28/07/2010 05:28 GMT+7

Đi tìm dấu vết thú rừng

ĐOÀN TỪ DUY - TRUNG TÂN
ĐOÀN TỪ DUY - TRUNG TÂN

TT - Trong một tuần (từ ngày 19 đến 25-7), ở độ cao trên 1.000m, mặc mưa rét và vắt rừng, hơn 20 thành viên của đoàn “thám hiểm” đã lùng sục khắp dãy núi Chư Yang Sin (Krông Bông, Đắk Lắk) để săn tìm dấu vết thú rừng.

xzG3djiI.jpgPhóng to
Đoàn nghiên cứu thường xuyên phải vượt qua những đoạn đường nguy hiểm như thế này - Ảnh: TRUNG TÂN

Những người “thám hiểm” gồm các nhà khoa học thuộc đoàn nghiên cứu của Trường đại học Tây nguyên, nhân viên kiểm lâm trạm 3 Hạt Kiểm lâm Chư Yang Sin và người dân địa phương... Họ cùng nhau thực hiện một chuyến thám hiểm dài ngày trong rừng sâu nhằm xây dựng một bản đồ phân bố các loài động vật của Đắk Lắk phục vụ việc bảo tồn, học tập và du lịch sinh thái.

Vừa vượt núi vừa cứu hộ voọc

46 loài thú được ghi nhận

Vườn quốc gia Chư Yang Sin có tổng diện tích 58.947ha, có đỉnh núi Chư Yang Sin (2.442m) cao nhất hệ thống núi cao cực Nam Trung bộ. Vườn là nơi bảo vệ mẫu chuẩn các hệ sinh thái rừng trên núi cao Tây nguyên, bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài đặc hữu và quý hiếm.

Lợi ích của vườn là cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương; bảo vệ rừng đầu nguồn sông Sêrêpôk, Mekong, điều hòa và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp...

Hiện tại vườn quốc gia Chư Yang Sin có 876 loài thực vật (143 loài đặc hữu VN, 54 loài có tên trong sách đỏ VN), 203 loài chim, 46 loài thú được ghi nhận có mặt ở đây.

Hành trình vượt núi để đến được điểm đóng lán đầu tiên gần chục cây số đường rừng mới thật sự là thử thách khủng khiếp. Những con dốc cao, có khi lên đến 60-70 độ mà chỉ có một con đường mòn nhỏ len lỏi giữa cây lá um tùm.

Những đoạn đi bằng đường đồng mức (cũng là đường đi của thú) cheo leo vách núi mà bề rộng chỉ khoảng 15cm như thử thách sự tập trung của chúng tôi khi chỉ cần sẩy chân sẽ rơi xuống vực sâu. Đó là chưa kể nỗi sợ về vắt lá luôn rình mò chui vào người hút máu.

Vừa qua dốc Lồ Ô thì kiểm lâm viên tên Khanh phát hiện ra hai người lạ mặt đang ôm một con thú rừng ở phía trước. Nhanh như chớp, cùng một đồng nghiệp khác Khanh vượt lên và giữ lại được một người đàn ông đang ôm con voọc chà vá chân đen khoảng 3 tháng tuổi, một con rắn hổ mang chúa nhét trong nồi cơm đi rừng bé xíu của thợ săn.

Các kiểm lâm viên đã yêu cầu người thợ săn trộm này phải thả ngay con rắn hổ mang chúa về lại rừng. Vừa ra khỏi nồi, dù vẫn còn lừ đừ vì bị bịt kín lâu ngày trong bao đựng thuốc súng, nhưng con rắn nhanh chóng trườn vào một kẽ đá trốn biệt.

Con voọc chà vá chân đen còn rất yếu, dù được cả đoàn pha nước đường cho uống để phục hồi sức khỏe nhưng nếu thả lại rừng sẽ chết bởi theo một kiểm lâm viên: “Con voọc đang trong giai đoạn bú sữa mẹ và loài voọc này có mối quan hệ huyết thống rất đặc trưng. Trả về rừng chắc chắn những voọc cha mẹ khác cũng chẳng chịu cưu mang”.

Vậy là cả đoàn quyết định bế con voọc theo đến khi đóng lán sẽ nhờ những người dân gùi hàng đưa về trạm kiểm lâm chăm sóc. Dọc đường đi, dù mang trên vai hàng chục ký hành lý, lỉnh kỉnh đồ nhưng kỹ sư Hoàng Trọng Khánh, một thành viên trong đoàn, vẫn nâng niu chú voọc con với đầy sự yêu thương.

Sau khi đóng lán, cả đoàn bắt đầu hành trình “săn” thú với quyết tâm phải tìm ra được những loài thú mà trước nay mọi người chỉ dự đoán có tại Chư Yang Sin huyền thoại. PGS.TS Bảo Huy, trưởng đoàn và TS Cao Thị Lý đi đặt bẫy ảnh ở nơi mà rất nhiều trái cây rừng đã bị một nhóm linh trưởng ăn và vứt lại. “Điều tra về động vật, sự phân bố của động vật rừng, nhưng thật tình rất khó để có thể thấy chúng mà phải dùng loại “bẫy” này thôi”, PGS.TS Bảo Huy giải thích.

Trong chuyến hành trình săn lùng thú ở độ cao từ 1.000m trở lên, cảm giác sẽ bị rơi tuột xuống vách núi, sẩy chân ở những sườn dông luôn thường trực. Có những dấu chân thú nằm sát mép vực, để có thể đo, vẽ và phân biệt dấu chân con gì, các nhà nghiên cứu phải trong tư thế bò, trườn, chỉ một cái giậm chân sơ sẩy sẽ lao đầu xuống đáy vực ngay.

Ở độ cao 1.200-1.500m trở lên, chúng tôi thấy xuất hiện lan kim tuyến, thông Đà Lạt, gỗ pơmu ngàn năm tuổi hay những cây ngũ gia bì thân to, cao hàng chục mét hùng vĩ và tuyệt đẹp mà ngày trước đây đọc nhiều sách nghiên cứu vẫn nghĩ chúng là loài thân nhỏ.

8pugTZyO.jpgPhóng to
Kỹ sư Hoàng Trọng Khánh vui đùa với chú voọc chà vá chân đen tại một điểm nghỉ chân - Ảnh: TRUNG TÂN

Để rừng mãi xanh

PGS.TS Bảo Huy chia đoàn thành bốn nhóm để mỗi ngày leo lên một đỉnh núi nào đó trong dãy Chư Yang Sin theo những tuyến đường dự đoán có thú xuất hiện. Vì cơ hội thấy thú rừng rất hiếm hoi nên phương pháp xác định dấu chân, vết cào, phân và thức ăn cũng như những loại cây thức ăn của thú, nơi sinh sống để xác định sự xuất hiện của chúng là rất quan trọng.

Đoàn chúng tôi ngược đỉnh Chư Yang Hát (độ cao 1.500m) với gần chục điểm dừng lại khi phát hiện các dấu chân, trái cây thú rừng ăn... Đoàn nghiên cứu xác định có nhiều loài thú quý hiếm xuất hiện ở đây. Rất nhiều điểm, đoàn nghiên cứu phát hiện quả bứa rừng rơi vãi dưới mặt đất do loài khỉ, vượn hoặc voọc chà vá chân đen ăn còn sót lại.

Trên tuyến hành trình vượt núi tìm thú chúng tôi luôn nghe tiếng vượn kêu xa xa, nhưng khi lại gần vẫn không thể nhìn thấy, đoàn nghiên cứu cho biết loài linh trưởng rất nhạy cảm, chúng lẩn trốn rất nhanh khi kẻ lạ xuất hiện.

Ngoài đặc trưng đây là nơi sinh sống của các loài linh trưởng - như nhận xét của đoàn nghiên cứu, trên tuyến đường đi thấy xuất hiện rất nhiều dấu vết của heo rừng, hoẵng (mang), sơn dương, min (bò tót), sao la... Cũng có ngày dù nhóm chúng tôi lên đến đỉnh Chư Yang Ma, ở độ cao 1.696m nhưng chỉ phát hiện được bốn dấu vết thú do rừng trùng trùng điệp điệp cây lá, lại sau cơn mưa rừng nặng hạt nên các dấu vết bị xóa mờ.

Thậm chí trên đỉnh núi cũng không thể tìm ra một điểm có thể chụp hình toàn cảnh phía dưới vì mây mù và cây rừng xếp hàng hàng lớp lớp. Cả đoàn thám hiểm có cùng niềm vui khi chứng kiến trong dãy Chư Yang Sin, dưới từng bước chân, nhiều loại cây rừng đang tái sinh một cách mạnh mẽ.

Đến mỗi điểm thấy xuất hiện dấu vết thú rừng, PGS.TS Bảo Huy cẩn thận nhặt từng chiếc lá mục để dấu vết được lộ rõ, sau đó đo đạc kích thước, xác định dấu chân thuộc loài nào, vẽ lại dấu chân trên giấy kính để sao chụp làm tư liệu.

Còn TS Nguyễn Thị Thanh Hương sẽ định vị điểm xuất hiện bằng GIS cũng như nhập các dữ liệu điều tra khác về độ cao, độ dốc... TS Võ Hùng, một thành viên trong đoàn, thì gặp dấu vết nào là nằm, ngồi xuống quan sát cẩn thận, ghi chú, chụp ảnh, vẽ dấu chân thú rừng. Các thành viên khác trong từng nhóm phụ trách đo các dữ liệu về trữ lượng gỗ, đặc điểm sinh thái ở rừng, độ pH, độ ẩm...

Một trong những niềm vui lớn nhất của các nhà thám hiểm trong chuyến đi lần này là đã phát hiện khoảng 30ha cây bứa rừng, nơi sinh sống thường xuyên của nhiều loài linh trưởng (vượn, khỉ, voọc). “Chuyến đi vất vả và đầy nguy hiểm, nhưng điều hạnh phúc nhất đối với đoàn thám hiểm chúng tôi là rừng và thú rừng Chư Yang Sin huyền thoại vẫn đang phát triển, bảo tồn khá nguyên vẹn. Đó là niềm vui, niềm tự hào của Tây nguyên” - thạc sĩ Nguyễn Đức Định, chuyên gia thực vật rừng, lâm sản, nói.

Thiết lập bản đồ phân bố

Pg20PX5W.jpgPhóng to
PGS.TS Bảo Huy (bìa trái) cùng TS Thanh Hương và hai cán bộ kiểm lâm tra cứu một loài cây vừa lấy mẫu trên núi về lán - Ảnh: ĐOÀN TỪ DUY

Dự án điều tra lập bản đồ phân bố động vật rừng tại Đắk Lắk do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk lập đề cương điều tra và lập bản đồ với sự tham gia của bộ môn quản lý tài nguyên rừng và môi trường (khoa lâm nghiệp, Trường đại học Tây nguyên), chi cục kiểm lâm tỉnh, cộng đồng dân cư sống trong và gần rừng ở các khu vực điều tra phân bố.

Cùng với các phương pháp nghiên cứu khác, “săn” thú rừng dựa trên số dấu chân, phân, thức ăn, kiểu sinh cảnh xuất hiện, chụp hình, xác định tọa độ GPS (định vị toàn cầu) vùng di chuyển, mức độ bị tác động, săn bắt. Trên cơ sở đó ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý) để thiết lập các lớp dữ liệu bản đồ phân bố, sinh thái, sinh học, nguy cơ của các loài động vật rừng.

ĐOÀN TỪ DUY - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên