Phóng to |
Nhiều hành khách lần đầu tiên đi máy bay không biết nguyên tắc an toàn trên máy bay. Có khách được xếp ngồi gần ở cửa thoát hiểm, ngồi được một lát ông lững thững bước về phía cửa thoát hiểm rồi loay hoay tìm cách mở.
Tiếp viên tá hỏa đến ngăn lại, thì ông bảo ngồi trên máy bay nóng quá nên muốn mở cửa cho thoáng! Nhiều hành khách khi lên máy bay cứ ôm khư khư nón bảo hiểm như sợ mất. Có mấy bà cụ lâu ngày vào TP.HCM thăm con, thăm cháu nên mang theo con gà, khi là mấy con cá ngon nuôi trong vườn... vào làm quà, nhưng khi đến quầy làm thủ tục bị nhân viên hãng hàng không từ chối, thì lại ngơ ngác vì “Cứ tưởng nhét vào túi là xong”. Có người tiếc của vẫn cứ muốn mang mấy con cá theo nên làm theo hướng dẫn của nhân viên: Trả tiền để đóng gói cẩn thận, đến khi bị yêu cầu điền vào phiếu miễn trừ trách nhiệm thì hét toáng lên rằng “Nhà tàu ăn gian, đã trả tiền để gửi hàng rồi lại bảo miễn trừ trách nhiệm là thế nào?”.
Khi tiếp viên đọc khẩu lệnh yêu cầu ngồi yên tại chỗ và không sử dụng nhà vệ sinh để tiếp viên đếm số lượng hành khách trên máy bay thì một vài khách nhấp nhổm và chạy thẳng đến nhà vệ sinh “Vì sợ lát nữa không được dùng thì chết mất!”. Nói đến đi vệ sinh, nữ tiếp viên Thùy Linh kể: Có chị hành khách lần đầu tiên đi máy bay từ Vinh vào TP.HCM bế theo một em bé. Khi máy bay đang bay, thấy chị nhấp nha nhấp nhổm, Linh đến định hỏi giúp đỡ thì vị hành khách này đưa luôn một chiếc phễu làm từ tờ thực đơn thức ăn để đằng sau ghế và bên trong là nước tiểu của con chị. “Hóa ra chị ấy không biết nhà vệ sinh ở đâu nên đưa cho tôi để vứt hộ”. Có vị hành khách nọ, khi tiếp viên đang hướng dẫn thao tác an toàn thì đứng phắt dậy tiến ra phía sau máy bay và tìm cách mở cửa máy bay. Tiếp viên hoảng quá vứt đồ đạc đang cầm trên tay chạy theo ngăn lại, nhưng ông này cứ khăng khăng tiến đến đòi mở cửa bằng được để đi… tè vì nghĩ đó là cửa nhà vệ sinh.
Những người bận rộn
Nói điều này các tiếp viên đều tỏ ra khó chịu, họ kể gần như chuyến bay nào cũng có những hành khách cứ đợi khi lên đến máy bay, ngay cả khi tiếp viên đã nhắc không sử dụng điện thoại, nhưng vẫn cứ gọi điện thoại cứ như mình là người bận rộn lắm, không có thời gian, cần tranh thủ tối đa nên lúc nào gọi cũng nói kiểu như “Tôi đang ở trên máy bay… cứ nói đi” hoặc “Máy bay sắp bay rồi, tôi đang ngồi trên máy bay”. Khi tiếp viên nhắc tắt điện thoại vì lý do an toàn thì cau mày, nhăn mặt làm như đang làm lỡ mất cuộc nói chuyện quan trọng. Máy bay vừa hạ cánh đã bật ngay điện thoại lên và gọi lung tung cứ như mình là người của công việc và đang quá bận, trong khi qui định của ngành hàng không: Hành khách chỉ sử dụng điện thoại khi nào hành khách vào trong nhà ga sân bay.
Hù dọa có bom
Năm 2007 có thể coi là năm bội thu về chuyện hành khách có tí men rượu hoặc hứng chí nói đùa có mang bom lên máy bay. Một số hành khách này đã bị liệt tên vào danh sách nhà tàu cấm vận chuyển vĩnh viễn và phải đóng hàng trăm triệu đồng tiền phạt. Nhưng ca hù dọa có bom đầu tiên của hàng không Việt Nam không phải từ mấy tay lưu linh, hay “tưng tửng”, lại xuất phát từ một đôi nam nữ yêu nhau. Chàng đưa nàng ra sân bay Nội Bài, nhưng lòng lưu luyến mãi. Nàng lên máy bay rồi chàng nhắn vội theo cái tin vào điện thoại di động nội dung đại loại là “Em đi cẩn thận, anh lo cho em vì máy bay có bom”. Cô gái thiệt tình báo lại cho tiếp viên nội dung tin nhắn. Khổ nỗi cho dù là tin nhắn không kiểm chứng nổi, chuyến bay vẫn phải bị hoãn lại, hành lý lại bị lấy ra, công binh rà mìn vào cuộc… cuối cùng chẳng tìm thấy gì. Anh chàng nọ bị công an lôi lên thẩm vấn và phạt hành chính.
Lưu linh quậy nhà tàu
Lại nói chuyện lưu linh! Có vị hành khách nọ đi từ Hải Phòng vào TP.HCM trước khi lên máy bay đã làm vài ve. Lên trên máy bay, ông ta đi thẳng một mạch đến ghế ngồi mà không thèm đưa thẻ lên tàu cho tiếp viên. Tiếp viên hỏi mãi tên, thẻ lên tàu thì ông này mắng cô nàng như tát nước. Tiếp viên đành báo cáo với cơ trưởng và nhận được quyết định không chấp nhận vận chuyển khách. Khi nhân viên mặt đất lên máy bay yêu cầu khách rời máy bay theo yêu cầu của tổ bay, ông nội này lại bất hợp tác, chửi bới mãi đến khi an ninh sân bay xuất hiện mới lừng lững bỏ xuống, mà không hề nói có mang theo hành lý xách tay hoặc hành lý ký gửi hay không. Khốn khổ cho các hành khách khác, vì chuyến bay phải hoãn lại mấy chục phút để tiếp viên yêu cầu hành khách nhận lại hành lý của mình và truy tìm 2 túi xách của ông nội siêu quậy.
LAM NÊ
Tuổi Trẻ Cười số 366 (ra ngày 15-10-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận