23/06/2004 14:07 GMT+7

Dịch giả Phạm Viêm Phương: "Tôi học cách đọc văn xuôi"

PHẠM VIÊM PHƯƠNG
PHẠM VIÊM PHƯƠNG

TTO - Dịch giả Phạm Viêm Phương là người theo dõi sát những trào lưu văn học nước ngoài, ông đã có hơn 10 năm dịch và nghiên cứu các truyện ngắn Anh, Mỹ. Nói về tập truyện dịch Truyện ngắn phân tích được bạn đọc đón nhận rất nhiệt tình gần đây, ông cho rằng nên đọc truyện cũng như nghe nhạc, cần phải học mới được.

xN7tbX1N.jpgPhóng to
Dịch giả Phạm Viêm Phương
TTO - Dịch giả Phạm Viêm Phương là người theo dõi sát những trào lưu văn học nước ngoài, ông đã có hơn 10 năm dịch và nghiên cứu các truyện ngắn Anh, Mỹ. Nói về tập truyện dịch Truyện ngắn phân tích được bạn đọc đón nhận rất nhiệt tình gần đây, ông cho rằng nên đọc truyện cũng như nghe nhạc, cần phải học mới được.

* Thưa ông, cái cách dịch truyện ngắn, và mỗi truyện đều có phần câu hỏi ở cuối, kiểu như một dạng bài tập văn học như vậy lâu nay không thấy ở ta?

- Đúng rồi, ở ta chưa có loại sách như thế này. Nhưng ở Anh, Mỹ thì có lâu rồi, từ những năm 50 của thế kỷ trước kia, nhưng có điều, đó là những sách ở trong trường đại học của họ.

Tại sao người ta cứ có một nếp nghĩ là: có thể tôi không thể hiểu tranh trừu tượng, tôi không thể hiểu được nhạc Opera, nhạc giao hưởng, chứ truyện ngắn thì chắc chắn là tôi phải hiểu. Tôi cho rằng như vậy thì không đầy đủ và bất công đối với văn xuôi. Văn xuôi cũng cần phải học để hiểu chứ. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta -những người tiếp nhận nghệ thuật phải đi học. Anh muốn hiểu nhạc giao hưởng à, đi học đi. Vậy thì, anh muốn hiểu truyện ngắn à, đi học đi.

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải học nhiều, mới có thể đọc được truyện ngắn. Còn đối với nhà văn thì càng cần phải học. Học để biết mà tránh, mà vượt qua, chứ không phải học để bắt chước. Thế giới ngàn năm sau chắc vẫn còn ca ngợi Pautovsky, nhưng sẽ không có một ai viết như Pautovsky nữa cả. Như vậy mới là sáng tạo chứ. Thế thì, nếu không học, làm sao biết được như thế nào là văn Pautovsky mà vượt qua, đi tiếp. Tôi nhớ có nhà học giả ở ta nói thế này: “Văn chương dễ dãi cũng giống như sirô dễ uống vậy, có giá trị gì đâu”.

* Theo ông thì những sách văn học theo kiểu trong nhà trường của Anh, Mỹ cũng nên phát hành rộng rãi ở ta?

- Tôi thấy điều đó cần thiết chứ. Ở nước ngoài, nhà văn học rất nhiều, và người ta cũng học văn rất nhiều. Hiện nay, các trường đại học ở Mỹ vẫn còn các giáo sư dạy “mổ xẻ” truyện ngắn như thế này.

* Hiện nay, trong một thế giới sách truyện nhiều và đi đôi với nhiều là rối loạn đến hoa mắt, làm sao để bắt đầu nhận biết các tác phẩm cần phải đọc và tiếp cận từ đâu?

- Cái này cũng như mọi ngành nghệ thuật khác. Phải đi tìm học, tự trang bị kiến thức rồi thì sẽ có khả năng thưởng ngoạn thôi. Nếu không biết nhạc, thì đi tìm học nhạc, học đến khi nghe được nhạc giao hưởng, tức là đã có khả năng thưởng thức nhạc giao hưởng rồi.

Với việc học cách đọc văn chương, ở mình hơi khó, vì đến nay ở VN đâu đã có quyển lịch sử truyện ngắn nào đâu mà đọc để biết được trình độ phát triển của truyện ngắn thế giới hiện đã đi đến đâu; các khuynh hướng, luận thuyết, chủ nghĩa… trong truyện ngắn đã phát triển đến mức nào cũng không ai biết. Vậy thì phải tự tìm mà học thôi.

* Đến với văn chương như vậy thật khó, ông nghĩ sao về tình hình lười đọc hiện nay?

- Trong thế giới nghe nhìn, người ta đến với các phương tiện nghe nhìn thì tiện hơn, dễ dàng hơn. Trong một thế giới như vậy, người ta sẽ tiếp nhận nhiều thông tin nhưng không cấu thành kiến thức được. Và phản xạ đọc do đó cũng bị mòn dần đi.

Nhưng trước tình trạng này, ở các nước người ta dạy trẻ con trong trường đọc ghê lắm. Bằng chứng là Harry Potter dày 900 trang mà trẻ con vẫn xếp hàng đợi mua. Trong khi ở mình một quyển 900 trang đó phải chẻ ra làm mấy chục quyển, trẻ con mới “tiện đọc”.

Theo tôi, lười đọc là do lười suy nghĩ, mà người lười suy nghĩ là do thiếu một nền tảng triết học.

PHẠM VIÊM PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên