![]() |
Giảng viên Ngô Đình Chiếu. Ảnh: P.S.N. |
Tuy người đứng đầu Sở GD-ĐT Tiền Giang, TS Trần Thanh Đức, không chịu nhận mình là người dũng cảm, nhưng khi nghe ông nói: “Tôi chỉ buồn một điều là tại sao nhiều cán bộ đảng viên của chúng ta thi cử thiếu nghiêm túc để dư luận đánh giá không tốt về mình”, tôi mới cảm thấy những sức ép mà ông đã và đang chịu đựng không hề dễ chịu chút nào khi thí sinh là... quan chức các cấp ở địa phương!
Nước ta vốn tự hào có mấy nghìn năm văn hiến với truyền thống hiếu học gắn liền truyền thống học để làm quan. Các chức vụ từ cấp xã cho đến những chức vụ cao nhất trong triều đình đều do những người đỗ đạt được bổ nhiệm đảm trách.
Tôi nghĩ, nếu người quản lý kinh tế học một thì người quản lý giáo dục phải học mười, vì chỉ có học mới đổi mới tư duy, một điều kiện tiên quyết để đổi mới giáo dục. Tôi muốn nói học ở nước ngoài theo tinh thần Nguyễn Trường Tộ. |
Rõ ràng thông qua thi cử mà dân chủ được thực hiện - dù là con nhà nghèo vẫn có cơ may làm quan, có khi làm phò mã nếu đỗ trạng nguyên. Và triều đại nào cũng có một bộ máy công quyền gồm toàn người có học.
Vì lẽ đó, quan điểm của tôi là ủng hộ những người đi học để làm quan, cho dù ngày nay có lắm người cho đó là truyền thống lạc hậu. Còn những chủ trương làm quan rồi mới học - có thể chấp nhận - nhưng đi thi... thì xin đừng! Vì đây là một qui trình ngược. Chính qui trình ngược này đã sản sinh những quan chức - thí sinh.
Chỉ sự có mặt của quan chức - thí sinh ở phòng thi không thôi cũng đủ làm tê liệt ý chí của các giám thị muốn làm phận sự. Ngoài “cây gậy” quyền lực lơ lửng trên đầu, thầy cô giám thị còn phải đối mặt với “củ cà rốt” ngọt ngào gồm những phong bì dày cộp kèm theo sự sắp xếp và chỉ đạo của các cấp lãnh đạo.
Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng tin rằng nếu giáo dục trong nhà trường và gia đình nuôi dưỡng tính trung thực và lòng tự trọng cho các thành viên ngay từ thuở bé thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Có thể nói giám thị Khoa là một thành viên như thế. Tôi xin nói thêm là... với điều kiện xã hội phải có một cơ chế lành mạnh để cho một thành viên trung thực như thế có thể tồn tại được.
Tóm lại, thi cử đã trở thành một cơn ác mộng đối với các thầy cô giáo mỗi khi mùa thi đến. Người giám thị và giám khảo hôm nay không ngừng đối mặt với sự lựa chọn giữa cây gậy lơ lửng trên đầu và củ cà rốt trước mắt. Đội ngũ quản lý càng chịu nhiều sức ép hơn và không loại trừ những cám dỗ cũng ngọt ngào hơn gấp bội.
Để góp phần giải quyết vấn đề tiêu cực trong thi cử một cách căn cơ rốt ráo, tôi xin đề xuất mấy điểm sau đây:
- Trả lại cho thi cử chức năng truyền thống của nó là chọn nhân tài để trị quốc, hay nói như ngày nay là để phục vụ nhân dân. Nếu khuyến khích hay bắt buộc cán bộ đảng viên đương chức đi thi lấy bằng, vô hình trung ta biến thi cử thành một công cụ để thăng quan tiến chức, và do đó, nảy sinh các dịch vụ học giùm, đi thi hộ, và viết luận án thuê...
Nếu có nhu cầu bồi dưỡng và qui hoạch cán bộ, tốt nhất là chọn người gửi đi tu nghiệp nước ngoài, chắc chắn họ sẽ đem về bằng thật và như thế Nhà nước đã đầu tư nhân lực có hiệu quả.
- Bãi bỏ thi đua.
Theo ý kiến của hầu hết giáo viên, chính thi đua là nguyên nhân của bệnh thành tích. Do đó, việc cần làm ngay là phải bãi bỏ thi đua.
Trước mắt, phải dè chừng những báo cáo kết quả có tỉ lệ đậu quá cao (thành tích ảo) và kịp thời biểu dương những địa phương có kết quả thấp một cách bất thường như Khánh Hòa đã làm trước đây (thành tích thật).
- Cải tổ thi cử.
Trong hai ngày 28 và 29-6-2006, tại Hà Nội, công an đã thu giữ 370kg “phao” thi và bảy người bị xử lý hành chính vì bán nó. Việc sản xuất và kinh doanh “phao” thi xem chừng phát triển rất bền vững vì nó tuân theo qui luật cung cầu của nền kinh tế thị trường. Thật ra ai cũng thấy tệ nạn “phao” thi này là con đẻ của một hình thức thi cử cực kỳ lạc hậu của ngành giáo dục chúng ta.
Cụ thể đó là cách ra đề thi mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ ra trong lá thư ngỏ vừa rồi, và nhìn nhận việc thay đổi cách ra đề thi như một giải pháp then chốt và quan trọng nhất. Đó là một tín hiệu phấn khởi vì một khi người có trách nhiệm cao nhất nhận diện được vấn đề thì xem như vấn đề đã được giải quyết phân nửa.
Tuy nhiên, có một câu hỏi mà ta không nên né tránh là tại sao sau hai mươi năm đổi mới, ta vẫn chưa thay đổi một cách rốt ráo cách ra đề thi?
Hiện nay ta chỉ mới bắt đầu với đề thi trắc nghiệm tiếng Anh, đơn giản là có sẵn một kho đề từ các nước nói tiếng Anh. Còn các môn khác như văn, sử, địa, toán... thì biết đến bao giờ?
Cuối cùng, cũng như mọi người, tôi đề nghị cải tổ thi cử như một đột phá trong tiến trình chấn hưng giáo dục của tân bộ trưởng. Và tin rằng mười năm sau thi cử của VN chắc chắn sẽ không phải như hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận