt và giỏi nghề, Kẹp hạt dẻ của HBSO sẽ cô đọng và nhiều khác biệt hơn". Như trong cảnh buổi tiệc Giáng sinh mở đầu vở diễn, ở nhiều bản dựng khác, cảnh này sẽ do các diễn viên nhí thể hiện. Nhưng với bản dựng của Johanne dành cho HBSO, cảnh này sẽ do các diễn viên người lớn của HBSO đảm nhiệm nên sẽ có nhiều động tác phức tạp và tinh tế hơn. Hay như ở màn Vũ điệu những bông hoa, các phiên bản khác là phần thể hiện của tốp múa nữ trong vai những bông hoa.

Nhưng với bản dựng này, vì HBSO có nhiều diễn viên nam giỏi nên sẽ có thêm ba diễn viên nam hóa thân thành ba con chuồn chuồn lượn quanh những bông hoa xinh đẹp... Johanne cũng "bật mí" đã có những cuộc chiến trong cô lẫn trong nội bộ đoàn múa cho những đổi thay, hay những cái "lần đầu" xảy ra khi Kẹp hạt dẻ được dàn dựng, như việc chọn Quỳnh Ly làm diễn viên chính, việc thay đổi nhiều thứ bậc lẫn cặp đôi vốn có của HBSO...

Lần đầu "cháy vé"

Chưa bao giờ HBSO đón nhận nhiều cái "lần đầu" như khi chuẩn bị cho vở Kẹp hạt dẻ. Ðã nhiều thập kỷ qua, tại các nước phương Tây, các đơn vị tổ chức chỉ cần "hô lên" Kẹp hạt dẻ sẽ diễn ra lúc mấy giờ, ngày nào là... "cháy vé". Thật không ngờ điều kỳ diệu này cũng xảy ra tại TP.HCM, khi HBSO đưa ra thông tin lần đầu công diễn trọn vở Kẹp hạt dẻ. Hơn một tháng trước ngày công diễn 12-11, vé được bán sạch. Ban giám đốc nhà hát lập tức quyết định tăng thêm một suất vào tối 13-11 và vé lại tiếp tục... "cháy" một tuần sau đó. Chị Nguyệt Sa - trưởng phòng tổ chức biểu diễn của HBSO - cho biết vì Nhà hát TP không còn lịch trống từ nay đến cuối năm nên dù có nhiều khán giả yêu cầu, Kẹp hạt dẻ cũng không thể có thêm suất nào nữa trong năm nay.

Hai chữ "cháy vé" nhanh chóng là động lực nhưng cũng là áp lực với cả đoàn vũ kịch. Ai cũng tự tin về kỹ thuật múa của mình nhưng chẳng mấy ai tự tin sức khỏe mình đảm bảo. Phi Ðiệp, nam diễn viên chính trong vai hoàng tử, chia sẻ: "Suốt hai tháng qua, chúng tôi tập mỗi ngày gần tám tiếng. Ðó là điều không dễ thực hiện bởi anh em chúng tôi ai cũng có lịch dạy thêm hoặc học thêm. Chúng tôi đã động viên nhau rất nhiều, cùng phấn đấu tập luyện và phấn đấu để không... sụt cân". Sụt cân đồng nghĩa với sức khỏe không đảm bảo. Không đảm bảo sức khỏe thì không thể gánh được cả vở diễn khó với độ dài gần hai giờ. Ðâu chỉ lo sức khỏe, các diễn viên với tuổi đời chưa tới 30 mà tuổi nghề đều đã hơn 10 còn lo khi tập thì quần áo giản tiện nhưng khi diễn phục trang xum xuê rất dễ "bể". Rồi lo mình kém xinh kém tươi trong ngày diễn trọng đại.

Không lo sao được khi ai trong số họ cũng dành gần nửa khoảng thời gian mình sống trên đời cho múa, mà đến hôm nay mới một lần được hóa thân trọn vẹn vào những nhân vật kinh điển trong mơ. Kẹp hạt dẻ vốn dĩ là một câu chuyện trong mơ. Kỳ diệu thay, giấc mơ được viết từ thế kỷ trước ở phương Tây vẫn mầu nhiệm với những diễn viên múa đầy đam mê và khát vọng của VN hôm nay.

Đợi chờ Quỳnh Ly

Biên đạo Johanne Jakhenlln Constant kể lần đầu qua VN để kiểm tra năng lực và tuyển chọn diễn viên cho Kẹp hạt dẻ vào đầu tháng 5, cô đã “chấm” Quỳnh Ly bởi kỹ thuật tốt và quan trọng hơn hết là gương mặt và dáng vẻ mong manh, trong sáng rất trẻ thơ của Ly. Tuy nhiên Ly lại là diễn viên nhút nhát nhất đoàn, thường thu mình vào một góc và ít khi thể hiện cá tính dù ngay trên sàn tập. Mang nỗi lo đó về Na Uy nhưng Johanne vẫn quyết định chọn Quỳnh Ly vào vai chính Clara.

Lần trở lại thứ hai vào trung tuần tháng 9, Johanne nhận thấy Ly bớt thụ động và thể hiện được mình lẫn vai diễn hơn. Ly dần thoát khỏi sự nhút nhát và bắt đầu biết diễn, hóa thân vào nhân vật. “Tôi vui mừng vì mình không chọn lầm. Và tôi đợi chờ ở Quỳnh Ly trong ngày công diễn. Tôi cũng tin rằng sau vở diễn này, các diễn viên múa của HBSO sẽ có thêm nhiều năng lượng và động lực để tiếp tục sống và cống hiến cho múa”.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên