Tại SEA Games 2013, điền kinh VN đoạt 10 HCV và phá bảy kỷ lục quốc gia, một con số ấn tượng. Nhưng xét kỹ, trong số này có những thành tích còn xa lắm mới bắt kịp sân chơi châu Á. Chẳng hạn sẽ thật khập khiễng nếu so sánh thành tích HCV 800m (2’5”52) và 1.500m (4’22”64) của Đỗ Thị Thảo tại SEA Games 2013 với thành tích của Trương Thanh Hằng trước đây (800m: 2’0”91 và 1.500m: 4’9”58).
Chỉ còn loay hoay ở Đông Nam Á
Ở môn nhảy cao nữ, Dương Thị Việt Anh rồi Phạm Thị Diễm cứ trồi sụt trong sự thất vọng của người hâm mộ. Thành tích cao nhất của Việt Anh là 1,92m, chưa thể chạm kỷ lục quốc gia 1,94m do cựu VĐV Bùi Thị Nhung thiết lập gần chục năm trước tại Thái Lan, chứ đừng nói đến kỷ lục châu Á 1,99m.
VĐV nhảy ba bước Trần Huệ Hoa cũng không đuổi kịp sự tiến bộ của các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á qua việc để mất chiếc HCV SEA Games. Thế mới thấy sự trớ trêu khi các ngôi sao điền kinh VN hiện tại được nhiều người biết đến như “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình, nhà vô địch xuất thân “anh nuôi” Nguyễn Văn Lai, Nguyễn Thị Phương... là nhờ nỗ lực vượt khó hơn là thành tích nổi bật.
Có thể nói ngoài Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, gần như phần còn lại của điền kinh VN chỉ loay hoay ở đấu trường Đông Nam Á. Những gương mặt trẻ hiện nay như Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy... đều nổi lên từ khá sớm nhưng cũng sớm chựng lại. Giới chuyên môn cho rằng trong tương lai nếu họ đạt thành tích tiệm cận với lứa VĐV đi trước đã là thành công chứ chưa nghĩ đến chuyện tiến xa hơn.
Vũ Thị Hương chia sẻ: “Nói thật, trong làng điền kinh VN hiện nay, tôi thấy chỉ có Quách Thị Lan có triển vọng vươn đến tầm châu lục nếu được đầu tư tốt. Ngoài ra, VN còn một tài năng khác ở môn đi bộ là Nguyễn Thị Thanh Phúc. Còn lại, phần lớn chỉ thi đấu ở khu vực Đông Nam Á là tốt lắm rồi”.
Ở môn đi bộ, Thanh Phúc thành công nhờ năng khiếu và sự khổ luyện là chính. Trong khi đó, sự kỳ vọng ở Quách Thị Lan đang lung lay dữ dội sau thất bại tại SEA Games 2013, một phần vì chuyến tập huấn vướng nhiều chuyện lùm xùm của cô trước đó tại Bulgaria và Malaysia.
Quá nhiều lý do khiến giật lùi
Vũ Thị Hương cho biết: “VĐV điền kinh hiện nay nếu biết phấn đấu vào các tuyến trọng điểm, dự tuyển... thì hoàn toàn có thể sống được bằng nghề. Kinh phí tập huấn cho điền kinh cũng không còn eo hẹp như trước đây nên VĐV có nhiều cơ hội để phát triển tài năng”. Thế thì tại sao thành tích của điền kinh VN cứ mãi luẩn quẩn trong khu vực Đông Nam Á?
Vũ Thị Hương lý giải: “Sự sa sút của điền kinh VN cộng hưởng từ nhiều yếu tố: công tác đào tạo chưa tốt, thiếu HLV giỏi từ cấp cơ sở để tạo căn bản tốt cho VĐV, áp lực thành tích buộc VĐV phải thi đấu sớm nên HLV đốt cháy giai đoạn dẫn đến tình trạng VĐV trưởng thành không thể đạt đến ngưỡng cao nhất. Hoặc chuyện một số tài năng không được đầu tư ngay từ nhỏ mà phải lên các tuyến năng khiếu, đội tuyển mới được tập huấn nước ngoài. Bản thân tôi phải đến 21 tuổi, sau khi có được vài thành tích quốc gia, mới được cho đi tập huấn ngắn hạn tại Trung Quốc. Lúc đó là quá trễ và không giải quyết được gì nhiều”.
Thực tế cũng cho thấy không ít VĐV VN hiện nay không thật sự đam mê nghề. Họ tập luyện để “trả nợ” bảng chấm công, đảm bảo đủ lương tháng và dễ nản chí trước thử thách lớn hơn. Đồng thời, từ lâu dư luận và giới truyền thông cũng râm ran chuyện dùng “thuốc” của VĐV VN.
Một VĐV nổi tiếng của VN thừa nhận: “Không ít VĐV dùng thuốc để tăng cường khả năng thi đấu, có người chỉ dùng thuốc bổ thông thường nhưng cũng có người làm liều với thuốc cấm. Là người trong nghề, tôi chỉ cần nhìn cách chạy và thành tích của họ là biết được họ có dùng thuốc cấm hay không. Điển hình rõ nhất (nhưng không phải tất cả) là những người thi đấu trong nước rất tốt nhưng ra quốc tế thường bị xụi”.
Bên cạnh những lý do trên, chuyện mà báo chí VN đã tốn không ít giấy mực để nhắc đến là chuyện “cơm không lành, canh không ngọt” giữa lãnh đạo bộ môn điền kinh thuộc Tổng cục TDTT và Liên đoàn Điền kinh VN. Không ít kế hoạch tập huấn, chiến lược đào tạo VĐV dài hạn ở nước ngoài đã không diễn ra như ý vì sự không “ăn khớp” giữa hai bên.
Đó là một phần nguyên nhân khiến chuyến tập huấn của Quách Thị Lan tại Bulgaria năm 2013 bị đứt gánh giữa chừng dẫn đến thất bại tại SEA Games 2013. Hay câu chuyện nóng nhất thời điểm hiện tại là các VĐV trọng điểm của VN chuẩn bị cho Asiad 2014 vẫn đang phải tập chay trong khi bộ môn và Liên đoàn Điền kinh VN vẫn loay hoay không tìm được nơi tập huấn.
[box]“Huyền thoại sống”
Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng (cùng 28 tuổi) xứng đáng được xem là “huyền thoại sống” của điền kinh VN bởi họ đã vươn đến đẳng cấp châu Á trong bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Ấn tượng nhất trong bộ sưu tập thành tích của Trương Thanh Hằng là hai chiếc HCV châu Á cự ly 800m. Còn Vũ Thị Hương cũng nhiều lần đoạt “á hậu” giải châu Á, Asiad ở hai nội dung hấp dẫn nhất của môn thể thao nữ hoàng: 100m và 200m.
Và khi Vũ Thị Hương liên tiếp gặp chấn thương và bệnh tật còn Trương Thanh Hằng bị xe đụng gãy chân, điền kinh VN cũng hoàn toàn mất tiếng ở đấu trường châu lục.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận