05/11/2011 15:25 GMT+7

Đi chợ Âu thời "bão giá"

TÔ MINH NGUYỆT
TÔ MINH NGUYỆT

TTCT - Theo lời mời của KWB - một tổ chức về liên kết, đào tạo lao động ở cảng Hamburg, chúng tôi sang Đức rồi từ Đức tranh thủ đi Thụy Điển, Pháp, Ý theo kiểu balô vừa du lịch vừa làm việc.

Ăn bụi, ở nhà trọ, di chuyển khi bằng máy bay, khi đường sắt, lúc metro, lúc xe đò...

LWpMKKHv.jpgPhóng to
Chợ bình dân dọc đại lộ Prado ở Marseille (Pháp) - Ảnh: Tô Minh Nguyệt

Ở nhà trọ châu Âu giá chỉ bằng 1/4 khách sạn nhưng rất sạch, có không gian làm việc, giao tiếp và thích nhất là có bếp với đầy đủ nồi niêu, chén đĩa, bếp điện, bếp gas, tủ lạnh, lò vi sóng... tha hồ xài, bất kể ngày đêm. Nhà trọ thường ở gần nhà ga, siêu thị, chợ nên đi chợ nấu ăn hợp khẩu vị là cách tốt nhất để không bị cháy túi!

Trong siêu thị hay ở chợ bình dân, bất cứ hàng họ gì cũng có bảng giá và bán đúng giá. Vào siêu thị không cần phải gửi túi, nhiều siêu thị để khách hàng tự cân đong, tự tính tiền, giảm bớt lao động. Nhưng các siêu thị, cửa hàng sang trọng vắng hoe. Có shop giá giảm 50-70% vẫn không mấy ai mua. Ở Paris, Roma, Berlin hay Stockholm đều vậy.

Đến thành phố du lịch xinh đẹp Emden (Đức), nơi sông, biển luồn lách vào tận công viên, phố xá..., các cửa hàng nhan nhản đồ khuyến mãi dù không phải hàng hiệu cũng vắng hoe. Ở kinh đô điện ảnh Cannes và vương quốc Monaco đẹp như tranh vẽ cũng chỉ thấy người đi chơi, rất ít người mua sắm...

Nhưng sinh hoạt chợ búa dạng bình dân thoải mái hơn. Hàng hóa được bày bán ở các góc phố, trong nhà ga metro, thậm chí cạnh nhà hát sang trọng. Ở thành phố cảng lớn nhất nước Pháp Marseille, ngay trên đại lộ Prado là một khu chợ dài vài trăm mét, bán đủ thứ trên đời, từ đôi tất, ổ bánh mì tới con cá, bó hoa tươi... Thứ bảy, chủ nhật ngay bến du thuyền có một chợ đồ cũ dài nửa cây số bán sách cũ, cờ quạt, đồ lưu niệm...

Cháu gái tôi sống ở Marseille bảo không phải ai cũng có thời giờ vào siêu thị, mà cũng mua nhiều gì cho cam. Còn chợ trên đại lộ Prado bán giá phải chăng, lại rất tiện. Cá nục tươi rói 8 euro/kg, gà quay 6 euro/kg, táo, nho, cà chua đều 2 euro/kg.

zdRu91XU.jpgPhóng to
Mua mít ở chợ Đồng Xuân (Berlin) - Ảnh: Quỳnh Vân
SsZ5H4x0.jpgPhóng to
Một góc chợ Đồng Xuân (Berlin, Đức) - Ảnh: Tô Minh Nguyệt

Trứng gà và sữa ở châu Âu rẻ hơn VN. Nho, lê, táo Ý vừa ngon vừa rẻ, chưa tới 1 euro/kg. “Bão giá” chạm đến túi tiền của mọi người. Ngay ở kinh đô thời trang Roma của Ý, hàng may mặc Trung Quốc nhan nhản ngoài đường: áo sơmi giá 3-10 euro/cái trong khi hàng hiệu 70-80 euro. Cô sinh viên VN học kinh tế ở đây tiếc rẻ: “Nước mình chỉ giỏi làm hàng gia công cho thiên hạ. Đã vậy, nhiều thương hiệu lại để người ta lấy mất”.

Vào siêu thị Despar tại ga Roma, nhìn bảng giá mà tiếc cho trái cây quê nhà: bơ 5 euro/kg, chuối 2,5 euro/kg, thơm, dừa 3 euro/trái... “Đau” nhất là chai nước mắm Phú Quốc, hũ cà pháo VN rõ mồn một nhưng “made in Thailand”, “made in Taiwan”.

Những ngày ở châu Âu, chúng tôi ít thấy phụ nữ son phấn hoặc đi giày cao gót trên đường phố, dưới ga tàu điện ngầm. Dân châu Âu vốn sành ăn mặc, sống lãng tử hơn dân Mỹ thì nay bình dân, thực tế hơn. Ở Thụy Điển, chỉ riêng thủ đô Stockholm đã có 73 bảo tàng lớn, người ta kéo đến bảo tàng như trẩy hội nhưng vào siêu thị mua bánh mì, trái cây, sữa, thịt nguội đem theo ăn.

Ở các ga tàu, sân bay đa số hành khách đều mang thức ăn theo bởi một ổ bánh mì dài cực ngon chỉ 1 euro nhưng chỉ cần thêm tí rau, trứng, thịt nguội giá lên gấp năm lần. Chẳng thế mà quán Hanoi Bar của một Việt kiều ở Stockholm phải đổi thay để thích nghi với thời “bão giá”: không bán phở, cũng chẳng chả giò mà bán những suất thức ăn nhanh gồm cơm, món xào, rau và thức uống nhưng tính ra tiền Việt giá cũng trên 200.000 đồng. Vậy mà bán đắt như tôm tươi.

YJaRteIh.jpgPhóng to
Chợ bình dân ở Roma (Ý) - Ảnh: Tô Minh Nguyệt

Ở vùng Địa Trung Hải, phía nam nước Pháp, trong nhà bà con Việt kiều có nhiều mặt hàng đến từ quê nhà: bếp có gạo, mì gói, bún riêu ăn liền của VN. Vợ chồng cháu gái tôi dạy đại học ở Marseille toàn mặc áo quần từ bên nhà gửi sang, lần nào về nước cũng mua thêm. Gia đình con trai bạn tôi ở Paris khoe mua lẩu canh chua VN về ăn. Con trai mới 4 tháng tuổi của họ toàn mặc đồ do bà nội ở Hà Nội gửi qua.

Ở châu Âu, chợ Việt không nhiều và quy mô khiêm tốn - trừ Berlin. Chợ Đồng Xuân ở Berlin to và phong phú hàng hóa. Trên diện tích mấy ngàn mét vuông có đến vài trăm cửa hàng đủ loại, bán từ áo quần, đồ trang sức, giày dép, hàng điện máy đến rau quả, hàng ăn...

Cô Nga có mấy chị em bán đồ trang trí hoa cảnh, rèm, khung ảnh cho biết về Hà Nội, Sài Gòn tìm mua hàng Việt nhưng giá đắt, mẫu mã không đẹp, phải sang Quảng Châu đánh hàng Tàu vừa rẻ vừa đẹp. Chỉ có một số mặt hàng Việt như túi xách, đồ thủ công, giày dép bán được. Bù lại gạo, mì, bún khô, măng khô VN bán rất chạy. Chợ Đồng Xuân ở Berlin đang tiếp tục xây thêm mấy chục gian.

Không chỉ là khách Việt, gần đây rất nhiều khách Đức tìm đến chợ mua hàng để bỏ mối cho các tỉnh. “Bão giá” toàn cầu nhiều khi chính là cơ hội để các nước nghèo làm ăn, trong khi dân nước giàu cân nhắc cách tiêu dùng của mình.

Từ góc chợ thấy hình ảnh con người. Từ góc chợ thấy được diện mạo đất nước. Đi chợ trời Âu lại thấy rõ trời... ta.

TÔ MINH NGUYỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên