09/11/2020 14:34 GMT+7

Dịch giả, cựu binh chiến trường K Nguyễn Thành Nhân đột ngột ra đi ở tuổi 57

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Đồng đội khắp cả nước và đồng nghiệp, bạn văn đều bàng hoàng khi hay tin nhà văn, dịch giả, cựu binh chiến trường K Nguyễn Thành Nhân đột ngột qua đời vào tuổi 57.

Dịch giả, cựu binh chiến trường K Nguyễn Thành Nhân đột ngột ra đi ở tuổi 57 - Ảnh 1.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân (trái) trong lần ra mắt sách tại Đường sách TP.HCM - Ảnh: L.ĐIỀN

Mọi người vẫn chưa quên dáng vẻ hiền lành của dịch giả Nguyễn Thành Nhân trong những lần gặp gỡ bạn văn.

Mới năm ngoái, lần ra mắt hai dịch phẩm mới nhất của anh tại Đường sách TP.HCM, Nguyễn Thành Nhân đã rất tương hợp với nhà giáo Nhật Chiêu trong những chiêm nghiệm về tác phẩm của Thomas Hardy và Virginia Woolf.

Lần đó, Nguyễn Thành Nhân ra mắt hai bản dịch "khủng" là Trở lại cố hương của Thomas Hardy và Căn phòng của Jacob của Virginia Woolf. Đó chỉ là những ấn phẩm mới nhất trong số gần 30 đầu sách dịch mà Nguyễn Thành Nhân miệt mài làm việc suốt bao năm.

Ngoài dòng văn chương kinh điển với các tác gia nổi tiếng, Nguyễn Thành Nhân còn "húc đầu" vào các tác phẩm quan trọng thuộc lĩnh vực triết lý sống như các công trình của Robert Greene: 48 nguyên tắc chủ chốt của quyền lực, hay dịch phẩm đồ sộ mới đây là Những quy luật của bản chất con người (cả hai đều do NXB Trẻ ấn hành)

Thông tin từ gia đình cho hay anh ra đi trong lúc ngủ, vào khoảng 21h tối 7-11, "khi laptop của anh vẫn mở như đang làm việc". Như vậy, dịch giả Nguyễn Thành Nhân đã đi qua bao giông bão của thời cuộc, bao thăng trầm của đời mình, và phút cuối ra đi rất nhẹ nhàng như tạm rời công việc để đi đâu đó một chút.

Ngoài dịch thuật, nhiều bạn đọc biết đến Nguyễn Thành Nhân là tác giả của tiểu thuyết Mùa xa nhà như một tự truyện viết về chiến trường K - nơi anh dấn thân vào ngay khi vừa rời ghế nhà trường. Mùa xa nhà cũng vừa được tái bản năm 2019 trong đợt kỷ niệm tròn 40 năm chiến tranh trên hướng Tây Nam.

Năm 2018, Nguyễn Thành Nhân cũng đã có một tập truyện gây ấn tượng: Nhà văn già và em mọi nhỏ. Ở góc độ sáng tác, Nguyễn Thành Nhân khéo léo sử dụng những cảm quan, trải nghiệm của một người đi qua chiến tranh và lăn lộn với đời sống thời hậu chiến để nói lên suy nghĩ của thế hệ trẻ đương đại.

Mới tuần trước, trong lúc gặp chóng vánh nơi lề đường Trần Quốc Thảo, dịch giả Nguyễn Thành Nhân còn hào hứng cho biết anh vừa hoàn tất một bản dịch. "Đã được nhà xuất bản đưa vào kế hoạch năm tới" - anh nói trong vui vẻ.

Vậy mà, nay thì anh không kịp xem đứa con tinh thần của mình ra mắt bạn đọc. Anh cũng không kịp bắt tay chào các cựu binh đồng đội khắp vùng miền đang bần thần khi hay tin và chỉ biết gửi đến anh chút lòng yêu mến qua những trang cá nhân và lời tâm sự trong các cuộc nhóm họp.

nguyen_thanh_nhan

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân (1964 - 2020) - Ảnh: L. ĐIỀN

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân sinh năm 1964 tại TP.HCM; vào tháng 3-1984, anh thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Năm 1987, anh xuất ngũ về làm bảo vệ tại sân vận động Thống Nhất. Tiếp đó, anh đi học ĐH Luật và tốt nghiệp năm 1994. Vào năm 2005, anh nghỉ việc, bắt đầu tập trung vào sáng tác và dịch thuật.

Linh cữu Nguyễn Thành Nhân quàn tại nhà riêng (29 Lê Trực, P.7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM). Lễ động quan diễn ra lúc 7h ngày 10-11; sau đó sẽ di quan đến Bình Hưng Hòa (TP.HCM) hỏa táng.

Nhà văn già và em mọi nhỏ: Cảm hứng hậu chiến và ngã ba lập thân Nhà văn già và em mọi nhỏ: Cảm hứng hậu chiến và ngã ba lập thân

TTO - Có thể nhận thấy tác giả Nguyễn Thành Nhân đã từ những chìm nổi của chính mình để đặt ra trước bạn đọc hôm nay một vấn đề chung: Mỗi thanh niên trước ngã ba đường tự lập thân.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên