24/03/2008 09:11 GMT+7

Điệp viên hoàn hảo

ĐINH CÔNG THÀNH trích dịch(Theo La Revue 3-4/2008)
ĐINH CÔNG THÀNH trích dịch(Theo La Revue 3-4/2008)

TTCT - Điệp viên này đã làm việc cho Cơ quan tình báo Israel và báo động cho họ cuộc tấn công ồ ạt của các nước Ả Rập vào năm 1973. Thế nhưng, người con rể của Tổng thống Ai Cập Nasser này, mật danh “thiên thần”, lại là một “nhị trùng gián điệp” cực kỳ nguy hiểm...

zlfKBWAT.jpgPhóng to
Achraf Marouane
TTCT - Điệp viên này đã làm việc cho Cơ quan tình báo Israel và báo động cho họ cuộc tấn công ồ ạt của các nước Ả Rập vào năm 1973. Thế nhưng, người con rể của Tổng thống Ai Cập Nasser này, mật danh “thiên thần”, lại là một “nhị trùng gián điệp” cực kỳ nguy hiểm...

Ngày 27-6-2007, Saint James - một khu sang trọng giữa trung tâm thành phố London. Một người đàn ông ăn mặc lịch sự, nằm chết sóng soài trên vũng máu ở vỉa hè. Ông ta vừa rơi từ tầng 4 của tòa nhà đang cư ngụ. Kẻ xấu số không phải là vô danh tiểu tốt: Achraf Marouane, người gốc Ai Cập, 63 tuổi, con rể và là cộng sự viên đắc lực của Tổng thống Gamal Abdel Nasser, rồi của người kế nhiệm là tổng thống Anouar el-Sadate! Achraf nằm trong một điệp vụ rắc rối, chẳng bao giờ được sáng tỏ và nguyên nhân bí ẩn cái chết của ông cũng không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Nhật báo chính thức của Ai Cập

Al-Ahram chạy hàng tít lớn: “Cái chết của một điệp viên hoàn hảo và anh hùng quốc gia”. Báo Haaretz của Israel lại lặp lại một nửa cái tít này: “Điệp viên hoàn hảo”. Nhưng vì quyền lợi của ai? Israel hay Ai Cập?

Cuộc tranh cãi sôi nổi này từng làm náo động cả quân đội Israel, đã nổ ra ngay trước chiến tranh Kippour tháng 10-1973. Tại Cairo, đám tang của Achraf Marouane diễn ra thật rầm rộ vào ngày 1-7-2007. Quan tài được phủ lá quốc kỳ. Gamal Moubarak, con trai tổng thống Ai Cập, người sẽ kế vị bố, đứng ở hàng đầu cùng với tướng Omar Souleimane, giám đốc cơ quan tình báo, nhân vật trọng yếu của chế độ. Mohamed Sayyed Tantaoui, giáo chủ Al-Azhar, chủ trì lễ tang. Để xác định vai trò của Achraf Marouane tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Moubarak đã nói: “Đó là một nhà ái quốc. Ông thi hành những sứ mệnh vì Tổ quốc mà đến lúc thích hợp, những điều ấy sẽ được công bố”.

Con rể của Nasser chết vì bị ném khỏi cửa sổ. Nhưng lý do thật sự của cú rơi chết người này là gì? Tai nạn? Tự sát? Hay bị giết? Chỉ cần nhìn vào lan can của bancông cũng đủ để loại bỏ giả thuyết thứ nhất. Giả thuyết thứ nhì lại không thể giải thích được việc người chị của Achraf đã gặp em mình vài giờ trước khi xảy ra sự việc, và quả quyết ông ta rất khỏe mạnh. Không ai công bố điều có thể là giả thuyết thứ ba. Điều lạ là từ tháng 7-2007, Scotland Yard tuyên bố cuộc điều tra đã kết thúc. Người ta cho rằng cảnh sát Anh không muốn biết hay đã biết quá rõ lý do...

Một cộng tác viên “từ trên trời rơi xuống”

1h2D95F0.jpgPhóng to
Chàng rể quí Achraf Marouane cưới Mouna, con gái tổng thống Nasser (trái) ngày 7-7-1966

Câu chuyện gián điệp ly kỳ khó tin này bắt đầu vào mùa xuân 1969, hai năm sau cuộc chiến tranh sáu ngày dẫn đến sự tan rã nhục nhã hàng ngũ quân Ả Rập. Achraf Marouane lúc đó mới 25 tuổi, đến London để trị bệnh đau bao tử nơi một bác sĩ nổi tiếng. Việc chọn bác sĩ này chẳng liên quan gì đến y học. Văn phòng của ông này trước đó một thời gian là nơi diễn ra một cuộc hội ngộ bí mật giữa vua Hussein của xứ Jordan và một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Israel.

Cùng với những tấm phim X-quang chụp ảnh dạ dày, anh chàng người Ai Cập này còn mang theo một đống hồ sơ tối mật muốn... trao cho Tòa đại sứ Israel ở London! Tại tổng hành dinh Mossad, người ta nghi ngờ người khách không mời này. Có thể hắn là điệp viên nhị trùng, nuôi ong tay áo có ngày rước lấy những hậu quả thảm khốc thì sao? Và rồi làm thế nào kiểm soát được?

Một quan chức Mossad cao cấp thường xuyên tiếp cận Achraf Marouane với nhiệm vụ xác định nhân thân, mối quan hệ, chất lượng thông tin, những ý định về tiền bạc của anh ta... Chẳng có gì bất thường. Tin tức mà Achraf Marouane mang đến cũng chẳng có “chất lượng” mấy. Và sau khi xác minh lý lịch, họ quả quyết vị trí của anh ta trong hệ thống quyền lực của Ai Cập là không khả quan. Điệp viên từ trên trời rơi xuống này bị từ chối khéo.

“Chúng ta đang có người ngủ chung giường với Nasser!”

Mấy tháng sau, chàng rể quay trở lại không phải với hai tay trắng mà với những thông tin rất “nóng hổi”! Cả Mossad chấn động. Sau khi xác minh, một quyết định từ cấp cao nhất của cơ quan tình báo này phụ trách vấn đề Achraf Marouane được đưa ra, chỉ định một sĩ quan mang bí danh D. sẽ làm việc trực tiếp với anh. Mật danh giữa họ là “Babylone” và “Thiên thần”. Cứ 2-3 tháng một lần, anh sẽ gặp D. tại London hay những thành phố khác tại châu Âu. Một số thông tin của anh ta đã có tầm chiến lược đến mức tướng Zvi Zamir, cầm đầu Mossad, phải đích thân bay sang tiếp nhận.

Tại London, một căn hầm bí mật được bố trí ở không xa khách sạn Dorchester. Những cuộc nói chuyện tay đôi được một nhóm chuyên gia đặc biệt thu băng lại. Và chúng được đưa thẳng đến văn phòng thủ tướng, tham mưu trưởng quân đội Israel Tsahal và nhiều quan chức cao cấp khác. Nói chung, điệp viên Ai Cập đang có tác dụng tốt. Phía Israel không còn nghi ngờ gì nữa. Họ xếp tư liệu mật do anh cung cấp vào loại tối mật. Họ biết tất cả mọi chuyện xảy ra xung quanh tổng thống Ai Cập, các đồng minh và phe đối lập, những thành công và thất bại, các dự án và những chuẩn bị của ông ta... Một quan chức Israel hí hửng nói: “Đúng như là chúng ta đang có người nằm ngủ chung giường với Nasser!”.

Chẳng bao lâu sau, “Thiên thần” được thăng cấp và được mang biệt danh “Điệp viên báo động” nhằm báo trước các nguy cơ chiến tranh cho Israel. Achraf Marouane nhận được tiền lương 50.000 bảng Anh (tương đương 100.000 USD) sau mỗi lần gặp mặt. Trong suốt bốn năm đầu tiên, anh ta kiếm được 20 triệu USD.

Achraf Marouane sinh năm 1944. Là con trai một sĩ quan bảo vệ dinh tổng thống Nasser. Sau khi phục vụ trong quân đội, anh tiếp tục học ngành hóa và lấy con gái tổng thống là Mouna, sau đó được ở ngay trong dinh tổng thống và phụ trách... quan hệ với các cơ quan tình báo. Vừa làm nhiệm vụ, vừa làm con rể, chàng trai trẻ mới 30 tuổi dưới thời Nasser đã nằm trong “bộ chính trị”, nơi quyết định vận mạng tương lai của đất nước Ai Cập.

Đến cuối thời Nasser, Achraf Marouane quay sang... buôn bán vũ khí. Phía Israel suy luận: vai trò của anh ta bên cạnh bố vợ không được như mong đợi nên đã sinh lòng phản bội. Thật ra vị trí của Achraf Marouane càng thêm vững chắc sau khi Nasser qua đời ngày 28-9-1970. Vẫn tiếp tục buôn bán nhưng anh đã trở thành cố vấn rất uy tín của Tổng thống Anouar el-Sadate, tháp tùng tổng thống Ai Cập trong các cuộc công du đến các nước Ả Rập, tiếp đón các nguyên thủ quốc gia và nắm được các hồ sơ ngoại giao, chiến lược quan trọng nhất.

Tháng 4-1973, Achraf Marouane lập công trạng đầu tiên trong vai trò “điệp viên báo động”. D., viên sĩ quan tiếp cận, nhận được một thông tin mã hóa nói về “radis”: mật hiệu báo động chiến tranh sắp diễn ra! Ngay tức khắc, cả Mossad nhốn nháo. Tướng Zvi Zamir đáp chuyến máy bay đầu tiên đến London. Gặp nhau trong căn hầm bí mật quen thuộc, “Thiên thần” cảnh báo: Syria và Ai Cập quyết định tấn công Israel bất ngờ. - Khi nào? - Ngày 15-5!

Thật giả lẫn lộn!

bknI7c1v.jpgPhóng to
Ngày 6-10-1973 xe tăng Syria và Ai Cập vượt kênh đào Suez bất ngờ tấn công Israel
Tại Israel, từ chính phủ đến Bộ Tổng tham mưu không ai dám nghi ngờ nguồn tin này. Các biện pháp khẩn cấp được ban hành: tổng động viên hàng chục ngàn quân trừ bị, bổ sung quân cho bán đảo Sinai và miền bắc. Báo động toàn diện kéo dài ba tháng, tốn kém mất 35 triệu USD. Báo động giả! “Thiên thần” đã lầm.

Năm tháng sau, ngày 5-10-1973 lại báo động khẩn “radis”! Tướng Zvi Zamir bị dựng dậy lúc 2g30 sáng và phóng lên máy bay đi London. Cuộc gặp diễn ra trước nửa đêm và kéo dài 90 phút. Điệp viên gốc Ai Cập thông báo: “Địch sẽ tấn công trên mọi mặt trận vào ngày mai, thứ bảy 6-10”. Theo nhiều nguồn tin “Thiên thần” nói rõ “...18 giờ chiều, lúc mặt trời lặn!”.

Giữa đêm, Zamir dùng điện thoại công cộng từ Anh gọi về cho chánh văn phòng của mình. Thông tin chuyển đến Thủ tướng Golda Meir. Lúc đó là 3g40 tại Israel, bắt đầu Ngày xá tội - Yom Kippur. Vẫn còn đủ thời gian để chuẩn bị đối phó, nếu muốn. Thế nhưng tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, người ta... không tin nữa! Ai cũng còn nhớ “Thiên thần” đã lầm, và sự sai lầm của anh ta đã gây ra quá tốn kém! Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan ra lệnh dứt khoát cho tham mưu trưởng: “Không thể tổng động viên quân đội dựa vào thông tin của tướng Zamir nữa”.

Trong một cuộc họp tại Bộ Tổng tham mưu, tướng Eli Zeira, cầm đầu lực lượng tình báo quân đội, cho rằng xác suất một cuộc tấn công phối hợp Ai Cập - Syria là “rất thấp, thậm chí còn thấp hơn cả thấp nhất”! Dù sao người ta cũng quyết định triển khai các trung đoàn thiết giáp dọc theo kênh đào Suez. Cuộc chuyển quân sẽ bắt đầu vào ngày thứ bảy 6-10 lúc 16g. Nghĩa là hai giờ trước thời điểm cảnh báo của Achraf Marouane. Trước đây ở đó chỉ có ba chiếc xe tăng là đủ đối phó với một cuộc tấn công bất ngờ của kẻ thù.

Lúc 14g, quân Ả Rập khai chiến. Các đoàn quân Ai Cập vượt kênh đào ở hướng nam, trong lúc xe tăng Syria tràn xuống từ hướng bắc. Israel bị bất ngờ, rối loạn hàng ngũ. Sau ba ngày chiến đấu, giới lãnh đạo chóp bu tại Tel-Aviv nhìn thấy rõ nguy cơ “phá hủy ngôi đền thờ lần thứ 3” tức là Israel bị tiêu diệt một lần nữa. Thậm chí nữ Thủ tướng Golda Meir còn tính đến việc... tự sát bằng mấy viên thuốc ngủ để khỏi nhìn thấy một thảm kịch tương tự! Nhưng chẳng bao lâu sau, nhờ cầu không vận tiếp tế vũ khí khẩn cấp của Hoa Kỳ, Israel lấy lại được tinh thần, và đến cuối tháng mười đã giành được chiến thắng.

Bị lừa vào tròng từ đầu đến cuối

Đối với Israel, cuộc chiến tranh Kippour sẽ mãi là một thất bại nặng nề trong ngành tình báo. Mấy chục năm sau, Mossad và cục tình báo quân đội vẫn còn đổ trách nhiệm cho nhau về thất bại nghiêm trọng nhất này mà suýt nữa đã làm mất nước! Tướng Eli Zeira, người mà ngày 5-10-1973 còn oang oang mở miệng nói rằng xác suất một cuộc tấn công là “thấp hơn thấp nhất”, đã bị mất chức và mất hết uy tín.

Ông không chấp nhận mình thua, và nhiều năm sau đó vẫn còn nghiền ngẫm lại từng chi tiết sự việc xảy ra trước cuộc chiến. Mọi câu hỏi của ông đều xoay quanh một vấn đề duy nhất: ai đã phổ biến tâm lý khinh địch trong Bộ Tổng tham mưu, theo đó người Ả Rập sẽ chẳng bao giờ dám tấn công? Ai đã “la làng” vào tháng 5-1973 và “dụ Israel tổng động viên quân trừ bị một cách vô ích”? Ai đã cung cấp chính xác giờ tấn công của chiến dịch ngày 6-10? Kết luận của tướng Zeira: “Israel đã bị lừa vào tròng từ đầu đến cuối!”. Ngay từ ngày đầu tiên, “Thiên thần” đã là kẻ trá hàng, và tài năng dẫn dụ của gã thật quỉ quái!

_______________

Eli Zeira bắt đầu phổ biến giả thuyết của mình từ khi Agranot, ủy ban điều tra sự thất bại của tình báo vào năm 1973, thẩm vấn ông. Ông tự biện hộ và phủ nhận trách nhiệm của Mossad cũng như thuộc hạ của mình. Khi đó ông là vị sĩ quan cao cấp duy nhất qui kết Achraf Marouane là kẻ trá hàng. Sau đó vị tướng tình báo này ngày càng xác tín hơn. Năm 1993, ông viết lại một quyển sách đã xuất bản trước đó 12 năm, đưa ra giả thuyết về kẻ bịp bợm này. Giả thuyết này đã từng được trình bày trước các nhà báo Israel và ngoại quốc.

Howard Blum của tạp chí Vanity Fair, nhớ lại cuộc đối thoại của mình với viên tướng này: “Ông ta chẳng bao giờ tiết lộ tên người điệp viên, nhưng lại cung cấp cho chúng tôi đầy đủ yếu tố để chỉ cần tra cứu trong 30 phút trên Internet là biết ngay tên của người đó”. Và nhà báo Mỹ này đã nhanh chóng ghi tên... Achraf Marouane vào quyển sách kể về cuộc chiến tháng 10-1973 tựa đề: “Trước ngày tận diệt: chuyện chưa kể về cuộc chiến Yom Kippur” (NXB Harper Collins).

Sau khi quyển sách phát hành, tướng Zamir đã công khai kết tội tướng Zeira là kẻ phản bội, khi tiết lộ tên tuổi... Achraf Marouane “yêu quí”! Ông yêu cầu biện lý quốc gia mở cuộc điều tra. Cuộc điều tra đã không diễn ra. Ngược lại, tướng Zeira còn kiện Zamir tội vu khống. Cuối cùng, một chánh án của tòa án tối cao đã hòa giải cả hai người. Tháng 6-2007, chỉ vài ngày trước khi Achraf Marouane bị rơi từ cửa sổ tầng 4 ở London, ông tuyên bố dứt khoát: “Tướng Eli Zeira chính là người đã phát hiện ra... tung tích của gã điệp viên Ai Cập!”.

Cuối cùng bị lột mặt nạ!

FHgivIzm.jpgPhóng to
Lính Israel bị phía Syria bắt giữ trên cao nguyên Golan trong những ngày đầu cuộc chiến tranh Yom Kippur

Nhưng điều gì đã xảy ra cái chết đáng ngờ này? Giải thích cách nào cú rơi từ tầng lầu 4? Ai đã giết chết con rể của Nasser? Ngay hôm sau thảm kịch tại Saint James, giả thuyết tai nạn và tự sát bị loại bỏ. Ai Cập đã dành cho “điệp viên” của mình một quốc tang, khiến người ta chỉ còn lại cách giải thích là bị mưu sát.

Nghi ngờ được chĩa về phía Israel và cơ quan tình báo Mossad. Thái độ của Achraf Marouane trong những năm cuối đời cho thấy ông đã rất lo sợ phía Israel sẽ “chơi” lại mình, thậm chí còn linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành xảy tới với mình.

Sau cuộc gặp gỡ với ông trùm Mossad, trước ngày xảy ra chiến tranh Kippour, ông nấn ná ở London mấy ngày rồi lặng lẽ bỏ về quê hương. Mối quan hệ với các cơ quan tình báo Israel lợt lạt dần trước khi hoàn toàn chấm dứt hẳn. Ông lại tái xuất hiện khi cuộc tranh cãi nổ ra tại Israel về lai lịch tên điệp viên Ai Cập và vai trò thật sự của hắn ta.

Trên tờ Haaretz ngày 6-7-2007, tác giả Yossi Melman viết: “Cho đến khi chết, Achraf Marouane vẫn không hiểu tại sao tướng Eli Zeira và một số nhà báo lại quyết định tiết lộ tên tuổi của mình. Nhưng kỳ lạ là ông lại có mối quan hệ khắng khít với nhà báo người Mỹ Howard Blum, và kết thân với nhà sử học Ahron Bregman. Ông nhà báo này lại là người đầu tiên tại Israel công bố tên tuổi “kẻ trá hàng khốn kiếp” Achraf Marouane trước báo chí. Họ đã từng gọi điện thoại cho nhau nhiều lần, trước ngày xảy ra thảm kịch”.

Trước tiên nói về Ahron Bregman, 49 tuổi, tác giả nhiều quyển sách viết về Trung Đông. Ông chủ trì những cuộc họp báo tại King’s College ở London, và thường xuyên cộng tác với Đài BBC. Ngay hôm sau cái chết của Achraf Marouane, ông dành cho nhà báo Yossi Melman một bài phỏng vấn rất dài đăng trên số ra ngày 6-7-2007 của tờ Haaretz. Trong quyển sách tựa đề Những cuộc chiến tranh của Israel, 1947-1993 (NXB Routledge, 2000) Bregman đã tiết lộ ít nhiều về lai lịch của người điệp viên này khi nói bóng gió về “cánh tay phải của Tổng thống Sadate”.

Trong một quyển sách khác xuất bản năm 2002, rồi một bài báo cho tờ Yediot Aharonot có số phát hành cực lớn, ông nói đến “một chàng rể”. Ngày nay ông giải thích: “Chính tôi đã tặng cho y một biệt danh. Đó là cách thức để tránh né trường hợp bị Achraf Marouane truy tố vì tội vu khống. Khi đó Mossad đã chỉ đích danh anh ta rồi chứ không cần nói vòng vo là con rể của tổng thống Ai Cập...”.

Nhưng Achraf Marouane đã phản ứng. Tháng 12-2002, ông tuyên bố trên tờ Al- Ahram rằng cách giải thích sự kiện của Bregman chỉ là một thứ tiểu thuyết tình báo thô thiển. Nhà sử học Israel phản ứng quyết liệt: “Tôi đã tiếp xúc với một nhà báo Ai Cập và tiết lộ cho anh ta biết “chàng rể” mà tôi đề cập đến không ai khác hơn là Achraf Marouane. Hắn chính là kẻ trá hàng. Tôi còn nhắn gởi lời thách thức này với y: nếu anh không phải kẻ trá hàng hãy đưa cho tôi xem hộ chiếu, và khai thật: anh ở đâu vào ngày 5-10-1973?

Tôi không phải là siêu nhân

KMCYAAPi.jpgPhóng to
Nữ Thủ tướng Israel Golda Meir suýt... tự sát vì lo ngại Nhà nước Israel bị tiêu diệt
Ba tuần sau, cơ quan kiểm duyệt quân đội cho phép tờ Haaretz công bố lại bài báo viết trên tờ Al-Ahram. Bằng cách đó tên tuổi của Achraf Marouane được công bố lần đầu tiên tại Israel.

Bằng cách nào lại có sự nối kết giữa hai con người này? Chính nhà sử học đã có sáng kiến tặng quyển sách của mình cho gã điệp viên ở trang đầu với dòng chữ: “Kính tặng Achraf Marouane, anh hùng Ai Cập”. Sau bài phỏng vấn Bregman đăng trên Al-Ahram, Achraf gọi điện tìm ông. Không xưng danh nhưng lại tự giới thiệu: “Tôi là người mà ông đã viết sách”. Sau một vài câu trao đổi vu vơ, Achraf Marouane tuyên bố: tôi có ba điều muốn nói với ông: 1- Tôi không muốn tranh cãi với ông về vấn đề điệp viên trá hàng.

2- Ông có kẻ thù của ông, tôi có kẻ thù của tôi. Không cần biết kẻ thù của tôi là ai. 3- Chúng ta cần phải gặp mặt nhau”. Sáu tháng sau, lại một cú gọi nữa của Achraf Marouane. Rất nhiều lần, ông ta đặt cho Bregman cùng một câu hỏi có vẻ rất lo lắng: “Nhưng tại sao họ lại làm điều đó đối với tôi?”. Tất nhiên, ông ta muốn ám chỉ đến Israel nói chung đặc biệt là Mossad nói riêng. Bregman kể lại: “Ông ta quả quyết là chính Mossad đã tiết lộ tên tuổi của mình và phổ biến câu chuyện về kẻ trá hàng”. Và rưng rưng nước mắt muốn khóc, ông ta nói: “Tại sao họ lại muốn báo thù tôi?”.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Ahron Bregman và Achraf Marouane diễn ra ngày 23-10-2003 tại London. Và đó cũng là lần chót. Câu chuyện được kể lại trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ Haaretz: “Tôi đi đến chỗ hẹn bằng những con hẻm ngoằn ngoèo để xem mình có bị ai theo dõi không. Giống như trong một cuốn phim cảnh sát hình sự, lúc đó tôi rất nghi ngờ và chẳng biết điều gì đang chờ đón mình. Và rồi tôi biết ông ta rất giận dữ vì tôi đã công bố tên tuổi của ông ta. Họ đồng ý gặp nhau trong phòng khánh tiết của một khách sạn. Khi Bregman đến, Achraf Marouane đã có mặt. “Ông ta đi đi lại lại hàng trăm bước trong lúc chờ đợi. Con người này rất cao lớn, thanh nhã và đầy ấn tượng. Ông ta mặc bộ đồ thanh nhã và đeo chiếc băng chéo màu đỏ.

Tôi mang đến nhiều bài báo về ông bằng tiếng Hébreux mà tôi đã dịch ra trước theo ý muốn của ông. Ông ta tiết lộ đang viết một quyển sách sẽ mất nhiều thời gian: Tôi muốn tham khảo với ông và yêu cầu theo dõi tình hình diễn tiến tại Israel giùm tôi”. Achraf Marouane muốn biết người ta nói và viết về mình như thế nào. Phần mình, Bregman hỏi: “Phản ứng tại Ai Cập thế nào khi có tiết lộ về “kẻ trá hàng”?”. Trả lời: “Chúng ta sẽ không nói đến chuyện đó”. Sau cuộc gặp gỡ, Bregman ghi trong sổ tay: ông ta lo lắng về nhà báo Mỹ Howard Blum của tờ Vanity Fair, người đã phổ biến tên tuổi của Achraf và nói phong phanh đến chuyện Mossad muốn ám sát! Ông ta nói năng rất cẩn thận và có vẻ bực bội. Có một lúc, ông ta lo lắng ra mặt khi thấy tôi sờ vào chiếc cà vạt của mình vì nghi ngờ tôi chụp ảnh hay lén lút thu âm”.

Yossi Melman phóng viên tờ Haaretz, rất muốn biết xem Bregman có đặt câu hỏi sanh tử sau đây không: “Ông là điệp viên thường hay hai mang?” - “Không, tôi không muốn gây bối rối cho ông ta, vì tôi biết vấn đề này rất nhạy cảm. Nhưng tôi chỉ hỏi về lần báo động mà ông nói rằng: chiến tranh sẽ phát khởi trước lúc hoàng hôn. Achraf Marouane trả lời: chênh lệch vài giờ, có sao đâu? Rồi ông ta kết thúc câu chuyện khi nói không muốn đào sâu vấn đề đó”.

Tháng 10-2006, một cú điện thoại nữa gọi cho Bregman. Lần này, Achraf Marouane đột ngột gọi đến, không hẹn trước. Ông ta đang đi chữa bệnh tại Hoa Kỳ. Đối thoại kéo dài 40 phút. Ông muốn biết tên của quyển sách do Aryeh Shalev, phụ tá của tướng Zeira lúc chiến tranh Kippour, viết và mới phát hành. Và bình luận: “Họ có thể nói cái gì họ muốn nói, còn kết quả đã tự nói lên rồi: Golda Meir muốn tự tử, Israel mất hàng trăm chiến xa ngay trong ngày đầu tiên. Tôi không phải là siêu nhân”.

Về tâm lý khinh địch trong Bộ Tham mưu quân đội Israel cho rằng người Ả Rập không bao giờ dám tấn công nữa, Achraf Marouane thú nhận với Bregman: “Ông đã thảo những bài diễn văn của Tổng thống Sadate và có hàng chục người khác đang làm nhiệm vụ “ru ngủ tinh thần quân Israel”. “Sau đó như Bregman kể lại - Achraf Marouane nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: Không phải chỉ có một điệp viên trá hàng. Cả nước Ai Cập đều như thế!”. Ý nghĩa câu nói bí ẩn này là thế nào? Nhà sử học kết luận: tất cả, và ngoại trừ ông ta.

“Tôi đã từng là lính”

Lần gặp gỡ cuối cùng càng phủ lên bí ẩn này một lớp dày đặc. Achraf Marouane gửi liên tục ba thông tin trong vòng 90 phút vào máy nhắn tin của Ahron Bregman. Đầu tiên vào lúc 13g52: “Xin chào! Về vấn đề cuốn sách, hãy gọi máy di động cho tôi”. Trở về căn nhà ở ngoại ô London, Bregman gọi lại ngay tức khắc. Hai người quyết định gặp nhau vào sáng hôm sau. Achraf Marouane chỉ phải nhắc lại để nói chính xác địa điểm và thời gian. Không có trao đổi gì thêm.

Sáng hôm sau, 27-6-2007, Achraf Marouane nằm chết sóng soài bên dưới căn hộ của mình. Bregman tiết lộ với Haaretx: “Với tôi, rõ ràng, nếu ông ta gọi ba lần liền trong vòng 90 phút có nghĩa là đang rất bối rối. Mặc khác, giọng nói lại không bình thường. Đó không phải là giọng của Achraf Marouane mà tôi biết”. Sau ngày “tai nạn” đó, nhà sử học đã lưu lại ba cuộc nhắn tin này. Ông nghĩ nó rất quí giá cho các nhà điều tra của Scotland Yard. Nhưng chẳng thấy ai hỏi đến.

Và đây là cuộc gọi điện thoại sau cùng giữa Achraf Marouane với Howard Blum. Nhà báo hỏi: “Ông có sợ không?” - “Tại sao phải sợ? Tôi đã từng là lính mà!”. Achraf Marouane và Blum sẽ phải xuất hiện trên một chương trình truyền hình Mỹ. Nhưng trước đó một hôm, ông đã gọi điện yêu cầu hủy bỏ. Bởi vì ông không muốn xuất hiện trước công chúng khi nào quyển sách của mình còn chưa phát hành.

Bản thảo của nó ở đâu? Người ta biết gì về quyển sách chỉ mới được nói đến này? Nó tiết lộ gì về vai trò của Achraf Marouane? Phải chăng nội dung còn quá “nhạy cảm” để phải giấu nhẹm vĩnh viễn? Có nên tin rằng tác giả của nó bị giết chỉ vì đã kể lại câu chuyện một người Ả Rập có khả năng lừa được tất cả các cơ quan mật vụ huyền thoại của Israel?

ĐINH CÔNG THÀNH trích dịch(Theo La Revue 3-4/2008)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên