25/07/2019 12:06 GMT+7

'Để trả lời cho cả thế giới rằng: Chúng tôi không xâm lược Campuchia!'

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Đây là lời tâm sự chân tình của nhà văn, nhà biên kịch, cựu binh Đoàn Tuấn tại buổi ra mắt loạt sách về chiến tranh trên hướng Tây Nam.

Để trả lời cho cả thế giới rằng: Chúng tôi không xâm lược Campuchia! - Ảnh 1.

Bốn tác phẩm về chiến tranh biên giới Tây Nam vừa ra mắt độc giả - Ảnh: L.ĐIỀN

Bốn tác phẩm của ba tác giả từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Campuchia: Đoàn Tuấn với Mùa chinh chiến ấyMùa linh cảm; Nguyễn Thành Nhân với Mùa xa nhà; Nguyễn Vũ Điền với Rừng khộp mùa thay lá.

Bốn tập sách có điểm chung là "mùa", nói như một giáo sư ngôn ngữ: từ "mùa" trong tiếng Việt là khái niệm chỉ không gian xác định mà không xác định, chỉ thời gian cụ thể mà không cụ thể. Đây cũng chính là cái tứ để nhớ lại một cuộc chiến tranh cách nay tròn 40 năm.

Buổi giao lưu còn có mặt hai cựu binh chiến trường K quen thuộc là nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu. Câu chuyện chiến tranh chảy tràn trong dòng tâm sự của những người từng là lính viễn chinh nay gặp nhau, đã khiến buổi ra mắt sách trở thành một cuộc mạn đàm đầy ngẫu hứng nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Ghê gớm nhất vẫn là nỗi ám ảnh chiến tranh, trong nhiều đêm tôi ngủ vẫn nghe thấy tiếng đạn nổ trong mơ. Bạn tôi có người nằm ngủ nghe tiếng pháo đón dâu nhà hàng xóm đã giật mình lăn xuống giường vì cứ ngỡ tiếng đạn ở chiến trường.

Nhà văn Đoàn Tuấn

Người lính trở về: mất mát đau thương và... những cái được

Nhà văn Đoàn Tuấn như thoát khỏi hai tập sách ngồn ngộn chất sống, dày đặc tư liệu và chứa chan cảm xúc là Mùa chinh chiến ấyMùa linh cảm, ông nói về sự trở về đầy gian nan của người lính để hòa nhập với thế giới đời thường.

Đây là phần đời chưa kể trong sách, nhưng nó chính là mối dây để những trang sách này tượng thành. "Từ chiến trường trở về, tôi thấy sao ngôi nhà mình... chật quá. Bao năm lăn lộn ở rừng, tầm nhìn xa, không gian rộng quen rồi, trở về tự thấy ngột ngạt trong chính ngôi nhà của mình...".

Với nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân, chiến tranh đã biến anh từ cậu học sinh ngây thơ vừa ra trường thành một người sắt thép chai lì và tính tình thay đổi hẳn.

Với Nguyễn Vũ Điền, ngoài những bức bối đời thường khi rời chiến trường về học trường quân sự, chiến tranh vẫn đeo đẳng theo ông với nỗi ám ảnh về cái chết của một đồng đội là lính hỏa lực. "Anh ta bị một quả B41 rơi xiên từ lồng ngực xuống hông..., chúng tôi phải mò tìm giấy tờ trong hai túi áo anh giữa thi thể không còn nguyên vẹn...".

Làm sao còn ngây thơ nữa khi mình tận mắt chứng kiến đồng đội mình bị giết, ngã xuống trước mặt mình, và mình cũng lao vào cuộc chiến với tất cả sự khốc liệt không tránh khỏi.

Nhà văn Nguyễn Thành Nhân

Những mất mát ở chiến trường là không gì đo đếm xuể, ngay cả trong ký ức của những cựu binh ở đây, cũng cuồn cuộn trở về không dừng lại được. Đó là những nghĩa trang chỉ chôn toàn chân tay của những người lính, không hề có bia mộ.

Đó là trùng điệp bạt ngàn mộ liệt sĩ trên khắp nhiều vùng của Campuchia với rất nhiều trường hợp không xác định được danh tính.

Đó là trường hợp đồng đội của Đoàn Tuấn, bị địch "cắt mất chiếc đầu và đem đi đâu mất", nhưng điều đó vẫn chưa ám ảnh ông bằng khi trở về gặp lại vợ của người bạn ấy. "Chị vợ cứ hỏi tôi, có cách nào tìm lại được cái đầu cho chồng em không, bao năm nay em bị chứng đau đầu không chữa được"...

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng những người lính may mắn bước ra từ chiến tranh cũng nhận về mình nhiều "cái được". "Trước hết là tính bướng bỉnh", Đoàn Tuấn thừa nhận.

Một cái được nữa theo ông là người lính vô nhiễm với những thói lăng nhăng ngoài đời, điều này cũng như tâm niệm của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu khi "điểm danh đồng đội": mặc áo lính phải sống cho ra là lính.

Đồng thuận với điều này, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng cái được nhất của chiến tranh đối với anh là "khi trở về từ chiến trường cho đến mãi sau này, mỗi khi nhớ lại quãng đời tuổi trẻ ở chiến trường, tôi lại thấy thương tuổi trẻ của mình, thương Tổ quốc mình và thương cho bao đồng đội tôi nữa. Tình cảm ấy như có sức mạnh, khi tôi làm một việc gì, nhớ lại quãng đời ấy, lại thấy như tình cảm kia có sức mạnh điều chỉnh hành vi của mình".

Những điều đó như không tan đi được, nó còn mãi trong tôi, và tôi viết như một cách trả nợ đồng đội mình.

Nhà văn Nguyễn Vũ Điền

Mỗi trang viết là nén nhang tri ân đồng đội

Trong dòng cảm xúc của buổi ra mắt sách cận kề ngày tưởng niệm thương binh liệt sĩ 27-7, ông Dương Thành Truyền - đại diện NXB Trẻ - phát biểu rằng đến nay, những trang viết về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam hãy còn quá ít, "nhưng 40 năm cũng đã đủ để nói về nó một cách đầy đủ và không nên để điều gì bị lãng quên".

Bạn đọc sẽ nhận thấy những trang viết trong loạt sách này rất nhiều chất sống và cái chết. Những cái chết được người lính chứng kiến, ám ảnh, thôi thúc đến mức buộc phải cầm bút viết ra như Đoàn Tuấn.

Với Nguyễn Thành Nhân, viết Mùa xa nhà như là một quá trình tự giải thích chiến tranh, trước hết là cho chính mình. Ông thừa nhận phải mất mười năm sau cuộc chiến, ông mới hiểu tại sao mình lại có mặt ở chiến trường K, tại sao đất nước lại gánh chịu một cuộc chiến tranh éo le như vậy.

Giờ đây, những người cựu binh Sư đoàn 5 của ông vẫn nhớ như in trận đánh khốc liệt ngày 29-11-1986, tổn thất lớn, có khi cả một đại đội bị xóa sổ. Và đến nay, hằng năm vào dịp 29-11, những người cựu binh đều tổ chức họp mặt thắp hương tưởng nhớ đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống để cho những người may mắn trở về.

Và Nguyễn Vũ Điền, người cựu binh nay sống tận Sơn La, tác giả tập sách Rừng khộp mùa thay lá, nỗi đau đáu trong ông vẫn là những đồng đội đã ngã xuống. Ông nhớ mãi người bạn cứ nhắc đi nhắc lại rằng khi ra quân trở về, anh ta chỉ có niềm ao ước là được mắng hai đứa con "cho đã thèm", anh nhắc đi nhắc lại điều mong ước "mắng con" ấy, nhưng rồi anh hi sinh...

"Những điều đó như không tan đi được, nó còn mãi trong tôi, và tôi viết như một cách trả nợ đồng đội mình" - tác giả Nguyễn Vũ Điền tâm sự.

"Chúng tôi không xâm lược Campuchia"

bien gioi tay nam 24

Nhà văn Đoàn Tuấn chia sẻ việc viết sách còn là "để trả lời cho cả thế giới rằng: chúng tôi không xâm lược Campuchia".

Ở phương diện này, câu trả lời có khi chính bằng sự hiện diện của người trong cuộc, như chính ông Nguyễn Vũ Điền khi còn ở trên đất chùa tháp, đã gặp một bà mẹ Khmer nằng nặc nhận Nguyễn Vũ Điền - một anh lính VN - làm con nuôi. Những tình cảm quân dân, tinh thần nghĩa vụ quốc tế vô vụ lợi... là những câu trả lời thuyết phục từ những trang sách này.

Nói như nhà thơ Lê Minh Quốc, chúng ta đã có những dòng văn học thời chống Pháp, chống Mỹ, nhưng để hiểu về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, không thể không đọc loạt 4 tác phẩm này.

Nhà thơ Lê Minh Quốc gợi ý: "Tôi nghĩ từ phía Hội Nhà văn VN hoặc Hội Nhà văn TP.HCM nên tổ chức dịch tác phẩm này ra tiếng Campuchia hoặc Anh ngữ để phát hành rộng trong khu vực, cũng là để bạn bè quốc tế đọc văn ta và hiểu tấm lòng ta".

Hôm nay, ‘Ngày uất hận’ ở Campuchia Hôm nay, ‘Ngày uất hận’ ở Campuchia

TTO - 'Ngày uất hận' mà người dân Campuchia thường ghi nhớ hằng năm vào ngày 20-5 năm nay đã chính thức được gọi là 'Ngày tưởng niệm quốc gia' và được coi là một ngày nghỉ lễ của toàn quốc.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên