11/03/2018 09:30 GMT+7

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước

NGỌC DIỆP thực hiện
NGỌC DIỆP thực hiện

TTO - Đi tìm Phong là câu chuyện của Phong, một thanh niên đã quyết định chuyển giới để được là chính mình. Vợ chồng Thảo và Swann đã cầm máy quay theo Phong suốt ba năm, trở thành người chứng kiến toàn bộ quá trình chuyển đổi đầy khó khăn này.

Trong khi Trần Phương Thảo đang loay hoay chưa biết làm gì khi bước chân vào nghiệp làm phim độc lập, chị gặp Swann Dubus.

Swann Dubus và Trần Phương Thảo đã hợp thành một ê-kíp làm phim độc lập lý tưởng mà bất cứ nhà làm phim độc lập nữ nào cũng mong được như vậy. Họ đã kết hôn, có con, đồng hành với nhau trong dự án phim tài liệu Trong hay ngoài tay em, Đi tìm Phong.

Mới đây vợ chồng Thảo - Swann đã trở về Pháp, quê hương của Swann, phát hành bộ phim Đi tìm Phong. Bộ phim đã trụ rạp gần một tháng tại Pháp nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của nhà phát hành, và cũng nhờ sức hút của bộ phim.

Trần Phương Thảo cho biết dù phát hành tại Pháp, chị vẫn khao khát được gặp khán giả Việt tại đây.

Trailer phim "Đi tìm Phong"

Hóa ra bọn mày cởi mở hơn bọn tao

* Chị gặp Phong thế nào?

- Phong là bạn của ông chủ Hanoi Cinematheque. Ông ấy là người bạn tâm giao suốt thời gian Phong học Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Dù không biết tiếng Việt nhiều, nhưng ông ấy luôn lắng nghe câu chuyện của Phong. Tuy vậy ông ấy chưa phải cú hích khiến Phong quyết định chuyển giới.

Cú hích khiến cậu ấy thay đổi là lần tham gia buổi trình diễn của người chuyển giới. Hôm đó có chị Lê Duy đã đứng lên nói "tôi vô cùng hối hận…", sau câu nói đó là sự im lặng kéo dài, "… vì đã không làm việc đó sớm hơn".

Sự khám phá xã hội của Phong khá phức tạp hơn, từ tò mò, hiếu kì, rồi đến cởi mở.

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước - Ảnh 2.

Phong trong Đi tìm Phong

* Phong đã rất bối rối về giới tính của mình, còn nhà làm phim trước một đề tài như thế này thì sao?

- Tôi biết về người chuyển giới vào năm 2005, khi một người bạn làm phim Hành trình cãi Mụ, nói về quá trình của một người chuyển giới trong việc thay đổi về giấy tờ.

Tôi nghĩ rằng, sự phân biệt về giới chỉ cần thiết khi bảo vệ quyền về mặt pháp lý thôi. Còn giữa quan hệ con người với nhau, sự phân biệt không cần thiết.

Ở mình quan điểm phân biệt lưỡng giới rất rõ ràng, chi phối đến việc hiểu về cộng đồng LGBT. Khi tôi làm việc với Swann, một người nước ngoài, tôi thấy anh có cách hiểu rất rõ ràng, tư duy logic hơn hẳn mình.

Đơn cử người Việt mình vẫn nghĩ người lưỡng giới yêu cả nam và nữ là lăng loàn chẳng hạn. Swann lại nghĩ khác hẳn, anh ấy nói người lưỡng giới có quyền bị thu hút bởi cả nam và nữ cho đến khi họ xác định được đâu là người yêu của mình. Còn lăng loàn là vấn đề thuộc về tính cách, chứ không phải bản chất giới của họ.

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước - Ảnh 3.

Phong trong phim tài liệu "Đi tìm Phong"

* Dẫu vậy thì xã hội Việt Nam có vẻ đã chấp nhận sự công khai của cộng đồng LGBT dễ dàng hơn?

- Khi chúng tôi chiếu ở Pháp, khán giả Pháp đã nói "hóa ra bọn mày cởi mở hơn bọn tao". Vì họ đã nhìn thấy gia đình nhân vật Phong, dù ngay cả khi chưa kịp hiểu vấn đề của con, đã kịp chấp nhận và yêu thương con vô điều kiện.

Bố Phong là người đã tham gia hai cuộc chiến, đã nhìn thấy bao nhiêu cái chết, nên hiểu con người hơn. Các anh chị của Phong đã giúp đỡ cậu ấy rất nhiều, sẵn sàng chịu đựng những giai đoạn biến đổi của cậu ấy cho đến khi cậu ấy thực sự bình tĩnh là chính mình.

Khi Phong đi học đại học xa nhà, ngày nào cha mẹ cũng gọi điện hỏi han con. Có lẽ vì thế mà khi Phong giữ được mình.

Có những trường hợp gia đình không bảo vệ được, họ sẽ thử hết mọi cung bậc, chấp nhận mọi rủi ro cho đến khi quyết định mình sẽ là ai.

Phong còn rất may mắn khi nhận được sự hỗ trợ y tế từ bệnh viện phẫu thuật chuyển giới với gói chi phí từ 8.000 - 12.000 USD.

Lúc chiếu ở Pháp, rất nhiều người Pháp đã tới hỏi kinh nghiệm phẫu thuật của Phong vì nước Pháp dù có hệ thống y tế rất tốt, nhưng quá trình để giúp một người chuyển giới rất phức tạp.

Nhiều gia đình có điều kiện ở Pháp đã sang Thái Lan thực hiện phẫu thuật. Khi chúng tôi theo Phong sang Thái Lan thì thấy quả nhiên ở đây là cả một ngành công nghiệp về sắc đẹp, họ không có định kiến.

Xem miễn phí phim tài liệu về chuyển đổi giới tính Xem miễn phí phim tài liệu về chuyển đổi giới tính

TTO - Nhân tháng tự hào của cộng đồng những người đồng tính, song tính, và chuyển giới (LGBT Pride Month), trung tâm Hoa Kỳ tổ chức chiếu miễn phí phim tài liệu Hành trình cãi Mụ.

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước - Ảnh 5.

Cảnh phim Đi tìm Phong

Họ phải biết vì sao họ đồng ý vào phim

* Trong phim có cảnh Phong phô bày thân thể của mình trước gương. Làm cách nào nhân vật thoải mái với những cảnh như thế?

- Khi nhân vật chấp nhận vào phim, họ biết một lúc nào đó cuộc sống của họ sẽ được phô bày. Sâu thẳm trong họ phải biết vì sao họ đồng ý vào phim.

Khi chấp nhận làm việc với nhau, cả hai bên đều muốn phim phải hay. Chúng tôi đã thảo luận với nhau, những vấn đề của chuyển giới là sự thay đổi cơ thể, thay đổi tâm lý, thay đổi cái nhìn của xã hội lên mình.

Do đó rất cần có một cảnh quay cho thấy sự thay đổi cơ thể của Phong. Phong đã chọn cách dùng máy ghi nhật kí hàng ngày để tự quay mình trước gương. Khi xem cảnh này chúng tôi đã rất buồn cười và cảm động.

Bởi vì Phong thực sự làm chủ được cái nhìn mà cậu ấy muốn mọi người nhìn lên mình. Nhưng trong quá trình quay bất ngờ có cuộc gọi của mẹ. Bất ngờ đó phá vỡ dự định của Phong, nhưng lại là chi tiết rất thú vị cho phim.

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước - Ảnh 6.

Trần Phương Thảo tham dự Liên hoan Berlin năm 2016 - Ảnh: Đại sứ quán Đức tại Hà Nội

* Nhà làm phim nào cũng ham chi tiết hay, trước những chi tiết nhạy cảm, gai góc, lựa chọn của chị thế nào?

- Khi làm phim Đi tìm Phong tôi phải cực kì cẩn thận vì cũng phải nghĩ xa hơn, không biết năm năm sau bạn trai của bạn ấy sẽ cảm thấy thế nào khi xem bộ phim này.

Tôi đã từng đưa cho một người bạn thân tín xem cảnh Phong phô bày cơ thể trước gương và họ kêu là phản cảm. Nhưng đó lại là cảnh tôi thích nhất. Tôi vẫn quyết định dùng vì tôi nghĩ rằng, có rất nhiều bạn giống tình trạng của Phong sẽ nhận diện được mình trong đó.

Đây là bộ phim dành cho người chuyển giới, phản ánh sự thay đổi dần về nhận thức. Theo một cách nào đó phim là một hướng dẫn, cung cấp thông tin, gợi mở để người xem suy nghĩ. Chứ tuyệt đối tôi không muốn bộ phim quảng cáo cho việc đi phẫu thuật chuyển giới.

Vì nhận dạng về giới là vấn đề phức tạp của xã hội nhưng cũng là vấn đề của cá nhân. Mỗi người có một hoàn cảnh rất khác nhau. Trường hợp của Phong không thể áp dụng cho những người khác.

Tôi rất cân nhắc trước những tình huống căng thẳng của Phong và gia đình, có nên quay hay không? Máy quay của mình sẽ khiến cho mọi việc tốt hơn hay tồi tệ hơn? Có lúc tôi đã quyết định không quay.

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước - Ảnh 7.

Phong và nhà làm phim Swann Dubus - Ảnh: NVCC

Hiện thực cho quá nhiều kịch tính và sự hài hước

* Swann đã ở Việt Nam nhiều năm nay cùng chị làm phim. Việt Nam là một mỏ đề tài về phim tài liệu. Anh ấy có bị hấp dẫn bởi điều đó?

- Chẳng biết là rủi ro hay là thuận lợi của Swann nữa (cười). Anh ấy chưa bao giờ nghĩ sẽ đến sống ở châu Á. Chỉ biết là khi lấy vợ Việt Nam anh ấy đã sống lâu dài ở đây, cũng phải chịu tất cả những vấn đề của người nhập cư.

Nhưng chúng tôi cũng đều nhận thấy riêng ở miền Bắc, khi đề nghị mọi người trở thành nhân vật trong phim tài liệu, họ cự tuyệt, nhưng khi đã cam kết làm thì họ rất tự tin với máy quá, họ rất hào phóng về hình ảnh cho chúng tôi.

Hiện thực cho quá nhiều kịch tính, sự hài hước, có khả năng lay động khán giả. Swann rất thích Việt Nam ở sự hồn nhiên, rất bản năng với hình ảnh.

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước - Ảnh 8.

Nhà làm phim độc lập Trần Phương Thảo - Ảnh: NGỌC DIỆP

* Chị gặp Swann trong hoàn cảnh nào?

- Khi tôi đưa phim Giấc mơ công nhân tới Liên hoan phim Cinéma du Réel 2007 ở Pháp tôi đã gặp anh ấy. Cả hai người cùng tuổi, phim của anh ấy cũng làm về công nhân nữ ở Madagascar, nên chúng tôi đã trò chuyện cùng nhau.  

Rồi anh ấy tổ chức trại sáng tác ở Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM và tôi được mời làm phiên dịch. Chúng tôi khởi đầu từ đó.

Sau khi làm Giấc mơ công nhân tôi nhận được lời đề nghị rất hấp dẫn của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, về làm ở bộ phận hợp tác văn hóa, và chỉ làm nửa ngày, để còn thời gian cho tôi làm phim.

Nhưng chính một giảng viên người Pháp rất có kinh nghiệm đã nói ông lo công việc này khiến tôi sẽ không thể làm phim được nên tôi từ chối cơ hội này.

Một năm ròng, xã hội Việt Nam có quá nhiều thứ diễn ra, không hiểu sao tôi cứ loanh quanh không làm được cái gì. Đến khi làm việc với Swan, tôi mới chính thức có phim độc lập.

Đi tìm Phong và hiện thực quá nhiều kịch tính cộng hài hước - Ảnh 9.

Đạo diễn Trần Phương Thảo

* Swann bổ sung cho chị điều gì?

- Thời gian làm bộ phim Trong hay ngoài tay em về vấn đề HIV. Đặc thù của đại dịch HIV ở Việt Nam đến từ việc sử dụng heroin, rất khác với ở Mỹ, Pháp. Swann là người rất am hiểu về vấn đề này.

Swann tư duy kiểu phương Tây, rất lý trí, có khoảng cách nhất định với nhân vật chứ không duy tình như mình. Đó là lý do anh ấy luôn tìm ra những kẽ hở trong thông tin nhân vật cung cấp. Swann cũng rất giỏi khi trò chuyện với nhân vật, khiến nhân vật chia sẻ.

Tôi đã học được cách khảo sát khi đi cùng Swann. Chúng tôi đã khảo sát hơn 100 người mới tìm ra nhân vật. Bình thường mình sẽ thất vọng nếu các nhân vật không đồng ý, nhưng đi với Swann mình hiểu quá trình khảo sát này rất quan trọng, vì giúp nhà làm phim tài liệu tích lũy kiến thức.

Mọi người cứ nghĩ làm phim tài liệu rẻ tiền là không đúng đâu. Đúng là rẻ hơn phim truyện rất nhiều, giá nào ở Việt Nam cũng làm được hết.

Nhưng thực tế một sản phẩm tốt bao gồm rất nhiều công lao tìm hiểu của người làm phim nhiều năm. Trong thời gian đó họ cũng không thể sống bằng nước lã, khí trời.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Chúc anh chị sẽ có thêm nhiều bộ phim trong tương lai.

Nhà làm phim Trần Phương Thảo tốt nghiệp Đại học Ngoại thương tại Hà Nội. Năm 2011, Trần Phương Thảo đi du học Pháp với khát khao được làm phim.

Chị học thạc sĩ báo chí và truyền thông tại Institutes of Political Studies of Paris và lấy bằng thạc sĩ đạo diễn phim tài liệu tại University of Poitieres (Pháp).

Chị đã làm các bộ phim tài liệu Giấc mơ là công nhân, giành giải thưởng Pierre and Yolande Perrault tại Liên hoan phim Cinéma du Réel 2007; Trong hay ngoài tay em giành giải thưởng dành cho phim quốc tế tại Liên hoan phim DMZ Doc Korea 2011; Đi tìm Phong giành giải thưởng lớn Nanook - Jean Rouch Grand Prix tại Liên hoan phim Jean Rouch 2015.

Hiện chị đang là giảng viên của trung tâm phim tài liệu Varan Việt Nam.

Chồng của chị là nhà làm phim người Pháp Swann Dabus là người dựng phim, quay phim trong các bộ phim của Trần Phương Thảo. Bộ phim Đi tìm Phong của cặp vợ chồng này được phát hành tại Pháp ngày 14-2 và hiện vẫn tiếp tục trụ rạp.

NGỌC DIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên