Hiệu trưởng ĐH công nghệ SG bị miễn nhiệm vì... 16,2 tỉ
Giải cứu đại học tư thục
ĐH Phan Châu Trinh: mô hình phi lợi nhuận đầu tiên tại VN
Phóng to |
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn trong một giờ học - Ảnh: Như Hùng |
Theo một thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), “mọi hoạt động của trường về đầu tư, vốn, quản lý thu chi, khấu hao, cổ tức... đều phân minh như một công ty cổ phần”.
Thông tin trên kỷ yếu 15 năm xây dựng và phát triển Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (1997-2012) nêu rõ từ ngày thành lập (tháng 9-1997) đến nay Trường CĐ Kỹ nghệ dân lập TP.HCM (nay là Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn) hoạt động theo quy chế dân lập. Tuy nhiên, trên thực tế trường này lại có cổ đông, đại hội cổ đông, cổ phần và trả cổ tức...
Tất cả những điều này đều trái với quy chế 86 (quy chế trường ĐH dân lập ban hành kèm quyết định 86/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 18-7-2000 - PV).
Công khai trong kỷ yếu
“Kết quả tài chính hằng năm của các cơ sở ngoài công lập được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa tổng số thu và tổng số chi của đơn vị trong năm tài chính sau khi hoàn thành nghĩa vụ thu nộp cho ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Thu nhập của đơn vị được trích lại một phần để bổ sung nguồn vốn, chi tăng cường cơ sở vật chất, giảm mức thu phí, trợ cấp một phần kinh phí cho các đối tượng chính sách; chi khen thưởng và phúc lợi cho những người lao động trong đơn vị và các đối tượng trực tiếp hợp tác với đơn vị. Số còn lại được phân phối theo tỉ lệ vốn góp của Nhà nước, tập thể và cá nhân tham gia cơ sở ngoài công lập. Phần thu nhập có được từ nguồn vốn góp của Nhà nước được để lại cho cơ sở để tiếp tục đầu tư”. |
Điều 1 quy chế 86 khẳng định tài sản của trường ĐH dân lập thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên nhà trường.
Và điều 36 quy chế này nêu rõ: “Tài sản của trường ĐH dân lập gồm tài sản thuộc phần vốn góp của các nhà đầu tư và tài sản tăng thêm trong quá trình hoạt động. Tài sản của trường ĐH dân lập sau khi trừ phần vốn góp của tập thể, cá nhân và phần chi phí cho các hoạt động của trường kể cả phần trả lãi vốn vay, vốn góp là tài sản không chia thuộc sở hữu tập thể nhà trường, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật, không ai được chiếm đoạt”.
Quy chế 86 cũng quy định rõ trường ĐH dân lập không có đại hội cổ đông.
Tuy khẳng định ĐH Công nghệ Sài Gòn hoạt động theo loại hình dân lập nhưng theo ông Nguyễn Quang Tuyến - phó chủ tịch HĐQT nhà trường (viết trong kỷ yếu của trường), “trong điều hành tài chính nhà trường có nhiều điểm khác biệt: từ khởi đầu đã tổ chức hạch toán, định khoản, hành thu, hành chi, khấu hao... như một doanh nghiệp với hình thức công ty cổ phần”.
Với cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng, trường đã phát hành vốn (cơ bản, phát triển) theo nghị quyết HĐQT và các kỳ đại hội cổ đông.
Từ năm 2000, trường tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất và duy trì tổ chức hằng năm đến nay. Các hình thức tổ chức, chào bán, kiểm soát đều công khai.
Cũng theo kỷ yếu: “Đối với Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, HĐQT là mười người sáng lập (với đầy đủ các thành phần quy định) và mười người chiếm trên 85% vốn sở hữu, nên thông qua mười người là thông qua tất cả. Từ năm 1998-2005, quyết định của HĐQT nhiệm kỳ đầu tiên là trả cổ tức cho người góp vốn tương đương tiền lãi tiết kiệm trung hạn (dù trường không có lãi vẫn trả đúng như vậy) và dồn cổ tức hằng năm thành vốn góp”.
Tháng 11-2000, nhà trường được Thủ tướng giao lô đất rộng 19.500m² tại P.4, Q.8, TP.HCM, sử dụng lâu dài cho mục đích xây dựng trường. Nhà trường cần huy động vốn đầu tư, đền bù san lấp mặt bằng để xây dựng trường nên đã phát hành cổ phần.
Đầu tiên số cổ phần này được bán cho các thành viên sáng lập, sau đó phát hành một số cổ phần ưu đãi bán cho cán bộ, giảng viên, nhân viên. Và lô đất mà Nhà nước giao cho trường đã được mười thành viên sáng lập “phù phép” thành “vốn” của trường. Từ đây mười thành viên sáng lập này được hưởng cả lãi từ đất của Nhà nước.
Điều này thể hiện rõ trong kỷ yếu: “Mốc 31-12-2000, chúng ta đưa vốn cơ bản lên vốn điều lệ 25,2 tỉ, một bước nhảy vọt vì tài sản thực nhỏ hơn vốn điều lệ 16,2 tỉ đồng (đất ta có sổ đỏ nhưng là đất giao theo quy hoạch, chỉ có hiệu lực sử dụng, không là tài sản và ta đã đưa vào tài sản)”.
Sau khi cổ phần hóa vốn cơ bản thành 25,2 tỉ đồng (vốn phát triển tăng 2,8 lần), nhà trường nhiều lần phát hành cổ phiếu vốn phát triển... Một thành viên HĐQT cho biết thêm: “Suốt giai đoạn 2001-2008, nhà trường đã dùng nguồn vốn huy động đầu tư, đền bù, san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở của trường ở Q.8. Đây là giai đoạn đầu tư xây dựng trường nên hoạt động khó khăn, có những năm không có cổ tức”.
16,2 tỉ đồng ở đâu ra?
Ngày 1-11-1997, mười thành viên sáng lập Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã họp và quyết định: trường thành lập trên nền tảng tổng vốn đầu tư hoàn toàn do đóng góp của các cá nhân. Vốn mười thành viên sáng lập phải góp cho đến khi trường hoạt động gọi là vốn cơ bản.
Trong hai năm 1997 và 1998 các thành viên sáng lập góp 3 tỉ đồng. Đến cuối năm 2000, vốn cơ bản theo nội dung quyết định của HĐQT (ngày 1-11-1997), mười thành viên sáng lập đã đóng góp vốn cơ bản là 9 tỉ đồng (trong đó góp bằng tiền mặt cá nhân 7,151 tỉ đồng và góp bằng lãi, cổ tức, lương... 1,848 tỉ đồng).
Giải thích về nguồn gốc số vốn tăng thêm, ông Trương Quang Mùi, chủ tịch HĐQT, cho biết: “Dựa vào thực tế sau năm năm trường hoạt động HĐQT xác định lại vốn. 16,2 tỉ đồng được xác định dựa trên 9 tỉ đồng vốn góp ban đầu nhân 1,8 lần. Đây là cổ phần danh dự thưởng cho các thành viên sáng lập. Số cổ phần ưu đãi thưởng cho sáng lập viên này sẽ thành thưởng vốn góp thực khi lợi nhuận tích lũy có khả năng trích thưởng. Tài sản này không phải là tài sản hợp nhất. Mọi hoạt động tài chính của trường đều thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và được kiểm toán hằng năm”.
Một thành viên HĐQT cũng cho biết từ năm 2001-2008 các thành viên sáng lập được hưởng cổ tức ưu đãi. Từ năm 2009 mới được hợp thức hóa thành vốn từ nguồn lãi của trường.
Trong khi đó, theo quy định tại điều 39 quy chế 86, tài sản và toàn bộ hoạt động thu chi tài chính của trường ĐH dân lập đều phải được quản lý và hạch toán, kế toán, quyết toán hằng quý và hằng năm theo quy định của Bộ Tài chính.
Khoản chênh lệch thu lớn hơn chi trong hoạt động hằng năm của trường ĐH dân lập được dành lập quỹ dự trữ tài chính bắt buộc, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất trường học nhằm thực hiện cam kết về xây dựng trường (trong vòng mười năm xây dựng trường sở tương ứng với quy mô, ngành nghề đào tạo dự kiến của trường).
Hiệu trưởng đồng ý ra đi Tại buổi làm việc với hiệu trưởng và HĐQT Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn ngày 7-8, ông Hà Hữu Phúc - vụ trưởng, giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - kết luận: Đề nghị Bộ GD-ĐT chưa xử lý tờ trình ngày 10-7 để HĐQT tự thỏa thuận giải quyết những nội dung nêu ra và báo cáo kết quả với Bộ GD-ĐT. Tất cả thành viên HĐQT thống nhất để ông Đào Văn Lượng nộp đơn xin nghỉ vào ngày 31-12-2014 và chính thức bàn giao công việc ngày 28-2-2015. Trong thời gian ông Đào Văn Lượng tiếp tục làm hiệu trưởng, đề nghị HĐQT hỗ trợ để ông Lượng hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự hiệu trưởng mới để trình bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi ông Đào Văn Lượng có đơn xin nghỉ vào thời điểm nêu trên. Về việc này, ông Lượng khẳng định: “Không phải vì thắc mắc sai mà tôi đồng ý nghỉ. Tôi nghỉ vì nếu sự việc xảy ra như ở một số trường thì người thiệt thòi chính là hơn 10.000 sinh viên và hơn 300 cán bộ, giảng viên và nhân viên trường”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận