08/06/2015 12:00 GMT+7

​Di sản và giấc mơ hồi sinh

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Việc tiến hành phục dựng ngôi nhà sàn của vị quan Lang từng bị thiêu hủy trong một vụ hỏa hoạn cách đây gần hai năm sẽ là thông điệp ý nghĩa về giấc mơ hồi sinh di sản văn hóa gửi tới cộng đồng.

Việt Nam là một đất nước có lịch sử lâu đời, lại có sự chung sống của đông đảo các dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có sự sáng tạo và gìn giữ được các giá trị di sản văn hóa của riêng mình, nhờ đó tạo nên sự đa dạng văn hóa cả đất nước.

Trong 5 năm trở lại đây, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản, chúng ta đã tiến hành điều tra khảo sát và phát hiện hơn 5.000 ngôi nhà ở truyền thống có giá trị hiện còn ở 12 tỉnh trong tổng số 64 tỉnh của cả nước.

Một trong số những ngôi nhà truyền thống ấy có nhà Lang cổ trong Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường. Ngôi nhà Lang hơn 100 tuổi của gia đình quan Lang bà Hà Thị Lợi, thuộc địa phận Mường Chậm, huyện Tân Lạc, Hòa Bình là một công trình kiến trúc nguyên bản nhà Lang - tầng lớp cao nhất trong xã hội người Mường, được gia đình gìn giữ qua nhiều đời và Bảo tàng Mường bảo tồn như một hiện vật văn hóa giá trị nhất.

Thế mà chỉ vì một mồi lửa đã gây thiệt hại nghiêm trọng, không chỉ với riêng Bảo tàng Mường về giá trị vật chất và tinh thần, mà còn là sự tổn hại của cả nền văn hóa Mường, bởi sự độc nhất của ngôi nhà Lang và các hiện vật là không thể tái hiện.

Trong văn hóa, xã hội người Mường trước đây, Nhà Lang (ngày nay thường gọi là "Lang đạo") là nói đến một tầng lớp cai trị, có quyền kế thừa theo dòng họ. Vì vậy ngôi nhà của quan Lang mang tính điển hình cho xã hội người Mường.

Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đã mua lại ngôi nhà của vị quan Lang vùng mường Chậm (huyện Tân lạc, tỉnh Hòa Bình). Ngôi nhà được di dời và phục dựng tại bảo tàng từ năm 2007. Nơi đây không chỉ bảo quản, gìn giữ mà còn đón khách muốn tìm hiểu về văn hóa Mường. Tuy nhiên, ngày 24-10-2013, ngôi nhà Lang đã bị cháy, kèm theo nhiều hiện vật văn hóa Mường bị thiêu rụi.

Câu chuyện nhà Lang bị cháy là biến cố lớn, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về ý thức bảo vệ di sản. Từ thời điểm đó tới nay đã có rất nhiều phương án được đưa ra nhằm “hồi sinh” ngôi nhà Lang, trong đó có hai phương án được nhắc đến: mua lại nhà cổ khác để thay thế hoặc tiến hành phục dựng nhà Lang trên những dấu tích còn sót lại.

Tuy nhiên, phương án thứ hai được nhiều chuyên gia đồng tình. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc phục dựng là lựa chọn hợp lý bởi như thế chúng ta sẽ không “xóa sổ” ngôi nhà cũ mà lưu giữ nó dưới một phiên bản khác.

Như vậy việc phục dựng chính là cách mà chúng ta có thể viết tiếp câu chuyện của nhà Lang cũ, nối dài mạch nguồn văn hóa truyền thống.

hinh-5-1433832790.jpg

Ngay sau khi sự việc xảy ra, dựa trên những tàn tro còn sót lại, một thông điệp ý nghĩa đã được gửi tới mọi người, đó là chương trình nghệ thuật “Ký ức nhà Lang” nhằm khơi gợi những ký ức, cảm nhận và thái độ của công chúng và xã hội về sự tồn tại và mất đi của một di sản văn hóa cụ thể, từ đó nâng cao ý thức của người dân và cộng đồng về các di sản văn hóa khác của Việt Nam.

Tiếp đó, trong thời gian gần đây, Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường đang thực hiện chiến dịch gây quỹ cộng đồng với tên "Nhà Lang - giấc mơ hồi sinh" gồm chuỗi các chương trình nghệ thuật đồng hành được triển khai từ tháng 5, gồm trình diễn thời trang và triển lãm sắp đặt, triển lãm ảnh nghệ thuật, triển lãm và đấu giá tác phẩm của cộng đồng nghệ sĩ...

Đại diện Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường cho biết, nếu việc gây quỹ thành công, việc phục dựng nhà Lang sẽ được thực hiện vào tháng 8 năm nay.

Theo đó, ý tưởng phục dựng nhà Lang sẽ thực hiện tại chính vị trí cũ, bằng những nguyên vật liệu truyền thống địa phương, do chính những người thợ đồng bào Mường lắp dựng theo kỹ thuật thủ công truyền thống.

Với những số liệu, bản vẽ kỹ thuật về nhà Lang mà bảo tàng vẫn lưu giữ cùng những nghiên cứu và nhận định của các nhà dân tộc học, khả năng phục dựng nguyên trạng, chính xác ngôi nhà từ phần chân cột và sàn gỗ còn lại là hoàn toàn khả thi.

Mỗi di sản đều chứa đựng những giá trị vô cùng quý báu, cần được gìn giữ, nâng niu và trân trọng bởi đó biểu tượng của một cộng đồng người, một hiện vật lý tưởng để nghiên cứu chứ không phải là chỗ dừng chân tạm thời trong những chuyến đi.

Vì vậy, việc phục dựng thành công ngôi nhà Lang để giữ lại hồn cốt, tinh hoa văn hóa dân tộc là điều đáng trân trọng nhưng làm thế nào để di sản có thể thực sự “hồi sinh” theo đúng nghĩa và “sống” được trong lòng cộng đồng cũng là bài toán nan giải được đặt ra.

Bởi qua sự việc này, liệu có ai nghĩ lại rằng, trước khi mồi lửa bùng cháy lên, di sản cũng đã gần như… không tồn tại. Nó không tồn tại trong ký ức cộng đồng bởi sự ơ hờ, thiếu quan tâm.

Thiết nghĩ, những nỗ lực trong việc phục hồi lại ngôi nhà Lang của các cá nhân, tổ chức, những con người tâm huyết với mong mỏi bảo tồn và phát triển văn hoá Mường cũng chính là thông điệp lâu dài muốn gửi tới cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, để một lần nữa khẳng định niềm tin vào lòng trân trọng của cuộc sống trước di sản tiền nhân. 

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên