* Từ ngày 27 đến 29-5: TP.HCM cắt điện khẩn cấp trên diện rộng
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
TP.HCM đã bắt đầu cắt giảm điện. Nhiều khu vực bị cắt điện từ sáng đến đêm, có nơi điện bị cắt từ 10-20 giờ khiến người dân giận dữ vì sinh hoạt, kinh doanh bị đảo lộn...
Trong hai ngày 26 và 27-5, hơn chục tuyến đường ở nhiều khu vực tại TP.HCM bị cắt điện không báo trước. Riêng ngày 27-5, hàng chục tuyến đường tại nhiều quận huyện ở TP bị cúp điện đột ngột kéo dài trên năm giờ.
Cúp 23 giờ không báo trước
Chị Trí (ngụ đường Nguyễn Văn Quá, P.Đông Hưng Thuận, Q.12) bức xúc nói: “Xưa nay tôi chưa thấy cúp điện như thế này: cúp đến 23 giờ/ngày. Nhà tôi bị cúp điện từ 11g ngày 26-5 đến 10g ngày 27-5”. Chị Trí còn cho biết nhà chị nhiều lần điện thoại cho Công ty Điện lực Hóc Môn từ sáng đến tối nhưng không ai trả lời máy. Điện thoại cho đường dây sửa chữa điện báo điện hỏng và đường dây báo điện cháy cũng không ai nhấc máy giải quyết.
Chiều 27-5, ông Hoàng Xuân Hoan - trưởng Phòng công chứng số 2 (đường Ngô Quyền, P.7, Q.5) - than thở: “Điện cúp cả ngày không báo trước làm chúng tôi bị ùn ứ khách hàng, gây ảnh hưởng lớn đến người dân”.
Cùng ngày, các tuyến đường thuộc các quận 3, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận... cũng bị cắt điện đến chiều tối.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng ban quan hệ cộng đồng Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết từ ngày 27 đến 29-5 TP sẽ cắt điện khẩn cấp trên diện rộng do thiếu sản lượng điện. Ông Vũ giải thích: “Thời gian qua lưới điện cao thế bị quá tải cục bộ liên tục do thời tiết nắng nóng và phụ tải tăng cao gây quá nhiệt thiết bị, có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện. Ngành điện phải tạm ngưng cung cấp điện một số đường dây trung thế và trạm hạ thế để xử lý sự cố, đảm bảo cung cấp điện cho các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học sắp tới”.
Cúp điện không thông báo khẩn
Theo quy định, ngành điện muốn cắt tiết giảm điện phải công bố thời gian cụ thể trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên ngày 26-5, tại nhiều điểm thuộc các tuyến ở nhiều khu vực khác nhau đã bị cúp điện 10 giờ (từ 8g-18g) nhưng không có trong thông báo khẩn (các phường thuộc quận 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, huyện Bình Chánh)...
Chúng tôi thử truy tìm trên cả hai bảng thông báo cúp điện thông thường và cúp điện khẩn thì phát hiện có khá nhiều nơi không được thông tin tuyến dây bị cắt tiết giảm điện.
Đảm bảo điện cho bệnh viện, sản xuất
Sáng 27-5, tại cuộc họp bàn về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và nhiệm vụ tháng 6-2010, Tổng công ty Điện lực TP cho biết do nắng nóng kéo dài và nền kinh tế hồi phục nên sản lượng điện tiêu thụ tại TP có ngày lên đến hơn 50 triệu kWh. Trong khi đó sản lượng điện EVN phân bổ cho TP mỗi ngày thường thấp hơn so với nhu cầu. Dù đầu năm đến nay toàn TP đã tiết kiệm gần 89 triệu kWh điện nhưng hiện nay mỗi ngày TP thiếu khoảng 5 triệu kWh.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín đề nghị Tổng công ty Điện lực TP đảm bảo cung cấp đủ điện cho bệnh viện, phục vụ sản xuất và điện sinh hoạt tại các trung tâm thương mại, dịch vụ…
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: Từ 20-6 điện sẽ được cải thiện Đến khoảng ngày 20-6 điện sẽ được cải thiện, dần trở lại mức bình thường. Điện năm nay khó khăn nằm ngoài khả năng của ngành điện. Khó khăn phần lớn là khách quan. Nếu không phải xả nước cho nông nghiệp thì không thiếu điện như hiện nay. Tôi cho rằng ngành điện giải thích chưa tốt, một vài cá nhân, đơn vị ứng xử không phù hợp nên người dân bức xúc. Chúng tôi đã chỉ đạo EVN chấn chỉnh, tìm cách huy động mọi nguồn điện, kể cả điện giá cao, để phục vụ dân. C.V.KÌNH ghi Bình Dương: doanh nghiệp phải thuê máy phát điện Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương khổ sở vì lịch cúp điện hai lần/tuần (mỗi lần từ 6g-22g). Hàng loạt doanh nghiệp phải đổ xô đi thuê máy phát điện. Ông Lê Kim Giàu, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Khang, than: “Cúp điện làm phát sinh chi phí, lịch sản xuất đảo lộn và năng suất của công ty chỉ đạt khoảng 50%. Mỗi ngày bị cúp điện, công ty phải chi hơn 2 triệu đồng tiền dầu nhưng vẫn lo không kịp tiến độ, chậm trễ giao đơn hàng cho đối tác”. Theo nhiều doanh nghiệp, lịch cúp điện chỉ được thông báo trước một tuần khiến doanh nghiệp bị động, vì hầu hết các doanh nghiệp đã ký hợp đồng và sắp xếp lịch sản xuất trước ít nhất sáu tháng. Nhiều doanh nghiệp than khổ nhất là có ngày theo lịch không cúp điện nhưng khi bố trí công nhân làm việc thì lại không có điện, đành cho công nhân nghỉ nhưng vẫn phải trả lương. UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực VN xem xét ưu tiên phân bổ sản lượng điện để đảm bảo cung cấp cho các ngành sản xuất và xuất khẩu. ANH THOA |
Xem xét trách nhiệm Tập đoàn Điện lực VN
Phóng to |
Ông Trần Văn Kiệt - Ảnh: C.V.K. |
Ông Trần Văn Kiệt, ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, đề nghị như vậy khi thiếu điện mà Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không huy động điện từ nhiều nhà máy. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Kiệt bức xúc:
- Thiếu điện nghiêm trọng như hiện nay mà EVN không huy động điện từ những nhà máy có điện là điều không thể chấp nhận được.
* Ông có nhận được phản ảnh của cử tri về việc họ bị cắt điện không?
- Năm nay, việc cắt điện có thể nói là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Người dân cho biết nhiều khi họ bị cắt điện nhưng không được thông báo gì cả. Nhiều nơi điện cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng bị cắt.
* Cục Điều tiết điện lực vừa có báo cáo cho thấy dù thiếu điện, phải cắt điện nhưng EVN không huy động điện một số nhà máy điện chạy dầu vì giá cao. Ông nghĩ thế nào?
- Điện còn độc quyền, EVN chưa khai thác, tận dụng điện một số nơi là quyền của họ. Theo tôi, EVN nói nhà máy điện chạy dầu bán điện giá cao nhưng so với thiệt hại của người dân, doanh nghiệp thì không cao. EVN không huy động điện từ các nhà máy chỉ vì lợi ích của họ chứ chưa nghĩ tới lợi ích của xã hội. Bộ Công thương cần kiểm tra chặt chẽ và có giải pháp đảm bảo điện tốt hơn. Tôi cho rằng nên xem xét trách nhiệm lãnh đạo EVN trong việc này.
* Theo ông, cần ứng xử thế nào với việc cắt điện không báo trước?
- Theo tôi, cần kiểm tra và thực hiện quy định ngành điện phải đền bù thiệt hại nếu cắt điện sai quy định.
C.V.KÌNH thực hiện
● Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị): Không thấy ngành điện đền bù Thiếu điện thì cắt điện, đó là cách giải thích rất hồn nhiên của ngành điện mà chưa hình dung được tác hại nặng nề của việc cắt điện đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đời sống nhân dân. Ngư dân các tỉnh miền Trung đánh bắt hải sản về do mất điện, không có hệ thống làm lạnh, không có đá ướp lạnh, hàng trăm tấn hải sản ươn bán không ai mua, thua lỗ hàng trăm triệu đồng cho một đợt đi biển xa. Nhiều hộ dân từng làm giàu nhờ ấp trứng gà, trứng vịt nay phải thuê xe chở đi chôn hàng vạn quả trứng ấp dở bị hư hỏng do mất điện. Thiệt hại do ngành điện gây ra lớn như vậy nhưng không thấy ngành điện nghĩ đến việc đền bù cho dân! ● Đại biểu Quốc hội Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế): Ngành điện giải thích chưa thỏa đáng Ngành điện giải thích thiếu điện do tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước kéo theo nhu cầu điện tăng thêm; hoặc thiếu điện do nắng nóng, các trạm thủy điện bị thiếu nguồn nước. Theo tôi, giải thích như vậy chưa thỏa đáng, bởi vì tăng trưởng kéo theo nhu cầu sử dụng điện tăng lên đã nằm trong dự liệu rồi. Còn nói hạn hán làm thủy điện thiếu nước thì năm nào cũng vậy, chỉ có năm nhiều năm ít mà thôi, không có gì bất ngờ. Vấn đề là chúng ta có chủ động phát triển nguồn điện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hay không. Khi nói đến hợp đồng mua bán điện giữa ngành điện và khách hàng, chúng ta cứ nghĩ hai bên ngang quyền và phải chịu trách nhiệm về việc phá hợp đồng, nhưng ngành điện cứ cắt điện mà chưa chịu bất cứ một trách nhiệm nào. Tôi xin phép được chất vấn bộ trưởng Bộ Công thương: trách nhiệm của bộ trong việc thiếu điện và lý do chính của việc thiếu điện trong thời gian vừa qua là gì, giải pháp tháo gỡ vấn đề như thế nào? K.HƯNG ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận