25/09/2006 12:07 GMT+7

Điện não đồ: Khi chính xác, lúc... trời ơi

KIM SƠN
KIM SƠN

TT - Hễ bệnh nhân khai nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ... là bác sĩ cho làm điện não đồ. Đây là một dịch vụ có lợi nhuận cao nên nhiều bệnh viện, phòng khám tư đua nhau sắm máy rồi bố trí bác sĩ chưa qua đào tạo chuyên ngành, thậm chí kỹ thuật viên xét nghiệm cũng làm điện não. Hậu quả là khi thì chính xác, lúc thì... trời ơi.

5pmPcdGj.jpgPhóng to
Đo điện não cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: KIM SƠN
TT - Hễ bệnh nhân khai nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ... là bác sĩ cho làm điện não đồ. Đây là một dịch vụ có lợi nhuận cao nên nhiều bệnh viện, phòng khám tư đua nhau sắm máy rồi bố trí bác sĩ chưa qua đào tạo chuyên ngành, thậm chí kỹ thuật viên xét nghiệm cũng làm điện não. Hậu quả là khi thì chính xác, lúc thì... trời ơi.

Thấy con mất ngủ, người mẹ đưa con đi khám. Bác sĩ (BS) chỉ hỏi vài câu rồi ghi giấy cho đi đo điện não đồ (EEG). Phòng điện não trả kết quả, ghi: “Theo dõi rối loạn hoạt động vùng não sau”. Dựa trên kết quả này, BS hỏi hồi nhỏ cháu có té hay động kinh và cho một toa đến năm loại thuốc.

Bà mẹ không yên tâm, đưa con đến một BS khác. BS này kết luận: “Kết quả trên không chính xác. Cháu có dùng thuốc an thần nên khi đo đã bị nhiễu... ”. Tương tự, bệnh nhân P.T.T.T., 19 tuổi, nhức đầu nên đi khám tại bệnh viện tỉnh. BS cho làm EEG để kiểm tra, cho kết quả: “Điện não đồ bệnh lý động kinh toàn thể”. Choáng váng khi nghe BS nói con phải uống thuốc động kinh trong thời gian dài, chị liền tìm đến một bệnh viện lớn ở TP.HCM để đo EEG thì cho kết quả “hoàn toàn bình thường”...

Thạc sĩ Phan Thị Hòa Bình - trưởng khoa thăm dò chức năng Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết EEG là phương pháp dùng thiết bị điện tử đặc biệt ghi lại các hoạt động điện sinh lý của não. Đây là phương pháp đòi hỏi phải có kiến thức sâu về lĩnh vực điện sinh học kèm theo các kiến thức liên quan.

Hiện nay EEG được dùng khá phổ biến ở các cơ sở y tế để chẩn đoán các bệnh như động kinh, tổn thương choán chỗ ở não (u, ápxe...), viêm nhiễm, tai biến mạch máu não, rối loạn thần kinh...

* Nhưng làm thế nào để biết kết quả có bị nhiễu hay không?

- EEG không phải là phương pháp chẩn đoán đặc hiệu. Lý do là hai bản ghi giống nhau có thể gặp ở hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Ngược lại, cùng một loại bệnh lý nhưng hai bản ghi trên hai bệnh nhân hoàn toàn khác nhau.

Có rất nhiều người chỉ bị đau đầu, nhưng đo ra là bị động kinh tiềm ẩn. Hoặc có người trên lâm sàng có động kinh, nhưng trên điện não không có. Do vậy, để phương pháp EEG phát huy hiệu quả, cần đào tạo con người và kiểm định thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế thì kết quả EEG mới được sự tin cậy.

Khi bệnh nhân nhận được hai kết quả EEG khác nhau (ở hai lần ghi và hai nơi đo khác nhau) thì cũng không nên quá lo lắng bởi có nhiều nguyên nhân gây ra, mà một trong những nguyên nhân đó là do người đọc kết quả. Nếu bản ghi chuẩn, thực hiện đúng các thông số kỹ thuật (để bất cứ người đọc EEG nào cũng phân tích được) thì bạn có thể đem đến nhờ người thứ ba phân tích.

* Nhưng có nơi sử dụng EEG để phát hiện nghiện ma túy?

- Điện não không thể dùng để chẩn đoán người có nghiện ma túy hay không.

* Vậy điện não có xác định được nguyên nhân gây mất ngủ?

- Thời gian tới chúng tôi sẽ xem xét thử ghi trên máy EEG Digital thông qua giấc ngủ đêm và ngủ ngắn ban trưa để giúp xác định chẩn đoán các loại rối loạn giấc ngủ. Khi đủ lực sẽ trang bị thiết bị EEG chuyên dùng cho nghiên cứu giấc ngủ.

Hiện nay cũng chưa thống nhất một tiêu chuẩn đào tạo và “mạnh ai nấy đọc”. Tuy nhiên, đây là phương pháp tầm soát bệnh sớm ở não, do vậy nên đi làm EEG mỗi năm một lần. Đã có trường hợp nhức đầu cứ uống thuốc giảm đau, đến lúc làm EEG khối u đã quá to.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên