07/03/2017 15:29 GMT+7

Diện mạo nào cho một đô thị đáng sống?

THÚY AN (batdongsan.com.vn)
THÚY AN (batdongsan.com.vn)

Sự phát triển của Hà Nội có một khoảng vênh rất lớn giữa hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và tốc độ phát triển kinh tế, gia tăng dân số.

Nhà tập thể là bằng chứng của một giai đoạn phát triển
Nhà tập thể là bằng chứng của một giai đoạn phát triển

Thực trạng này kéo theo nhiều hệ lụy xã hội: hạ tầng giao thông quá tải, hạ tầng xã hội thiếu hụt, ô nhiễm môi trường, ngập lụt… Một phần nguyên nhân của thực trạng nằm ở vấn đề quy hoạch, thiết kế đô thị (TKĐT).

PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan, viện phó Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), đã có những trao đổi thú vị với khán giả của chương trình Reading Circle xung quanh chủ đề “Diện mạo nào cho một đô thị đáng sống?” diễn ra cuối tháng 2 tại Hà Nội. Batdongsan.com.vn lược ghi một số nội dung chính của cuộc trao đổi.

* TKĐT là một khái niệm trừu tượng. Những "người ngoại đạo" nên hiểu về TKĐT như thế nào?

- PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan: Tôi muốn sử dụng định nghĩa trong cuốn “Public places - Urban spaces, the dimensions of urban design” để trả lời câu hỏi này. Theo cuốn sách, TKĐT là quá trình kiến tạo các nơi chốn có chất lượng cho con người. TKĐT lấy không gian công cộng của đô thị làm đối tượng nghiên cứu chính. Đó là một quá trình mà con người luôn được đặt ở trung tâm.

Quá trình này bị chi phối bởi bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội. Vai trò, ý nghĩa của TKĐT là nâng cao chất lượng môi trường không gian. Tìm hiểu nội hàm của khái niệm TKĐT là chúng ta tiệm cận đến hai câu hỏi: “Thế nào là không gian đô thị có chất lượng? Thế nào là một thành phố đáng sống?”.

PGS.TS.KTS Phạm Thuý Loan chia sẻ tại Reading Circle - Ảnh: BĐS
PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan chia sẻ tại Reading Circle - Ảnh: BĐS

* Như bà nói, TKĐT lấy không gian công cộng của đô thị làm đối tượng nghiên cứu chính. Vậy điều gì làm nên chất lượng của không gian công cộng?

- Đã có rất nhiều nghiên cứu xoay quanh vấn đề này. Mỗi nghiên cứu đưa ra bộ tiêu chí chất lượng khác nhau. Một số tiêu chí cơ bản là an toàn, tiện nghi, sạch sẽ, hữu dụng (công năng), đẹp mắt (thẩm mỹ), dành cho mọi người (xã hội), được quản lý tốt và đáng nhớ (hồn nơi chốn, bản sắc). Tất nhiên, mỗi người có thể đưa ra những tiêu chí cho riêng mình trong quá trình kiến tạo thành phố. Chúng ta có thể sáng tạo ra những tiêu chí cao hơn nữa.

* Chúng ta sẽ cùng nói về một không gian công cộng nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội là Hồ Gươm. Hà Nội đã có nhiều dự án cải tạo không gian này. Gần đây nhất là lát đá Hồ Gươm. Bà nghĩ sao về dự án này?

- Cá nhân tôi không thích dự án này. Dự án biến Hà Nội thành không gian công cộng vào cuối tuần với phố đi bộ gây nhiều hứng thú cho tôi hơn. Việc lát đá có thể cải thiện chút ít về mặt vật thể. Nó không quan trọng bằng việc tạo ra một sân chơi chung được nhiều người yêu mến. Điều quan trọng của một không gian là không gian đó có thể đóng góp được nhiều hơn nữa cho đời sống tinh thần, thể chất của người dân thành phố.

Không gian Hồ Gươm chẳng hề tệ đến mức phải lát đá lại. Nếu như lát lại thì cần cẩn trọng. Bởi Hồ Gươm hàm chứa yếu tố lịch sử của không gian. Các không gian công cộng khi cải thiện cần cân nhắc các vật liệu, chi tiết có chức năng thay thế, bổ sung. Những vật liệu, chi tiết này phải phù hợp với bối cảnh lịch sử của không gian lịch sử đấy.

* Một không gian khác mang bản sắc Hà Nội là nhà tập thể cũ. Những khu tập thể của Việt Nam được người Pháp đánh giá cao. Thậm chí một vài nơi trên thế giới đã đưa khu tập thể cũ thành bộ mặt của Hà Nội. Quá trình đô thị hóa đang “thôn tính” những khu tập thể cũ. Bà nghĩ sao về thực trạng này?

- Điều khiến các chuyên gia Pháp đánh giá cao khu tập thể của Việt Nam chính là hình thái không gian của các khu tập thể. Nhà tập thể cao không quá năm tầng, có hành lang chung, cầu thang chung, sân chơi chung. Nó cho phép những cư dân sống ở đó có cơ hội giao lưu chặt chẽ với nhau. Quá trình tương tác giữa các cư dân ở khu tập thể vô hình trung tạo nên những cộng đồng. Những tòa nhà chung cư hiện nay cũng có hành lang chung, thang máy và sân chung nhưng không gian đó bị “khóa” bởi những dãy nhà kín và cao tầng.

Bản chất của kiến tạo thành phố không phải là kiến tạo ra các khối vật chất vô hồn mà là kiến tạo xã hội. Mà kiến tạo xã hội tức là kiến tạo những cộng đồng dân cư có sự yêu thương, chia sẻ, đồng lòng và đấu tranh. Đấy mới là đích của quy hoạch và TKĐT.

Xét ở khía cạnh lịch sử, nhà tập thể là bằng chứng của một giai đoạn phát triển. Tuy những khu tập thể này không có  giá trị về mặt di sản vì kiến trúc không quá đặc biệt. Nhưng trong nghiên cứu, chúng tôi vẫn xem xét việc giữ lại nhà tập thể như một phần của lịch sử thành phố. Trên thực tế, việc bảo dưỡng, duy tu nhà tập thể cũ phức tạp và tốn kém do những công trình đó quá xập xệ.

Theo tôi, chúng ta nên tiến hành một cuộc tổng kiểm kê các khu tập thể, lựa chọn giữ lại một số khu phản ánh tốt nhất ý tưởng, tư duy thiết kế cũng như bối cảnh kinh tế, xã hội thời điểm ra đời. Ngoài ra, với những khu nhà được lựa chọn, tình trạng vật thể không được quá tệ. Những khu xuống cấp quá thì cho tái phát triển.

Việc tái phát triển không đồng nghĩa với xóa trắng và xây những tòa nhà cao tầng. Tôi sẽ tái phát triển theo hướng là kể lại câu chuyện lịch sử của khu vực đấy trong thể trạng tốt hơn, mật độ xây dựng có thể tăng lên. Bạn cũng cần biết là những dự án tái phát triển lồng ghép yếu tố bảo tồn không bao giờ có lợi nhuận lớn. Trong trường hợp này buộc phải có sự hỗ trợ về cơ chế, tài chính của nhà nước. Thành phố này là thành phố ngàn năm lịch sử, phải có những phần kể lịch sử của những năm 1960, 1970, 1980 thế kỷ trước.

* Vậy theo bà, trong quy hoạch và TKĐT, đâu là tiêu chí để phát triển một Hà Nội văn minh?

- Tính hệ thống trong phát triển thành phố là rất cần thiết. Trên thế giới có rất nhiều thành phố phát triển tốt. Singapore hay Tokyo là những ví dụ điển hình. Thông thường các thành phố phát triển theo diễn tiến hàng trăm năm, hàng ngàn năm. Nó to dần ra từ một cái lõi. Về cơ bản, các thành phố sẽ phát triển to lên, thu hút nhiều dân cư đến.

Điều đầu tiên là cần có một khung hạ tầng giao thông. Tại những thành phố như Singapore, Tokyo, người ta không trù liệu đường bộ mà trù liệu cấu trúc giao thông công cộng. Giao thông công cộng là thứ đầu tiên chúng ta phải có kế hoạch để  thành phố vận hành tốt. Có bộ khung giao thông rồi, bạn sẽ phát triển dần các thứ khác theo nhu cầu. Tại một số đô thị lớn của Việt Nam, khi có rất nhiều đất sạch, chúng ta không chuẩn bị giao thông công cộng. Đến khi đất đã được sử dụng và trở nên quá đông đúc, chúng ta mới có nhu cầu giao thông công cộng. Nhưng lúc đó thì không thu hồi lại được đất.

Đấy là câu chuyện về tầm nhìn trong công tác tổ chức sự phát triển của thành phố. Trên thực tế, chúng ta có quy hoạch nhưng chúng ta không cam kết thực hiện quy hoạch đó.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ thú vị này!

 

THÚY AN (batdongsan.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên