15/07/2018 21:18 GMT+7

Dịch vụ chia sẻ phòng có còn hấp dẫn?

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Cùng với sự bùng nổ du khách, trang đặt phòng trực tuyến Airbnb trở thành địa chỉ được nhiều người biết đến trong thị trường lưu trú Việt Nam với sự gia tăng mạnh số lượng phòng cho thuê, trong đó riêng TP.HCM và Hà Nội đã có hơn 16.000 phòng.

Dịch vụ chia sẻ phòng có còn hấp dẫn? - Ảnh 1.

Một du khách quốc tế tại cơ sở cho thuê phòng trên Airbnb tại quận 1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Sự tăng trưởng của dịch vụ cho thuê phòng qua Airbnb khiến sự cạnh tranh ở thị trường này ngày càng gay gắt hơn, không chỉ với khách sạn 3 sao mà còn với các đại lý du lịch trực tuyến (OTA). Tuy nhiên, không phải ai tham gia thị trường này cũng dễ kiếm ăn.

Không còn "trăm trận, trăm thắng"

Với vốn liếng dành dụm được nhờ kinh doanh bất động sản, chị Thùy (quận 2, TP.HCM) bắt đầu hùn vốn với bạn để đi thuê nhà, tân trang thành những căn hộ xinh xắn rồi cho thuê qua dịch vụ Airbnb. 

Sau khi căn hộ trên đường Pasteur (quận 1) được sửa sang và kê thành nhiều giường tầng phục vụ khách du lịch với công suất giường rất ổn, nhóm chị Thùy thuê thêm căn hộ trong tòa nhà này để mở rộng nhưng mọi thứ lại ngoài tầm tính toán. 

"Từ khoảng hùn 800 triệu ban đầu, sau gần 1 năm, vốn bị ăn dần, xem như lỗ" - chị Thùy nói và cho biết chắc mấy tháng nữa chị không làm host Airbnb, rút vốn còn lại.

Anh Tình - chủ hai phòng cho thuê ngay phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 - cũng cho biết vừa phải sang nhượng lại và rút hẳn khỏi kinh doanh cho thuê phòng trên Airbnb để tập trung công việc chính ở một ngân hàng quốc tế. 

"Ban đầu tận dụng phòng trọ còn dư, mọi thứ rất dễ quản lý nhưng khi đầu tư thuê thêm một căn hộ nữa để kinh doanh, chuyện bắt đầu phức tạp hơn, mất rất nhiều thời gian" - anh Tình cho biết.

Dù có lợi thế giỏi tiếng Anh và sành công nghệ nhưng hình thức cho thuê qua Airbnb ngày càng chịu nhiều cạnh tranh từ các host khác, chỉ cần lơ là, không chăm sóc là bị rớt "sao", rồi bài toán làm sao để đầy lịch trong tháng sau... khiến cho nhiều ông/bà chủ nhỏ nhức đầu trong khi công sức bỏ ra nhiều, còn lợi nhuận thu về chỉ có vài triệu đồng/tháng.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, tỉ lệ trung bình của host sở hữu trên 2 listing (hai bất động sản cho thuê) ở Việt Nam khoảng 35%, khá cao so với nước ngoài, nơi chỉ đơn thuần là chia sẻ không gian trống. Ngoài Airbnb đã khá phổ biến, Việt Nam cũng xuất hiện nhiều startup trong lĩnh vực chia sẻ chỗ ở tương tự, tuy mạng lưới còn hạn chế.

Ông Kenneth Atkinson - chủ tịch Grant Thorton - cho biết sự năng động của các cá nhân là lý do giúp việc tận dụng phòng trống để cho thuê trở thành một mô hình đầu tư kinh doanh bất động sản hấp dẫn. 

Tuy vậy, vẫn có tình trạng tư nhân cho thuê không thuận lợi, thua lỗ, thường rơi vào các trường hợp đi thuê căn hộ rồi bắt đầu đầu tư cho thuê Airbnb. Họ không tính toán được mức giá, tỉ lệ lấp đầy phòng... trong khi đây là những yếu tố quyết định lợi nhuận của chủ Airbnb.

Theo ông Kenneth Atkinson, trong năm 2017 có 79 khách sạn cao cấp (3-5 sao) mới được đưa vào hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 10 khách sạn 5 sao, đưa tổng số phòng khách sạn 3-5 sao lên 101.400 phòng, tăng 10% so với năm ngoái. Nhưng Airbnb mới là cái tên đang lên trong thị trường lưu trú, tăng hơn 10.000 phòng tại Hà Nội và TP.HCM.

Ăn phí 2 đầu

Airbnb (viết tắt của cụm từ "AirBed and Breakfast") là một trang dịch vụ đặt phòng trực tuyến, mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch. Hơn 80% khách của các hệ thống Airbnb lớn ở TP.HCM là khách nước ngoài, đó là những người ở lâu dài.

Theo thông tin từ Airbnb, mỗi khách thuê phải chi 10-15%/lần đặt phòng/căn hộ và chủ nhà chi khoảng 3% cho Airbnb, trang trung gian này thu phí hai đầu cho mỗi giao dịch thành công. Giá phòng trên Airbnb ở VN trung bình khoảng 55 USD/đêm, tương đương 1,3 triệu đồng/đêm.

Nhưng là đối thủ của OTA

Ông Michael Robinson - tổng quản lý Caravelle Sài Gòn - cho biết ông vẫn tin rằng các dịch vụ Airbnb không phải là đối thủ cạnh tranh của khách sạn 5 sao. Đối với thị trường Việt Nam, các khách sạn 5 sao không xem Airbnb là trở ngại mà chính các đại lý trực tuyến mới "canh chừng" sự phát triển của mô hình này. Vì khách đặt phòng trực tuyến sẽ thu hút qua Airbnb thay cho vào một trang web trung gian nào đó.

"Sự phát triển của mô hình này ở VN thực sự thú vị vì góp phần làm cho thị trường du lịch VN thêm sôi động và đa dạng lựa chọn cho du khách khi đến đây" - ông Michael Robinson nói. 

Trong khi đó, ông Cheah Kuan - tổng giám đốc Becamex Hospitality - cho rằng nguồn cung phòng từ Airbnb với mức giá rẻ hơn trong thời điểm bùng nổ hiện nay có thể dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá giữa các khách sạn cũng như trong cộng đồng Airbnb.

Nguồn cung khách sạn Việt Nam vẫn đang tăng lên trong khi thị trường Airbnb của Việt Nam quản lý khá lỏng lẻo và tự phát là một thách thức. Vì vậy cần thiết có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý trong quản lý mô hình này. 

Như tại Singapore, không phải tòa nhà nào cũng được phép kinh doanh Airbnb, nhà quản lý chỉ cho phép những căn hộ đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt mới được kinh doanh dịch vụ cho thuê phòng Airbnb, đảm bảo khách có trải nghiệm tốt.

Theo ông Kenneth Atkinson, với mô hình cho thuê căn hộ hoặc chia sẻ phòng trống, dư thừa trong một gia đình, Airbnb thích hợp cho nhóm khách gia đình, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ. "Chất lượng các Airbnb hiện nay ở Việt Nam khá ổn" - ông nhận xét. 

Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường Airbnb cũng đang rất khốc liệt. Chủ nhà muốn tăng "sao" phải cặm cụi chăm sóc từng tin nhắn, lời chào với khách, sắp xếp giá cho thuê để đảm bảo tối ưu nhất công suất phòng, chưa kể phải tìm cách tiết giảm hàng loạt chi phí mà vẫn đảm bảo khách coi lại hạng sao cao.

Ngoài những người rút lui, thị trường này vẫn có thêm nhiều "lính mới" tham gia, trong đó nhiều gia đình tận dụng phòng trống để cho thuê vẫn làm ăn rất tốt. Chị Hiền, host Airbnb ở quận.7, cho biết khách thuê Airbnb nhà chị thường theo dài hạn, chủ yếu là khách Nhật, đặc biệt cuối tuần thường có các hoạt động trao đổi văn hóa rất vui vẻ.

Theo giới kinh doanh cho thuê qua Airbnb, muốn duy trì, người chủ phải đảm bảo tỉ lệ lấp đầy phòng ít nhất 70%. "Tôi có những vị khách rất kỳ lạ, họ ở vài ngày rồi đi tỉnh vài ngày rồi quay trở lại. Họ không muốn trả tiền những ngày đi tỉnh đó nên tôi phải tìm cách lấp phòng bằng cách hạ giá tốt nhất cho những ngày đó" - anh Tình cho biết.

Vẫn thách thức về quản lý thuế

Giống như mô hình kinh tế chia sẻ khác như Grab, Việt Nam cũng đang gặp trở ngại với trang web này về vấn đề thu thuế.

Nhưng theo quy định, dù tổ chức nước ngoài kinh doanh có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì đều được xác định là người nộp thuế.

Cơ quan quản lý thuế thừa nhận rất khó quản lý và thu thuế các cá nhân Việt Nam tham gia kinh doanh trên trang này khi toàn bộ giao dịch được thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet, không cần xuất hóa đơn hay thanh toán bằng tiền mặt.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên