Phóng to |
Khách đang ra xe về quê ăn tết (ảnh chụp tại bến xe miền Đông ngày 31-1) |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Ngày 31-1, bến xe miền Đông bắt đầu đưa xe buýt tăng cường vào chở khách. Vì vậy, hành khách vào các quầy mua vé rất thoải mái và có rất nhiều xe đang chờ khách.
Trong ngày hôm qua, có khoảng 34.000 hành khách đến bến xe miền Đông mua vé về quê ăn tết, khách đi nhiều nhất là các tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Ngọc Thừa - giám đốc bến xe miền Đông - cho biết do năm nay bến đã bán vé trước cho khoảng 10.000 khách, các doanh nghiệp cũng tự bán vé trước cho khoảng 30.000 khách, nên đã giảm áp lực khách vào quầy mua vé. Đến chiều 31-1, đã có gần 20 xe buýt được đưa vào chở khách trên các tuyến đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Kiện cáo để được rước khách
Cũng trong sáng 31-1, nhiều chủ xe của Công ty cổ phần xe khách Thanh Long và chủ xe của Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) chạy tuyến TP.HCM - Hải Phòng đã phản ứng về việc bến xe ưu tiên cho xe buýt tăng cường vào chở khách, trong khi các xe đò trên tuyến cố định (chuyên tuyến) không có khách. Theo ông Nguyễn Ngọc Thừa, giữa tháng 1-2008, bến xe đã yêu cầu đăng ký bán vé trước trong dịp tết nhưng các đơn vị đều nêu vì lý do khách quan để không thực hiện và đã có cam kết không khiếu kiện về sau.
Các chủ xe như ông Lê Hữu Tín, bà Nguyễn Thị Oanh (thuộc Công ty cổ phần xe khách Thanh Long) chạy tuyến TP.HCM - Hải Phòng cho rằng bến xe phải ưu tiên cho xe chạy chuyên tuyến, sau đó mới đến các xe buýt tăng cường. Ông Tín và bà Oanh có hai xe được xếp tài chạy tối 31-1 nhưng đến 12 giờ trưa mới bán được ba vé.
Giải quyết ra sao với những xe đò chuyên tuyến không có khách? Ông Thừa cho biết sẽ điều chỉnh. Theo đó, nhường khách đã mua vé của xe buýt tăng cường (do Tổng công ty Cơ khí vận tải Sài Gòn phát hành vé) cho xe đò chạy chuyên tuyến. Đồng thời bến sẽ đền bù 500.000 đồng/chuyến đối với xe buýt tăng cường đã nhường khách.
Hà Nội: chưa đến cao điểm
Những ngày qua, những tuyến xe từ Hà Nội đi các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An vẫn chưa "nóng" như dự kiến, nhiều xe phải xuất bến trong tình trạng thiếu khách, đặc biệt các chuyến xe chạy vào các tỉnh miền Nam càng vắng vẻ.
Trưa 30-1, hai xe khách loại 24 chỗ ngồi chạy tuyến Hà Nội - Vinh lững thững nối đuôi nhau dừng lại đợi khách trước cây xăng trên đường Pháp Vân, Hà Nội. Mỗi xe chỉ có khoảng mười người, thấy có khách, một phụ xe ra giá 50.000 đồng/người về tới Quỳnh Lưu (Nghệ An), giảm 15.000 đồng so với ngày thường nhưng khách vẫn lắc đầu đợi xe khác. "Hôm nay chưa đông, đi xe chạy chiều vào Sài Gòn có khi còn rẻ hơn" - một hành khách nói.
Trong khi đó phụ xe rầu rĩ: xe nhiều nhưng chưa tới ngày đông khách, chạy kiểu này không đủ "làm luật". Theo lời phụ xe này, từ Hà Nội vào Vinh phải qua năm trạm cố định, tốn ít nhất 200.000 đồng "lộ phí”. Chưa kể hết câu chuyện, phụ xe đã vội vàng vẫy tay ra hiệu cho tài xế lăn bánh vì nhác thấy bóng cảnh sát trật tự đang từ xa tiến lại.
Bên cạnh những chiếc xe chạy rỗng về Tây nguyên và Nam bộ, nhiều xe du lịch đời mới sang trọng của Công ty cho thuê xe lữ hành ABC cũng tạt vào đón khách ở đoạn đường Pháp Vân. Một tài xế xe ABC cho biết các công ty phía Nam thuê 60 xe của hãng vào đón công nhân về quê nên tranh thủ bắt khách thêm để kiếm chút chi phí trên đường. Vì vậy, dù chạy vào TP.HCM nhưng "khách đi Thanh Hóa, Nghệ An cũng chở hết. Mỗi người một ghế, giá cả hợp lý hơn các xe khác"...
Quan sát các xe khách chạy trên đường từ Hà Nội vào các tỉnh Bắc Trung bộ, phần lớn xe đều vắng khách. Từ TP Thanh Hóa, xe về Hà Nội cũng vắng khách. Có lẽ do học sinh nghỉ rải rác, còn cán bộ công nhân viên thì sau 25 tháng chạp mới nghỉ nhiều nên cho tới thời điểm này chưa đông người đi lại.
Khốn khổ vì cái tên trên vé tàu Hơn 50 công nhân thuộc Công ty Sprinta (Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang rất hoang mang vì vé tàu của họ gặp phải trở ngại trong khi ngày về quê đã cận kề. Theo ông Nguyễn Hữu Ý, chủ tịch công đoàn công ty, cuối tháng 10-2007 ông đã liên hệ với đại lý vé tàu Bình Thái (40A đường số 4, P.Trường Thọ, Thủ Đức) đặt mua 106 vé cho công nhân về các tỉnh phía Bắc. Đến giữa tháng mười hai, ông đã nhận đủ số vé theo yêu cầu. Gần đây, ga Sài Gòn áp dụng biện pháp kiểm soát tên trên vé nhưng có hơn 50 vé mà ông Ý đã nhận từ đại lý Bình Thái lại rơi vào trường hợp giấy chứng minh nhân dân không trùng tên với vé, mặc dù khi đặt mua ông đã giao chứng minh nhân dân cho đại lý Bình Thái. Anh Vũ Mạnh Dũng, một công nhân, đã cho xem vé tàu của anh. Vé được chia làm hai phần: một vé nhỏ đi từ ga Sài Gòn đến Tháp Chàm, một vé khác đi tiếp từ Tháp Chàm đến Nam Định. Tên trên vé đã hai lần tẩy xóa vẫn không trùng khớp với tên anh Dũng. Anh Dũng cho rằng nếu kiểm soát viên trên tàu phát hiện, theo qui định của ngành đường sắt, anh sẽ phải chịu phạt gấp năm lần giá vé (khoảng 2 triệu đồng). Bà Trịnh Thị Liên, chủ đại lý Bình Thái, thừa nhận việc mua vé hai chặng cho khách là không đúng. Bà cam kết nhận lại vé và làm thủ tục đổi vé cho khách. Tuy nhiên nhiều công nhân rất lo vì đã quá cận ngày đi và đổi vé cho phù hợp với tên trong chứng minh nhân dân là điều khó thực hiện. * Nhiều hành khách đi xe lửa lỡ mua vé chợ đen đang "đứng ngồi không yên" do số chứng minh nhân dân không đúng với vé (gọi là vé không hợp lệ). Ngày 31-1, những hành khách có vé không hợp lệ rất bức xúc vì phải nộp 20% trị giá vé để được đổi vé. Những người này nói: "Chúng tôi mua vé giá chính thức không được, phải bấm bụng mua vé chợ đen, nay ngành đường sắt buộc phải nộp thêm lệ phí đổi vé là quá đáng!". Có người cho rằng Nhà nước quản lý không tốt, gây ra tình trạng bán vé chợ đen, nay lại gây thêm thiệt hại cho người lao động. Trả lời về những bức xúc của hành khách, ông Nguyễn Văn Thành - phó ga Sài Gòn - nói: "Ga Sài Gòn là đơn vị thực hiện qui định của ngành, không thể làm khác được. Biện pháp kiểm tra chứng minh nhân dân là nhằm chống lại nạn vé chợ đen". Theo ga Sài Gòn, trong ngày 30-1 đã có 888 người sử dụng vé không hợp lệ, riêng sáng 31-1 có khoảng 400 người sử dụng vé không hợp lệ phải nộp 20% trị giá vé để được đổi vé. T.C.N. - Ngọc Ẩn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận