04/12/2017 15:21 GMT+7

Điều chỉnh dự án, nhà dân bị giải tỏa 2-3 lần

MAI HOA - MAI HƯƠNG
MAI HOA - MAI HƯƠNG

TTO - Tính toán dự án ban đầu không sát thực tế, thiếu tính khả thi, nên quá trình làm phải điều chỉnh nhiều lần. Có hộ dân bị giải tỏa lần đầu, rồi lần hai, thậm chí lần ba.

Điều chỉnh dự án, nhà dân bị giải tỏa 2-3 lần - Ảnh 1.

Ông Cao Thanh Bình phát biểu tại thảo luận tổ chiều 4-12 - Ảnh: TỰ TRUNG

Đại biểu Cao Thanh Bình - phó Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM phát biểu như vậy khi thảo luận tổ đại biểu chiều 4-12.

Xem lại hiệu quả đầu tư công

Ông Cao Thanh Bình cho rằng cần xem lại hiệu quả các dự án đầu tư công. Khảo sát của Ban Kinh tế ngân sách cho thấy hiện một số dự án tiến độ chưa đảm bảo, tỉ lệ giải ngân cũng còn thấp, nhất là các dự án phân cấp và dự án nhóm C. Một số công trình vừa đi vào hoạt động đã xuống cấp.

"Chúng tôi khảo sát 89 công trình dự án, thấy nhiều dự án hồ sơ rất sơ sài, bao nhiêu hộ dân bị ảnh hưởng cũng không nắm được. Có dự án trường học mà bồi thường đất ở tới 10.000m2 thì tính khả thi như thế nào. Có dự án thiếu tính đồng bộ, hiệu quả không cao, như chống ngập đường Đỗ Xuân Hợp, lúc đầu dự kiến chỉ 60ha, nhưng khi làm thực tế là 160ha" - ông Bình nói.

Trong 89 dự án đầu tư công này có nhiều trường học, đến nay vẫn chưa có kế hoạch thu hồi đất mà đã đưa vào danh mục dự án đầu tư, trong khi tất cả đều cấp bách.

Cũng theo ông Bình, thực tế việc tính toán dự án ban đầu không sát, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần làm các hộ dân bị giải tỏa hai ba lần. Vì thế phải xem lại việc này, làm sao giảm tối đa việc giải tỏa làm xáo trộn cuộc sống người dân.

Dự báo chưa sát hay duy ý chí?

Tại buổi thảo luận, nhiều đại biểu cũng góp ý về hai chỉ tiêu không đạt của năm 2017 là tăng trưởng tổng sản phẩn nội địa GRDP và thành lập mới 50.000 doanh nghiệp.

Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang nhận định năm nay dù tình hình khó khăn nhưng trong tổ chức điều hành TP đã có nhiều nỗ lực. 

"Trong các chỉ tiêu không đạt, báo cáo nói rằng do khâu dự báo chưa sát, nhưng tôi nhớ trong kỳ họp năm trước, khi thấy chỉ tiêu tăng trưởng cao nhiều đại biểu trong đó có tôi rất băn khoăn, đề nghị phân tích làm rõ hơn nhưng yêu cầu đó cuối cùng cũng chưa được quan tâm. Chỉ tiêu đặt ra không đạt được là do ta dự báo sai hay chúng ta duy ý chí?" - ông Quang đặt câu hỏi.

Từ phân tích trên, với chỉ tiêu năm phát triển kinh tế năm 2018, ông Quang đề nghị cơ quan tham mưu phải đưa ra hàng loạt các kịch bản: muốn đạt GDRP tăng 8,3% thì ngành dịch vụ, thương mại công nghiệp… phải đạt bao nhiêu? Muốn GRDP tăng 8,5% thì từng ngành phải tăng trưởng thế nào? Phải có đầy đủ cơ sở đại biểu mới yên tâm thông qua được.

Góp ý việc TP không đạt được chỉ tiêu thành lập mới 50.000 doanh nghiệp, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân và Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng chất lượng doanh nghiệp cũng là vấn đề rất quan trọng chứ không chỉ riêng số lượng.

"Bên cạnh xây dựng chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp, cần chỉ tiêu về chất lượng doanh nghiệp" - đại biểu Ánh Hoa nói.

Tăng thu nhập, giữ chân người tài

Góp ý về việc thực hiện nghị quyết về cơ chế đặc thù, đại biểu Dương Anh Đức - giám đốc Sở Thông tin - truyền thông - cho rằng vấn đề con người, chính sách thu hút người tài vào bộ máy rất quan trọng. Nếu không có con người giỏi thì không thể thực hiện các chính sách.

"Tôi rất lo lắng về thu nhập cho anh em trong sở. Có người được mời ra ngoài làm với mức lương cao gấp 10 lần, thậm chí 20 lần. Trong năm 2018 cần phải triển khai cơ chế chính sách để giữ được người đang có, đồng thời bổ sung được người tài vào bộ máy" - ông Đức nói.

TRỌNG NHÂN

MAI HOA - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên