Đi giữa Thủ đô lòng thấy tự hào
TTO - Cả Hà Nội bừng lên rộn ràng trong lễ hội chào đón 999 năm Thăng Long - Hà Nội và 55 năm giải phóng Thủ đô. Tại vườn hoa Lý Thái Tổ, những khóm hoa, cây cảnh tươi tắn sắc màu được xếp đều tăm tắp đón chào người dân tham quan hoạt động trưng bày cây cảnh nghệ thuật Thăng Long
Khách tham quan vườn hoa Lý Thái Tổ - Ảnh: Cù Záp |
Phía hai đầu cầu Long Biên - Gia Lâm thu hút nhiều lượt khách tấp nập về thưởng lãm Lễ hội văn hóa nghệ thuật Ký ức cầu Long Biên. Trong hai ngày 10 và 11-10, cây cầu trở thành con phố đi bộ trong lành, mát mẻ nhất cho người dân thủ đô.
Cây cầu dài 1.682m được trang hoàng bằng nhiều "vẩy rồng" lấp lánh. Theo ông Vũ Huy, thành viên ban tổ chức, tối nay với các hiệu ứng ánh sáng về đêm, cây cầu sẽ mang dáng hình một chú rồng vắt thân uốn lượn qua sông Hồng.
Từ hướng Hà Nội - Gia Lâm, người dân thủ đô có dịp thưởng lãm 100 tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh sắp đặt theo chiều dài lịch sử 12 thập niên (1889-2009) của cây cầu. Những tấm bạt trắng phủ dọc hai bên thành cầu, đầy ắp những vần thơ, lời hát quen thuộc về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi…, hay những dòng cảm nhận của người dân và du khách đi qua cây cầu.
Anh Gia Tiến (Hà Nội) lúi húi viết lên dòng chữ “Nhớ bố tôi. Người sơn cầu. Tôi yêu Hà Nội.”. Chị Thủy vừa đáp chuyến bay từ TP.HCM ra hồ hởi: “Tôi muốn gửi cảm xúc này về Sài Gòn yêu dấu!”.
Nô nức trên cây cầu mang những ký ức tươi đẹp. Ảnh: Cù Záp |
Anh Michael (New York, Mỹ), diện chiếc áo phông in hình Tổng thống Obama được người đi bộ trên cầu chào “hello” thân thiện. Anh nói: “May mà tôi đến đúng dịp lễ lớn của các bạn, những giây phút thư thái thế này thật khó quên”.
Anh Michael chụp ảnh lưu niệm - Ảnh: Nga Linh |
Một rừng quốc kỳ với dòng chữ “Hòa bình” bằng 62 ngôn ngữ phấp phới trên đoạn cầu trống, mất nhịp bởi chiến tranh.
Cờ của 62 quốc gia mang thông điệp hòa bình bay phấp phới . Ảnh Nga Linh |
Phía làn cầu này, một số hình ảnh truyền thống được tái hiện: viết thư pháp, nặn tò he… Nhiều sinh viên say sưa ngồi lại nghe cụ đồ Cung Khắc Hòe giảng về thư pháp và Hà Nội xưa.
Trẻ em thích thú với những chú tò he - Ảnh: Cù Záp |
Nằm trong những hoạt động của lễ hội, BTC nỗ lực tái hiện không khí ngày giải phóng thủ đô (10-10-1954) và ngày thống nhất đất nước bằng một số hoạt cảnh văn nghệ, hiệu ứng âm thanh, phục trang.
Đâu đó lại thấy thấp thoáng dáng cụ già với bộ quần áo chàm, chân đi giày vải, đậu đội mũ két trắng…gợi lại nét đẹp ngày xưa. Khách dạo trên cầu có thể nghe văng vẳng tiếng máy bay rít cắt bom, vang vang lời kêu gọi năm nào của Bác: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân VN quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi ta sẽ xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.” Anh Nam, tay dắt con trai nhỏ đi trên cầu đã thốt lên “Cảm giác lạ quá!” Không kìm được cảm xúc, anh tức khẩu thành thơ:
"Hôm nay tôi về Hà NộiPhố phường như rộng lớn hơnĐường xe tấp nập người đông đúcTrang phục muôn màu sắc vạn hoaCầu Long Biên hùng vĩ 100 năm tuổi
Tôi với con trai cùng dòng người hối hảBước trên cầu dài quá Long Biên ơiNhưng tôi không thấy mỏi chân điVì tình yêu Long Biên, Hà Nội…."
Một đầu cầu Long Biên trang trí hình rồng. Ảnh Nga Linh |
Tối nay lúc 18g40, tại đầu cầu hướng Gia Lâm, Hà Nội, người dân có dịp thưởng thức âm nhạc dân tộc: ca trù, chầu văn, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, quan họ… Tại đây cũng sẽ diễn ra các hoạt động: biểu diễn trang phục các dân tộc VN, triển lãm hình ảnh các làng nghề qua tranh khắc gỗ của Henri Oger…
Vào 19g30 cùng ngày sẽ diễn ra lễ thả 999 ngọn hoa đăng xuống dòng sông Hồng. Khu ẩm thực, âm nhạc, chiếu phim tài liệu về cầu Long Biên được dựng hai bên cầu chào đón người dân đến 22g cùng ngày. Ngày 11-1, đoàn tàu cổ bốn toa đi từ Gia Lâm sang đền Đô sẽ được tổ chức cho du khách trong nước và quốc tế với giá vé 25 USD.
Một số hoạt động khác tại Hà Nội cũng đang thu hút sự quan tâm: triển lãm Hà Nội trong tôi (45 phố Tràng Tiền), Hội chợ quốc tế Hà Nội 2009 (Triển lãm Giảng Võ), triển lãm Tôn vinh làng nghề truyền thống Hà Nội và Liên hoan CLB Ca trù 2009 (Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, 2 Hoa Lư, Hà Nội).
NGA LINH
Thủ đô “thay da đổi thịt” từng ngày
TT(Hà Nội) - Ngày 9-10, tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, TP Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng thủ đô, 999 năm Thăng Long - Hà Nội và biểu dương Người tốt việc tốt năm 2009, đồng thời phát động đợt thi đua chào mừng thủ đô trước thời khắc tròn 1.000 năm tuổi.
>> “Với thủ đô, văn hóa quan trọng hơn”
Hà Nội bên bờ Hồ Gươm - Ảnh: N.C.T |
Ôn lại chặng đường lịch sử, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: “999 năm trước, vào năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ đã ban “Chiếu dời đô”, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Từ đó đến nay, trải qua gần 1.000 năm tuổi với bao thăng trầm của lịch sử, Thăng Long - Hà Nội luôn giữ được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của mình, là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, thủ đô nghìn năm văn hiến, thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình”.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo khẳng định trong lịch sử phát triển của thủ đô, ngày 10-10-1954 là một mốc son mở ra một trang sử mới.
Sau 55 năm, từ một TP bị địch tạm chiếm, lam lũ, tăm tối, ngày nay Hà Nội đang vươn tới tầm “đẹp về văn hóa, cao về trí tuệ”, trở thành một trung tâm văn hóa, khoa học hàng đầu của cả nước.
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, dù TP vẫn còn những điều chưa hài lòng song mỗi người dân Hà Nội cùng bạn bè trong và ngoài nước đều có thể cảm nhận thủ đô đang “thay da đổi thịt” từng ngày; vóc dáng của thủ đô đang lớn lên, đang đẹp lên, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Để tiếp tục đưa thủ đô ngày càng phát triển, ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định Hà Nội sẽ tập trung cao độ phấn đấu phát triển kinh tế cao hơn, đảm bảo an sinh xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu là tăng trưởng kinh tế. Đồng thời tập trung tổ chức tốt các ngày lễ kỷ niệm lớn, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao vai trò của các tầng lớp nhân dân trong công cuộc xây dựng và phát triển thủ đô, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Hồ Chủ tịch. “Đây là thời điểm để mỗi người dân Hà Nội phát huy cao nhất tinh thần yêu nước, yêu thủ đô, biến tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước thành những việc làm thiết thực, hiệu quả”-ông Thảo kêu gọi.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, sau một năm mở rộng địa giới hành chính, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức từ lạm phát, thiên tai, diện tích rộng, dân số đông, hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, không đồng bộ. Tuy nhiên trong chín tháng đầu năm 2009, TP đã tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Kinh tế của thủ đô đang có chiều hướng phục hồi và phát triển. Cụ thể, GDP trong quý 1 tăng 3,1%, quý 2 tăng 5,1% nhưng quý 3 đã tăng tới 8,26%.
Gắn Thăng Long với hình ảnh đất nước
Tối nay (10-10), đúng ngày Hà Nội kỷ niệm 55 năm giải phóng thủ đô và là thời điểm còn một năm đến đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ công bố năm du lịch quốc gia 2010 sẽ diễn ra tại Hà Nội.
Một cửa ô Hà Nội được tái hiện tại vườn hoa Lý Thái Tổ - Ảnh: V.Dũng |
*Một triển lãm ngoài trời dành cho tranh Hàng Trống, Đông Hồ, tranh dân gian Hà Tây, đồ thủ công mỹ nghệ, hàng mã, đồ chơi, thư pháp... Các nghệ sĩ sẽ trong vai người bán hàng, nghệ nhân, hướng dẫn viên và cả dân chúng Thăng Long... Các làng nghề Thăng Long góp mặt với khu trưng bày gốm sứ, vẽ tranh, dệt vải, làm hàng mã và những đặc sản truyền thống của các gia đình làm chè sen, bánh cốm, mứt... cùng tiếng nhị và tiếng trống của các quán hát xẩm, hát trống quân. * Ông Nguyễn Nguyên Huy - trưởng phòng giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) - cho biết thanh tra giao thông vận tải đã có kế hoạch phối hợp với Công an TP triển khai lực lượng đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho những khu vực diễn ra các hoạt động lễ hội kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng thủ đô. Theo đó, các lực lượng sẽ được tăng cường để hướng dẫn phương tiện đi lại, vòng tránh các địa điểm diễn ra hoạt động lễ hội. Do các hoạt động kỷ niệm diễn ra tại nhiều khu vực khác nhau, có phạm vi hẹp và thời gian ngắn nên Sở Giao thông vận tải Hà Nội không thực hiện phương án phân luồng giao thông cố định theo các tuyến phố. |
Thăng Long mở hội thái bình tái hiện không khí Thăng Long đón Trung thu đầy thân thiện. Dàn trống hội Thăng Long được bố trí trên thuyền rồng, hai khu vực dọc đường Lê Thạch và phía sau tượng đài Lý Thái Tổ sẽ đồng loạt vang lên. Cùng lúc ấy, các liền anh, liền chị quan họ sẽ thể hiện tiết mục quan họ cổ Ngồi tựa song đào, Ngồi tựa mạn thuyền..., Giai nhân Hà Thành ca ngợi vẻ đẹp duyên dáng, mộc mạc của giai nhân Hà thành.
Ở phần này, công chúng sẽ được nghe hình thức truyền tin của xã hội xưa: tiếng loa. Một lễ hội trăng rằm phố cổ sẽ được tái hiện với những gánh hàng rong bán cốm lá sen, viết chữ nho, bán tranh dân gian, trẻ con rước đèn, cưỡi ngựa dạo phố, bày cỗ.
Tài tử bốn phương là hình ảnh của thanh niên VN tài hoa, mạnh mẽ. Cuối cùng là màn múa hát trống quân - lối hát giao duyên cổ truyền Bắc bộ - giữa giai nhân Hà thành và tài tử bốn phương. Cặp tài tử phương Nam và giai nhân Hà thành đẹp nhất sẽ được chọn để thể hiện màn đón rước bằng thuyền rồng với những sính vật đặc biệt là hoa trái, món ăn của phương Nam.
Không gian của kinh thành Thăng Long cũng được phục dựng. Ngay tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ là hình ảnh bức tường thành cổ. Hai bên cổng thành chính có người nặn tò he, vẽ tranh chân dung, thư pháp cổ. Trên đường phố là đội múa lân, ông phỗng, đi cà kheo..., những quán trà cổ của Thăng Long xưa được thiết kế và dựng lại. Tất cả diễn viên, nghệ sĩ, nhân viên bảo vệ, hướng dẫn viên... đều mặc trang phục mô phỏng gần như xưa trong các vai kẻ sĩ Thăng Long, trai gái Hà thành thanh lịch.
Hè đường Lê Thạch là khu vực treo những bức ảnh phóng to chụp Thăng Long - Hà Nội từ xưa. Bên cạnh đó trưng bày mô hình các phương tiện giao thông Thăng Long - Hà Nội xưa cho đến năm 1945 như xe ngựa, kiệu cáng, thuyền, xe hơi, xe máy cổ, các loại xe đạp... Các rạp chiếu bóng lưu động, những nhóm chèo, cải lương trình diễn trích đoạn theo phong cách những năm 1920-1930 cũng được tái hiện...
Sau lễ công bố, năm du lịch quốc gia sẽ được bắt đầu với rất nhiều hoạt động du lịch sôi nổi như lễ hội phố hoa Hà Nội (Tết dương lịch), “Hành trình qua một số vùng kinh đô Việt cổ”. Hiện Hà Nội đang cho khảo sát và xây dựng tour theo hành trình qua các điểm du lịch gắn với Phật giáo và triều đại nhà Lý như Luy Lâu, Yên Tử, chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy...
Bên cạnh đó còn có tour du lịch chuyên đề cho khách tham quan các bảo tàng ở Hà Nội như Bảo tàng Lịch sử VN, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng đường Trường Sơn... Thành phố cũng đang đẩy mạnh việc quảng bá văn hóa ẩm thực đặc sắc của Hà Nội và các hoạt động nghệ thuật truyền thống gắn với hoạt động du lịch như rối nước (Chàng Sơn, Thạch Xá, Bình Phú - Thạch Thất), chèo Tàu (Tân Hội, Đan Phượng), cốm làng Vòng (Từ Liêm), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây), giò chả Ước Lễ (Thanh Oai)...
Long Biên rực rỡ đón 10-10
Sử dụng các hiệu ứng ánh sáng, cầu Long Biên sẽ mang dáng hình một chú rồng vắt thân uốn lượn qua sông Hồng trong lễ hội văn hóa nghệ thuật “Ký ức cầu Long Biên” (diễn ra ngày 10 và 11-10). Trong hai ngày lễ, cầu trở thành một không gian triển lãm văn hóa nghệ thuật lớn.
Cầu Long Biên được trang trí, chuẩn bị cho lễ hội “Ký ức cầu Long Biên” - Ảnh: Việt Dũng |
Từ 7g30 sáng 10-10, đoàn tàu cổ bốn toa chuyển bánh từ ga Gia Lâm sang ga Long Biên, đưa quan khách tới dự lễ chào cờ tại đầu cầu Long Biên, mở đầu Festival Long Biên 2009. Từ hướng Hà Nội - Gia Lâm, người dân thủ đô có dịp thưởng lãm những tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh sắp đặt theo chiều dài lịch sử 12 thập niên (1889-2009) của cây cầu.
Một rừng quốc kỳ với dòng chữ “Hòa bình” bằng 62 ngôn ngữ làm nền cho đoạn cầu mất nhịp bởi chiến tranh. Tại đầu cầu phía Gia Lâm là các sân khấu biểu diễn âm nhạc dân tộc: ca trù, chầu văn, chèo, tuồng, cải lương, hát xẩm, quan họ...
Tại đây cũng sẽ diễn ra các hoạt động: triển lãm 99 con diều sáo đồng bằng Bắc bộ, biểu diễn trang phục các dân tộc VN, triển lãm hình ảnh các làng nghề qua tranh khắc gỗ của Henri Oger... 18g30 ngày 10-10, VTV1 sẽ truyền hình trực tiếp một phần lễ hội. Vé miễn phí tham dự lễ hội có tại Maison Des Arts (32 Văn Miếu) và bộ phận lễ tân đặt tại hai đầu cầu Long Biên.
Ngày 11-10, Ủy ban vì hòa bình TP Hà Nội phối hợp với ban tổ chức khởi động ngày đi bộ, kỷ niệm mười năm Hà Nội được UNESCO công nhận là thành phố vì hòa bình. Khu ẩm thực, âm nhạc, chiếu phim tài liệu về cầu Long Biên được dựng hai bên cầu chào đón người dân đến 22g cùng ngày.
Cầu Long Biên được Công ty Daydé & Pillé khởi công xây dựng năm 1898, hoàn thành năm 1902. Vào thời điểm đó, cầu Long Biên là một trong bốn cây cầu dài nhất thế giới và nổi bật nhất ở Viễn Đông. Với chiều dài 1.682m gồm 19 nhịp dầm thép, cây cầu tượng trưng cho vẻ đẹp của các công trình kiến trúc lúc bấy giờ được xây dựng theo kiến trúc của Gustave Eiffel. Cây cầu được ví là tháp Eiffel ngả mình trên sông Hồng. |
Ra mắt trang từ điển bách khoa đầu tiên về Hà Nội
Sau sáu tháng hoạt động thử nghiệm, dự án phi lợi nhuận 36pho.vn đã chính thức ra mắt trang tin tức Hà Nội và từ điển bách khoa mở Hà Nội (WikiHanoi) tại địa chỉ http://36pho.vn và http://wikihanoi.vn.
Tại http://wikihanoi.vn, trang từ điển bách khoa mở đầu tiên về Hà Nội, cư dân mạng có thể đóng góp, chia sẻ, tìm hiểu những kiến thức về lịch sử, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch của thủ đô. Còn tại trang tin http://36pho.vn, người xem có thể tìm thấy một hệ thống thông tin đầy đủ về Hà Nội xưa và nay như: điểm đến, di sản lịch sử, tản mạn Hà Nội, phong cách người Hà Nội, chân dung người Hà Nội trẻ thành đạt...
Anh Nguyễn Hoàng Anh, trưởng nhóm dự án 36pho.vn, hi vọng với việc xây dựng trang thông tin toàn diện về Hà Nội, từ nay người Việt trong và ngoài nước, du khách quốc tế có thể tìm hiểu về “thành phố vì hòa bình” một cách toàn diện, nhanh chóng trên Internet.
X.LONG - T.HÀ - NGA LINH
Thời sự & suy nghĩ: Văn hóa thủ đô TT - Khá lâu mới nghe được một ý tưởng giúp giải tỏa nỗi day dứt khôn nguôi: “Với thủ đô, văn hóa quan trọng hơn”. Đó là phát biểu của người lãnh đạo cao nhất Hà Nội. Đúng là: “Cái Hà Nội cần có chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, là lối sống, là trật tự kỷ cương, là văn minh, thanh lịch, hiện đại” (Tuổi Trẻ ngày 9-10-2009). Kỷ niệm 55 năm giải phóng thủ đô, có thể liệt kê những công trình hoành tráng đã hoàn thành hoặc còn ngổn ngang thi công cho một Hà Nội văn minh đang được xây dựng. Trong cái hoành tráng của những con đường mới mở, những công thự mới xây, những cây cầu soi bóng hiện đại xuống sông Hồng đỏ nặng phù sa, người Hà Nội ra đi cũng như người Hà Nội trở về thấy lòng mình xao động nhất về thủ đô vẫn là “giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ nhất, cái mùi, cái vị, cái hương, cái thơ của đời sống, đó là giá trị văn hóa, giá trị tinh thần” (Phạm Văn Đồng). Vậy thì cái giá trị cao quý nhất đó Hà Nội đã giữ gìn, vun đắp, phát huy như thế nào? Chặn đứng một suy thoái kinh tế, vực dậy một nền sản xuất đang đình trệ để tạo nên bước đột phá mà đi tới, chuyện ấy rất khó, nhưng chúng ta đã phấn đấu một cách ngoạn mục. Sự nghiệp đổi mới với Đại hội VI là một minh chứng. Nhưng tạo nên những khởi sắc cho một đời sống văn hóa đang có nhiều vấn đề đặt ra, những biểu hiện về thoái hóa đạo đức và lối sống, về kỷ cương, phép nước, về mối quan hệ giữa người và người thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Nét dáng thanh lịch của “người Tràng An” có còn là nét chủ đạo trong ứng xử của người Hà Nội hôm nay? Diện mạo văn hóa và lối sống Hà Nội đã giữ vai trò là “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”, như “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ từng xác định, như thế nào? Ở cái thế “rồng cuộn hổ ngồi”, đất Thăng Long vốn là nơi quy tụ hiền tài, dồn đắp trí tuệ của quốc gia, “những của quý không gì thay thế được của một nước, của dân tộc”, Hà Nội đã phát huy thế mạnh ấy ra sao, cái mà “Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó thì cái còn lại còn gì là đáng giá” (Phạm Văn Đồng). Đúng là “những việc mà kết quả không đo đếm bằng tỉ lệ, con số” như vị lãnh đạo Hà Nội phân tích, nhưng lại là cái rất cần phải tập trung tạo dựng và phát huy để Hà Nội xứng đáng là nơi “nghìn năm văn vật”! Xin nhắc lại đây lời cảnh báo của M.Gorky về nguy cơ “mang chứng bệnh ngoài da vào bên trong nội tạng”, vì vậy mà đòi hỏi “dân tộc này còn phải được trui rèn trong ngọn lửa không bao giờ dứt của văn hóa”, và theo văn hào Nga thì “đối với tôi, lời kêu gọi tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi Hỡi các công dân! Văn hóa lâm nguy”! Đấy là lý do mà lời tuyên bố “Với thủ đô, văn hóa quan trọng hơn” có một sức nặng của suy tư và có sức cổ vũ không chỉ riêng cho Hà Nội. TƯƠNG LAI |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận