13/05/2006 08:06 GMT+7

Đi làm phu vàng

THẾ ANH
THẾ ANH

TT - Phước Sơn, huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, được giới phu vàng xem là nơi có trữ lượng vàng lớn nhất VN! Vào những lúc cao điểm, núi rừng Phước Sơn phải gồng mình chịu đựng sự giày xéo của hơn 10.000 phu vàng trên tổng số hàng trăm bãi vàng lớn nhỏ ở đây.

hQAF1Kn5.jpgPhóng to

Đến từ khắp mọi miền đất nước, những người đào vàng đổ về đây với cùng một thân phận: phu phen. Để rồi có đời phu vàng không tìm được vàng, có người để lại cả tấm thân mãi mãi nơi rừng sâu này.

“Giấy tùy thân đặc biệt”

Sau hơn một tuần lân la khắp chợ huyện Phước Sơn, tôi mới tìm được sự giới thiệu của một đại ca có cỡ ở bãi vàng Phước Hiệp, đó là đại ca Bảo (vì lý do tế nhị, tên thật những người trong loạt bài này đều được thay đổi - NV). Với lá thư tay của đại ca Bảo, tôi một mình balô ngược suối trèo non suốt một ngày để đến lãnh địa của những người đào vàng, cách quốc lộ 14E khoảng 45km đường rừng. Dù rất tin tưởng vào uy tín của đại ca Bảo, nhưng lòng tôi vẫn rối bời khi con đường dẫn vào rừng càng lúc càng xa.

Nhớ lại những câu chuyện khủng khiếp về đời phu vàng, những hình hài nằm lại với núi rừng không tung tích, quê quán... mà tôi đã từng nghe kể, tôi quyết định lấy miếng giấy bạc trong bao thuốc ghi tên tuổi và địa chỉ thật làm “giấy tùy thân đặc biệt” cho mình, rồi bỏ vào bao nilông dán kín và giấu trong người phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, đồng nghiệp còn lên tìm và biết tôi nằm nơi nào.

Địa danh Phước Hiệp trước đây đã từng làm hoa mắt giới làm vàng với những tin tức về vỉa vàng hàng ngàn cây, có lúc mảnh rừng nhỏ bé này phải trần mình trước hàng ngàn con người đêm ngày đào bới với giấc mơ vàng. Sau lệnh cấm của chính quyền, Phước Hiệp thưa bóng người một thời gian cho đến khi giá vàng tăng cao, dòng người lại ồ ạt tiến vào.

P5LSIJDf.jpgPhóng to
Một trại đào vàng ở bãi Phước Hiệp - Ảnh: T.Anh
Một chủ vàng lý giải: “Vàng ở đây không còn nhiều nhưng nhờ giá cao, trong lúc giá vật tư chẳng tăng bao nhiêu nên rất lời. Mà biết đâu nhờ trời, trúng ục, trúng vỉa lớn thì chẳng mấy chốc trở thành tỉ phú”.

Con đường dẫn vào bãi Chiếu không còn hoang sơ và heo hút như đoạn đầu, thỉnh thoảng những chiếc xe Minsk vượt qua nhảy chồm lên như ngựa chứng giữa rừng. Dưới khe sâu, những bóng người đánh trần, há hốc miệng thở phì phò vác đá vượt dốc đi lên trong tiếng máy xay đất đá bì bạch nổ ven khe.

Càng vào sâu, cảnh tượng càng lạnh lùng hơn, cả quả đồi bị san phẳng, những hầm sâu vài chục mét như những cái bẫy chực chờ ai đó sơ ý. Dòng suối đôi đoạn bị tắc nghẽn sôi lên ùng ục do bùn đất.

Đến giữa trưa, tôi gặp một tốp năm người vội vàng ăn cơm bên bóng cây cao. Cố giữ vẻ thản nhiên như một cư dân lâu năm của bãi vàng, tôi ngồi xuống và lôi gói cơm đại ca Bảo đưa cho lúc sáng ra ăn. Để khỏi bị nghi ngờ, tôi cố mở nút áo hơi trễ xuống để lộ một hình xăm đặc trưng của băng đảng đại ca Bảo trên ngực.

Tu một ngụm nước, một tay trong nhóm hất hàm hỏi tôi: “Mày làm lán nào?”. “Lán ông Mạnh”, tôi bình tĩnh đáp. Lão lớn tuổi nhất trong nhóm ra vẻ rành đời: “Đ.M., làm cho thằng Mạnh thì nó vắt mày ra tới bã, ngu quá con ơi!”.

Ông chủ “sát lính”

j9XGpJEh.jpgPhóng to
Lán của ông chủ Mạnh, nơi phóng viên Tuổi Trẻ xin làm phu vàng - Ảnh: T.Anh
Sau hơn tám giờ cuốc bộ trong cái nắng oi nồng của buổi giao mùa, cuối cùng tôi cũng tìm được đến lán ông Mạnh nằm cheo leo bên một khe núi. Trời đã nhập nhoạng tối, nhưng những phu vàng vẫn chưa được nghỉ, trong lán chỉ có một người đang lúi húi nấu ăn và một người đang ngồi bấm máy tính toán gì đó.

Thấy có người lạ, người này bỏ máy xuống và nhìn tôi một cách dò xét. “Có phải anh là Mạnh?”, tôi hỏi. Anh ta đáp gọn: “Thằng Mạnh đi chơi rồi, mày tìm nó làm gì?”. Chẳng đắn đo, tôi đưa lá thư của đại ca Bảo và bắt đầu trình bày hoàn cảnh.

Đọc xong lá thư, anh ta à lên một tiếng rồi nói: “Tao là Mạnh đây. Đ.M., cứ tưởng mày là công an vô hỏi chuyện gì”. Qua lời giới thiệu của đại ca Bảo, tôi được biết Mạnh là một tay lão luyện trong nghề vàng đá đã gần 20 năm. Mạnh châm điếu thuốc rồi đảo mắt nhìn tôi từ trên xuống dưới trong làn khói mờ mịt, rồi buông một câu đúng giọng đại ca: “Lán anh mày đủ lính rồi, nhưng người nhà của thằng Bảo vào thì anh nhận!”.

Đêm ở núi lạnh như mùa đông, vậy mà đoàn phu từ “địa đạo” chui lên tuy run lập cập vẫn xếp hàng ra hiên lán trại giội vội vàng vài gáo nước cho trôi mồ hôi, đất đá rồi lao vào lán tìm cái ăn. Gặp ai tôi cũng chào hỏi, nhưng dường như chẳng ai để ý tên lính mới như tôi vì họ đã quá mệt. Bữa cơm được dọn ra khi đã hơn 7g tối. Các “đồng nghiệp” của tôi chẳng ai nói với ai điều gì, tất cả đều im ắng nhai trong ánh đèn dầu leo lét.

Sau bữa cơm, ông chủ lên sàn ra “huấn thị” cuối ngày: “Đã ba ngày rồi mà vẫn chưa tìm ra vỉa, tụi bây làm ăn như thế thì chỉ có nước bốc c. mà ăn. Ngày mai rúc hầm sớm, thằng nào còn cà khịa rề rề là tao đánh cho vỡ mồm!”. Với tôi, Mạnh cũng ra “sắc lệnh” lạnh lùng: “Dù mày là người nhà thằng Bảo, nhưng nhớ một điều khi đã vào đây: lính ra lính, tướng ra tướng! Không nghe lời là tao đánh tuốt!”.

Thấy mấy anh phu không ai nói gì, tôi cũng im re và nằm xếp cá mòi trên sàn tre ọp ẹp sặc sụa mùi mồ hôi. Nằm bên tôi là Giang, người Nam Định. Thấy tôi không ngủ được, anh ta nói nhỏ vào tai: “Mới vào bãi à? Ráng mà ngủ để mai làm sớm, làm ở đây như trâu như ngựa, mất ngủ là không làm nổi đâu. Ông chủ là cha là mẹ, đừng có dại dột cãi lời mà ốm đòn đấy!”.

Nói rồi anh ta lôi tay tôi chỉ vào vết thẹo nổi cục bên mí mắt của mình: “Huy chương của ông chủ tặng đấy!”. Nghe tiếng thì thào, bác Linh nằm bên cạnh cũng rù rì góp chuyện: “Chú em phải cẩn thận, thằng Mạnh này sát lính lắm. Ba năm nay năm nào hắn cũng tiễn một thằng lính về chầu trời đấy chú ạ, trẻ như chú mà chết thì phí lắm!”.

Mỗi ngày phu vàng làm việc từ 6g đến tối mịt mới được về lán. Chui vào hang, họ khấn: “Thà cho con chết ngay, còn hơn là bị chôn sống trong hang”. Một năm, hai năm, năm năm..., nhiều phu vẫn chưa một lần sờ được một mảnh vàng. Vàng có màu gì? Đối với phu phen, vàng chỉ còn là màu bạc phếch của mồ hôi và nước mắt, màu đỏ của máu hay màu đen kịt của giấc mơ đời làm phu.

Kỳ tới: Màu sắc của vàng

1oHCjSqw.jpgPhóng to

Phóng viên Tuổi Trẻ (trái) đang đào vàng trong hang sâu 40m dưới mặt đất

Ở các bãi vàng hiện nay thường có hai giới, đó là dân làm vàng sa khoáng và dân làm vàng đá. Làm vàng sa khoáng thường là những ông chủ nhỏ, đào đãi trên bề mặt dọc theo các con suối. Làm vàng đá thì đòi hỏi phải có tay nghề cao hơn, phải đầu tư máy móc lớn, có lúc phải mất hàng trăm triệu cho một mỏ vàng. Nhưng làm vàng đá nguy hiểm hơn nhiều, vì phải đào hầm, “đánh” địa đạo có lúc sâu đến vài ba trăm mét vào trong lòng đất.

Đó cũng là lý do tôi chọn vào bãi vàng đá, vì nơi đó thân phận những người phu vàng phải sống trong lòng đất với bao hiểm nguy chực chờ.

THẾ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên