20/05/2004 09:57 GMT+7

Đi "cầm" thẻ sinh viên

Theo NLĐ
Theo NLĐ

Dù ngấm ngầm và lặng lẽ nhưng việc cầm thẻ sinh viên để vay nóng một khoản tiền vẫn tồn tại như một “nghề” trong xã hội sinh viên hiện đại.

Gmwc1JiJ.jpgPhóng to
Dù ngấm ngầm và lặng lẽ nhưng việc cầm thẻ sinh viên để vay nóng một khoản tiền vẫn tồn tại như một “nghề” trong xã hội sinh viên hiện đại.

Ký túc xá ĐH Bách khoa Hà Nội thỉnh thoảng vẫn là chỗ lui tới của M., người đang nắm trong tay nhiều tấm thẻ sinh viên hay chứng minh nhân dân của sinh viên được “găm lại” để vay một khoản tiền nhất định - nằm ngoài ngân sách cung cấp từ gia đình.

Gặp sinh viên đi “cầm thẻ”

Trong vai một “con gà” đi “cầm thẻ” cùng thằng bạn đang học bên Bách khoa, rất nhanh chóng, chúng tôi đã tìm được M. đang ngồi tính đề trong một quán cóc lụp xụp bên đường Giải Phóng. Bạn tôi vốn là một tay sành sỏi trong những việc quan hệ với những đối tượng như thế này, vừa cười vừa hỏi M.: “Hôm nay kết con nào hả ông anh? ”. M. bực mình bỏ tờ giấy đang viết: “Vào nhà đã!”. Qua mấy ngõ nhỏ toàn cửa hàng Internet và điện tử, 10 phút sau chúng tôi đã có mặt tại nhà M.

Trong nhà M. đã có một sinh viên đang ngồi chờ. Nghe ngóng qua, tôi được biết đó là X. sinh viên ĐH Xây dựng năm thứ 3. X. ra đây để “khất” vài hôm nữa vì đang “kẹt” nhiều vụ quá. Tuần trước, X. cầm thẻ sinh viên để “dốc” một con đề, nhưng không “về”. M. uống một ngụm trà đá rồi lên giọng: “Mày bây giờ chỉ còn nước về trình bày với “ông bà già” thôi. Kiểu gì cũng xoay được, cứ loanh quanh ở đây thì chỉ có chết thêm, chúng mày thấy phải không?”. Trông rất tội nghiệp, X. ngồi một lúc nữa rồi đứng dậy lũi thủi ra về. Bạn tôi thử M. bằng một câu: “Nói thật nhá, anh cầm đồ mà không có giấy tờ, chỉ cần bọn nào “nháy” một phát là anh bị công an tóm ngay!”. M. cười ha hả: “Chú mày cứ đùa! Anh là anh giúp chúng mày thôi, nếu không có anh thì chúng mày còn chết nữa!”.

Thẻ nào, giá nấy

Một lúc sau M. quay sang hỏi tôi: “Định lấy bao nhiêu?”. “Anh giúp cho em 4 triệu được không?”. M. “Không được rồi, nếu chú mày không có thằng này dẫn đến thì tao không cầm cho đâu, lần đầu tao chỉ cầm cho 1 “tê” thôi”. “Thế thì 3 triệu được không anh? Em đang cần gấp để nộp học phí!”. M. chuyển giọng: “Thằng nào cầm thẻ mà chẳng để nộp học phí! Cái lý do xưa như trái đất!”. Tôi năn nỉ M một hồi nhưng không được đành lấy lý do đi cầm chỗ khác rồi hai thằng “rút quân”.

Thằng bạn tôi sau khi bước ra khỏi cửa nhìn tôi giải thích: “Mới lần đầu mà mày quát 4 triệu thì chẳng thằng nào dám cho cầm? Trong khi thẻ của mày thuộc loại “đẳng cấp thấp”. Tấm thẻ cũng tự nó có giá trị riêng. Nếu thẻ là của trường cảnh sát hay an ninh thì cầm cả chục triệu cũng O.K , còn những trường khác ít có giá hơn!

Dân sinh viên hay cầm đồ ở Bách khoa không ai không biết M. Những mối làm ăn của M. chủ yếu là do quen biết, giới thiệu từ người này qua người khác. Chỉ những ai đã có “uy tín” mới có thể “rờ” đến tiền triệu, còn nếu không M. luôn cảnh giác cao độ. M. chi ra những khoản tiền nhất định cho khách hàng có nhu cầu gấp để lấy lãi.

Tất nhiên, khách của M. chỉ là sinh viên. Lãi suất thường khá cao, không “sinh viên” chút nào, quen thì có thể là 20.000 đồng/ 1 triệu đồng/ngày, mới phải từ 30.000 – 40.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Đi kèm với thẻ là một tờ giấy viết tay của người cầm, cam kết sẽ hoàn trả số tiền theo thời hạn nhất định, thường không quá 10 ngày cho những khoản tiền đã ở tầm “6 số không” (tiền triệu).

“Xe ma”

Nhưng một người làm ăn to hơn, quy mô hơn và cũng nhiều thủ đoạn hơn phải kể đến H., một nhân vật có “tên tuổi” trong làng cầm thẻ bên Thanh Xuân. Núp dưới cái vỏ là một tiệm cầm đồ, H. không bao giờ lo “thất nghiệp” bởi bên này có khá nhiều trường ĐH, CĐ. Riêng khoản giấy tờ H. làm nhanh gọn nhưng thể hiện một cách làm ăn rất chuyên nghiệp.

Khi có khách, một tờ đơn mẫu sẽ được đưa ra, người cầm cứ thế ghi vào, ký tên là xong. Những người muốn cầm được tiền của H. phải chịu một cái giá cắt cổ. Chỉ cần vay một triệu đồng, người cầm có thể đã phải chịu lãi suất tới trên dưới 100.000 đồng/ngày. Con số này bắt nguồn từ việc người đi cầm thẻ phải chịu thêm tiền thuê một chiếc xe nữa. Người đi cầm thẻ muốn vay được tiền phải dùng thẻ đó thuê một chiếc xe máy, rồi mang xe máy đó đem cầm để lấy tiền.

Trên thực tế, cái xe máy ấy cũng chính là xe của người cho vay tiền. Dân quen cầm đồ vẫn gọi cái xe máy này là “xe ma” vì nó chỉ là một công cụ để bắt ép người cầm cố. Số tiền thuê xe máy một ngày thường là 60.000 – 80.000 đồng, cộng với lãi suất từ 20.000 – 40.000 đồng/1 triệu đồng, người đi cầm cùng một lúc đã phải chịu hai khoản tiền: Thuê xe máy và tiền lãi suất của tiệm cầm đồ.

Một khi đã chấp nhận thảo một văn bản cầm cố thẻ thì người cầm bằng mọi giá phải đem trả tiền đúng thời hạn hợp đồng với lãi suất đầy đủ, nếu không sẽ bị xử theo “luật giang hồ”.

Theo NLĐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên