Bộ Giáo dục - đào tạo công bố đáp án
Phóng to |
Nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn hóa khá nhẹ nhàng. Trong ảnh: niềm vui của thí sinh sau khi thi xong môn hóa tại HĐT Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Kết thúc giờ thi môn hóa, nhiều thí sinh vui vẻ cho biết đề thi tương đối nhẹ. Phần bài tập tuy có nhiều bài phải tính toán nhiều nhưng không gài bẫy. Thí sinh Lê Minh Trí (dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thái Bình của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) nói nếu so với đề thi năm 2011 thì đề thi năm nay dễ hơn.
Đề thi nhẹ nhàng
"Phổ điểm dự kiến sẽ tập trung chủ yếu ở mức 5-7 điểm. Điểm sàn tuyển sinh năm nay với các ngành thi đợt 1 sẽ cao hơn năm ngoái" |
Tương tự, theo ThS Trần Thị Phương Thảo - giáo viên môn hóa Trường THPT Gia Định TP.HCM, đề thi môn hóa năm nay dễ hơn năm 2010 và năm 2011. Nội dung đề thi có 55% thuộc kiến thức lớp 12, 45% thuộc kiến thức lớp 10 và 11. Đa số câu hỏi phần lý thuyết không đánh đố nhiều như đề thi ĐH năm ngoái. Với đề thi này sẽ có nhiều điểm 9, 10 hơn năm ngoái; dự đoán nhiều điểm 6, 7; học sinh học lực giỏi có thể lấy điểm 8, 9.
Trong khi đó, ThS Đặng Văn Thành - giảng viên khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho rằng đề thi năm nay có tỉ lệ phân bổ giữa lý thuyết và bài tập là ngang nhau. Ở phần lý thuyết, một số câu nếu thí sinh chỉ nhìn vào chất phản ứng mà không xem xét dữ kiện về tình trạng (loãng, đặc) kèm theo sẽ rất dễ chọn phương án sai. Với đề thi này, thí sinh sẽ khó hoàn thành bài làm trong 90 phút. Học sinh trung bình khá có thể làm được 6 điểm, số thí sinh đạt điểm 9, 10 sẽ không nhiều.
Tập trung ở 5-7 điểm
Lần đầu tiên khối A1 được đưa vào thi tuyển sinh và theo nhiều thí sinh dự thi môn tiếng Anh, đề thi khá nhẹ nhàng, chỉ khó phần từ vựng do nhiều từ lạ. Cấu trúc đề quen thuộc và các dạng bài, yêu cầu cũng không khó. Thí sinh Bạch Tường Vy (dự thi tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: nếu so với đề thi ĐH khối D năm trước thì đề thi tiếng Anh khối A1 dễ hơn nhiều. Theo cô Lê Thị Thanh Xuân (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM), đề thi nhẹ hơn đề khối D những năm trước, không có phần nào quá khó. Nếu đánh giá mức độ, đề thi ĐH môn tiếng Anh khối A1 năm nay tương đương hoặc khó hơn một chút so với đề thi CĐ môn tiếng Anh khối D năm 2011. Với đề thi này, học sinh trung bình khá trở lên có thể lấy 7 điểm.
Tương tự, thầy Phạm Thanh Yên - giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa - đánh giá phổ điểm tập trung ở mức 6, 7 sẽ rất nhiều vì học sinh trung bình khá đạt được. Học sinh giỏi có thể đạt được 8 điểm, nhưng để đạt được 10 điểm thì ngoài kỹ năng làm bài thuần thục, kiến thức vững vàng, thí sinh phải biết phân bố thời gian hợp lý. Cùng quan điểm, cô Hồ Thị Mỹ Vân - tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường Trung học thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM - nhận xét với đề thi này thí sinh dễ đạt 6, 7 điểm, nhưng để đạt 10 điểm phải có sự nhạy bén, cẩn thận của thí sinh.
Đánh giá chung đề thi của cả đợt thi đầu tiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng đề thi bốn môn toán, lý, hóa, tiếng Anh đạt được đúng quỹ đạo mong muốn khi phổ điểm không nghiêng về phía điểm số thấp quá hay cao quá, đề không khó quá cũng không dễ quá. “Theo đánh giá chung ban đầu, đề thi có nội dung nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là lớp 12. Dựa trên đề thi thực tế, qua công tác kiểm tra thi và đánh giá của một số chuyên gia, phổ điểm dự kiến sẽ tập trung chủ yếu ở mức 5-7 điểm. Như vậy, điểm sàn tuyển sinh năm nay với các ngành thi đợt 1 sẽ cao hơn năm ngoái” - Thứ trưởng Ga nhận định.
Bị đình chỉ thi vì... nộp điện thoại Tại Trường ĐH Giao thông vận tải sáng 5-7, ở môn thi hóa, khi đã phát đề và bắt đầu tính giờ làm bài, một thí sinh mới chợt nhớ mình vẫn giữ điện thoại trong túi liền đưa lên nộp cho giám thị. Tuy nhiên, thí sinh vẫn bị lập biên bản đình chỉ thi do vi phạm quy chế mang điện thoại di động vào phòng thi. Một trường hợp khác, khi chỉ còn 5 phút nữa là hết giờ làm bài thì chuông điện thoại reo. Thì ra “tai nạn” này là do người nhà canh giờ, tưởng đã hết thời gian thi nên gọi điện hỏi thăm. (Ngọc Hà) Thuê ghế... làm bài thi Sáng 5-7, tại hội đồng thi Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, các thí sinh dự thi môn năng khiếu khối V phải thuê ghế nhựa mang vào phòng thi. Để giúp các thí sinh dự thi chủ động và đỡ kinh phí, các sinh viên tình nguyện của trường mở dịch vụ cho thí sinh thuê ghế với giá 10.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, năm nay còn có thêm “đội ngũ” làm dịch vụ thời vụ này khá đông, cho thí sinh thuê mỗi chiếc ghế 10.000-20.000 đồng, nhưng thí sinh phải đặt cọc 20.000-50.000 đồng/ghế. Sau khi thi xong, thí sinh trả ghế và nhận lại tiền cọc. (TRẦN HUỲNH) Mang dao vào phòng thi dọa để xem bài Đại tá Bùi Nguyên Tiến - trưởng phòng an ninh nội bộ Công an Nghệ An - cho biết tại phòng thi 128, điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi, giám thị coi thi phát hiện thí sinh Trần Văn Cường (sinh 1993, trú tại xã Nam Lâm, huyện Nam Đàn, Nghệ An) mang theo một con dao nhọn dài 20cm vào phòng thi. Các giám thị tổ chức theo dõi chặt chẽ và vẫn để cho thí sinh làm bài xong mới báo Công an phường Quán Bàu đến lập biên bản, sau đó đình chỉ thi đối với thí sinh này. Theo cơ quan công an, thí sinh này mang dao vào phòng thi với mục đích đe dọa thí sinh bên cạnh để thí sinh này phải cho xem bài. (V.Toàn - N.Hà) Đúng giờ nhưng nhầm ngày Trong ngày thi đầu tiên, tại hội đồng thi Trường THPT Tạ Quang Bửu (Q.5, TP.HCM - điểm thi của Trường ĐH Tôn Đức Thắng), một thí sinh đến trường lúc 8g. Do đã quá thời gian quy định nên thí sinh này không được vào thi. Cán bộ hội đồng thi hỏi lý do thì thí sinh cho biết do trong giấy báo dự thi có ghi mời thí sinh đến làm thủ tục lúc 8g nhưng lại tưởng là mời đến thi lúc 8g nên đến trễ. (HÀ BÌNH) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận