05/02/2005 05:01 GMT+7

Đi Thiếu Lâm tự học kungfu

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TTCN - Trong thế giới võ lâm, môn phái Thiếu Lâm tự, Trung Hoa được xem như Thái Sơn - Bắc Đẩu “danh môn đại phái danh trấn giang hồ”.

YK4TQUsP.jpgPhóng to

Một chỗ đứng dưới bóng chân truyền của chùa Thiếu Lâm 1.500 năm tuổi (Đăng Phong, Hà Nam, Trung Quốc) là khát khao của bao thế hệ đam mê võ thuật khắp thế giới. Tôi làm một chuyến lên núi Tung Sơn để tìm hiểu Thiếu Lâm tự...

Tại bến xe đò thành phố Trịnh Châu (thủ phủ tỉnh Hà Nam) đi về thị trấn Đăng Phong, tôi hỏi thăm một cô gái xinh đẹp người Đăng Phong về cách thức xin vào tu học tại chùa Thiếu Lâm, cô hỏi lại: “Anh định tu học loại nào, cao cấp hay dịch vụ? Muốn loại nào cũng có, kể cả cao tăng, võ tăng hay văn tăng. Võ tăng thì ăn mặn, văn tăng thì ăn chay... Nhiều cách, nhiều loại lắm...”.

Vào “học viện”...

WesTewTg.jpgPhóng to
Các nữ môn sinh Học viện quốc tế Thiếu Lâm tự trong giờ luyện kiếm pháp
Lời cô gái quả không sai, chưa bao giờ Thiếu Lâm tự lại “trăm hoa đua nở” như bây giờ. Từ một thị trấn miền núi nghèo nàn, Đăng Phong đang hối hả xây dựng đại lộ, cao ốc với chiến lược “bãi huyện lập thị” (bỏ huyện lập phố). Ở đây có hệ thống 40 học viện, đại võ đường chuyên đào tạo võ thuật kungfu Thiếu Lâm.

Người ta giới thiệu tôi vào “tu học” tại hai học viện mang tên “Nga Ba Thiếu Lâm học viện” và “Phong Tiểu Long - Đăng Phong học viện” với giá 10.000 nhân dân tệ/ năm (khoảng 20 triệu đồng). Đây chưa phải là giá cao nhất để có thể trở thành một võ tăng Thiếu Lâm tự vì “Tháp Câu học viện” dành cho các võ sinh đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Úc... phải trên 15.000 tệ mới có thể vào “tu học”.

Gọi những nơi này là đại học viện quả không sai vì chúng chứa đến một vạn võ sinh đến từ khắp mọi miền đất nước Trung Hoa (chỉ có khoảng 1% là võ sinh ngoại quốc). Khá đông võ sinh tìm đường vào các học viện này tuổi chỉ mới lên năm, lên sáu... để nuôi giấc mộng đổi đời từ tuyệt kỹ kungfu.

v90a0KKQ.jpgPhóng to

“Cao tăng Thích Diên Truyền - tổng giáo đầu của võ tăng đoàn Thiếu Lâm tự - đang đọc báo TTCN! Ông bảo vì sao tôi biết Đăng Phong mà tìm đến? Tôi bảo đã đọc được bài viết của một võ sư Việt Nam đăng trên báo TTCN. Ông xin một tờ báo có đăng bài viết về Thiếu Lâm tự để làm kỷ niệm. Xem tấm ảnh minh họa kèm theo bài báo, ông khẳng định: võ tăng trong ảnh đang “phi thiềm tẩu bích thuật” (chạy trên vách) chính là đệ tử của ông!

Tôi vào “Tung Sơn Thiếu Lâm tự quốc tế học viện”, tòa nhà năm tầng sơn màu đỏ bầm nằm dưới chân núi Tung Sơn, có sức chứa 5.000 võ sinh. Đang mùa nghỉ đông nhưng hàng ngàn võ sinh 5-16 tuổi đang đỏ mặt tía tai luyện võ công dưới tuyết rơi. Tuy mang tên “học viện quốc tế” nhưng gần như 100% môn sinh đều là người Trung Quốc, điều kiện ăn ở trong học viện kém xa các ký túc xá đại học VN, mỗi phòng chứa hàng chục người với giường tầng và vô cùng nhếch nhách, nhiệt độ bên ngoài - 50C mà cũng chỉ có một tấm đệm mỏng tanh, nhiều tiểu võ tăng phải lén đưa lò than vào phòng để sưởi qua mùa đông khắc nghiệt.

Người phụ trách giảng huấn của học viện quốc tế đã không kiềm chế được vui mừng khi giữa mùa đông giá rét lại có một “cụ” võ sinh nước ngoài như tôi vào đăng ký xin làm “đồ đệ Thiếu Lâm tự ”. Ông thanh minh vì sao không hề có bóng dáng võ sinh nước ngoài như đúng tên gọi của “quốc tế học viện”: “Đông lắm, nhưng mùa đông khắc nghiệt quá, họ đã về nước cả rồi!”. Thấy tôi ái ngại về điều kiện ăn ở quá kém của học viện, ông lại phân bua: “Ở đây chỉ dành cho những chú bé từ nông thôn ra, chúng nó chịu khổ quen rồi, còn môn sinh ngoại quốc được bố trí ở nơi cao cấp hơn, cứ yên tâm và ghi danh tu học đi...”.

Giấc mơ Lý Tiểu Long...

Trò chuyện với tiểu môn sinh Vạn Tam Đông, 8 tuổi, người tỉnh Giang Tây, mới thấy cái khắc nghiệt của “giấc mơ Thiếu Lâm tự”. Gia đình làm nghề nông không đủ sống, anh chị tha phương cầu thực khắp nơi, Đông được gia đình gửi lên “tu học” từ lúc 5 tuổi trong một dịp tình cờ có đoàn người về quê giới thiệu “các lớp đào tạo võ thuật”, mà từ đó con đường tiến thân sẽ rất nhanh.

3M1cQyHp.jpgPhóng to
Cho dù nắng cháy da hay tuyết rơi cắt thịt, hằng ngày các tiểu môn sinh nhỏ bé này cũng phải trần thân với những bài học khí công, nội công ở cái ngưỡng giới hạn của cơ thể học
Người ta dẫn chứng về ngôi sao điện ảnh Thích Tiểu Long 16 tuổi, bái sư tu học tại chùa Thiếu Lâm từ năm lên 2 tuổi, năm lên 4 tuổi đã được mời đóng vai chính trong phim Huyền phong tiểu tử (chỉ riêng phim này đã hốt tiền triệu) và sau này là hàng loạt phim võ thuật vang danh khác như Thiếu Lâm hùng phong, Tân Ô Long viện, Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên... và được xem như triệu phú điện ảnh trẻ nhất của Trung Quốc.

Thích Tiểu Long do được luyện Thất mi côn, Thiếu Lâm quyền, Ngũ hình quyền, la hán quyền... của môn phái Thiếu Lâm từ nhỏ nên mới thành danh như ngày hôm nay, và một trong những yếu tố quyết định để Thích Tiểu Long dành trọn những tháng năm niên thiếu của mình cho khổ luyện là hình ảnh của các thần tượng Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt - những ngôi sao điện ảnh võ thuật xuất thân từ Thiếu Lâm tự...

Không chỉ Vạn Tam Đông mà hàng ngàn chú bé, cô bé từ khắp các làng quê nghèo khổ đã được gia đình chạy vạy đủ mọi cách để đưa con về Đăng Phong với ước mơ đổi đời như Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt hay Thích Tiểu Long...

Năm 495, hoàng đế Hiếu Văn cho xây ngôi chùa mang tên Thiếu Lâm tự với tổ sư Bồ đề Đạt Ma khai sinh ra môn võ thuật kungfu. Cho đến nay, Thiếu Lâm tự không còn đơn thuần là một địa danh mà đã trở thành một huyền thoại về các tuyệt kỹ khí công và đồng nghĩa với tinh thần thượng võ của người Trung Hoa.

Trưởng ban huấn luyện Tào Thế Tân luôn miệng chê bai các lò võ khác, các học viện khác là “ngụy phái”, chê luôn cả những pha trình diễn do chính các võ tăng Tung Sơn Thiếu Lâm tự phục vụ du khách là thiếu mạnh mẽ. Ông bảo chỉ có lò của ông là “chân truyền”. Ông gọi ngay tiểu võ tăng Cố Tiến Hưng là đệ tử của ông ra đi bài quyền La Hán. Chú bé chỉ mới 14 tuổi, gương mặt xanh mét vì đói và lạnh, động tác tuy khá mạnh mẽ nhưng hơi thở dồn dập. Hưng đã có năm năm theo học Thiếu Lâm tự . Từ ngày xa quê đi tìm giấc mơ kungfu, em chưa từng được ăn một bữa cơm thịt, năm năm tuổi thơ được rèn trong môi trường khí công, nội công, nhưng Hưng cho biết võ thuật của em chỉ mới ở giai đoạn sơ cấp!
chjhmdlV.jpgPhóng to
Để được trở thành võ tăng đệ tử chân truyền của Thiếu Lâm tự - “giấc mơ vàng” của bao thanh thiếu niên Trung Hoa
Trong các học viện Thiếu Lâm tự, số lượng nữ môn sinh chiếm khoảng 10%, cũng nuôi mộng “danh trấn giang hồ” từ tuổi lên năm, lên sáu, chỉ có khác là nữ môn sinh chỉ được học võ, trong khi các môn sinh nam có thể chọn lựa con đường vừa võ, vừa đạo (võ tăng). Chương trình của nam lẫn nữ đều khắc nghiệt như nhau với các pha công phu đặc dị như nhuyễn công, ngạch công, khinh công, ngoại công, nội công... Bao người đã gửi mình trong môi trường khổ luyện đến cuối đời nhưng chưa bao giờ đạt đến tuyệt kỹ. Từ trước đến nay lịch sử ghi lại chỉ có một võ tăng luyện thành công đến bảy tuyệt kỹ trong “Thất thập nhị huyền công niên tuyệt kỹ” (72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm võ phái).

Tào Diệp Hồng, 6 tuổi, quê tận tỉnh Vân Nam xa xôi, được gia đình gửi lên Đăng Phong học võ từ năm lên bốn. Không hiểu sao người ta lại để cô bé này tập chung trong lớp võ sinh nam, không hề có sự châm chước, nhân nhượng từ sư phụ hay các đồng môn cao lớn. Hỏi Tiểu Hồng vì sao em lại đi học võ ở tuổi còn quá bé như vậy, cô bé ngây thơ lắc đầu. Không biết hàng ngàn nữ võ sinh Thiếu Lâm tự ở độ tuổi lên năm, lên sáu như Hồng đang mơ giấc mơ gì? Hàng vạn ước mơ, nhưng “xứng danh anh hùng” như Lý Liên Kiệt, Thích Tiểu Long... chỉ có một!

Giấc mộng vàng này vẫn lung linh như chính huyền thoại về Thiếu Lâm tự ngàn năm qua...

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên