27/08/2019 13:05 GMT+7

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các 'ngôi đền đô thị'

D.KIM THOA thực hiện
D.KIM THOA thực hiện

TTO - Trong 6 năm qua, anh Vladimir Antaki đã tới hơn 20 TP ở châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông, chụp ảnh, trò chuyện với hơn 200 người bán hàng ở những nơi anh gọi là 'các ngôi đền đô thị'.

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các ngôi đền đô thị - Ảnh 1.

Jainul, người bán hàng ở New York, “người bảo vệ” đầu tiên đã gợi ý tưởng cho anh Antaki triển khai một dự án dài hơi về “những người bảo vệ” - Ảnh: NVCC

Antaki là một nghệ sĩ nhiếp ảnh kiêm nghệ thuật sắp đặt, hiện sống tại Paris (Pháp). Anh xem những người bán hàng anh gặp là "những người bảo vệ" (The Guardians) các giá trị cả tinh thần lẫn vật chất của một thời đại đang dần bị lãng quên trong tốc độ sống hiện đại.

Chúng như là những nơi thiêng liêng còn lại cuối cùng trong các TP của chúng ta. Những nơi chúng ta cần bảo vệ và giúp đỡ để tiếp tục mở cửa. Những nơi mà kiến thức được vận dụng và truyền đạt.

Vladimir Antaki giải thích vì sao ví von những cửa hàng là “các ngôi đền đô thị”


Sau 6 năm đeo đuổi dự án riêng và tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh ở các nước về "những người bảo vệ", tháng 4 năm nay, anh Vladimir Antaki lần đầu ra mắt cuốn sách ảnh The Guardians.

Tuổi Trẻ trò chuyện với anh Vladimir Antaki về hành trình tìm kiếm "những người bảo vệ".

* Cơ duyên nào khiến anh viết The Guardians?

- Tôi vẫn nhớ đó là ngày 21-8-2012, khi đang có chuyến công tác ngắn tới TP New York và đứng chờ tàu ở đường 42 quảng trường Thời Đại. Chợt tôi trông thấy một người đàn ông đứng trong gian hàng của ông.

Dáng vẻ ông ấy thật nghiêm trang, đường bệ và rất ấn tượng. Tôi dè dặt chụp ông một bức, rồi ra ký hiệu tỏ ý xin phép. Ông ra dấu chấp thuận và tôi chụp thêm bức thứ 2, gần hơn.

Vài tháng sau, ý tưởng viết sách ra đời. Tôi cứ nghĩ mãi về cuộc gặp tình cờ đó. Phải mất một năm sau, tôi mới tìm gặp lại được ông và trở thành bạn bè. Kể từ sau đó, tôi chưa lần nào tới New York mà không thăm ông Jainul, "người bảo vệ" đầu tiên của tôi.

Ông Jainul và những người như ông thật quan trọng. Không có họ, môi trường đô thị sẽ không có được sự sinh động cũng như tính người của nó.

Có một vẻ đẹp kỳ diệu trong mỗi cửa hàng như thế. Nhưng vẻ đẹp và sự độc đáo về thời gian, nơi chốn của nó đang biến mất trong nỗ lực bơi ngược dòng như thác cuốn của thời hiện đại. Rất nhiều "người bảo vệ" tôi đã chụp hình đều băn khoăn với câu hỏi, ai sẽ là người tiếp tục công việc sau khi họ ra đi?

* Anh đã đi nhiều nơi, gặp hơn 200 người bán hàng, nhưng chỉ chia sẻ hình ảnh và câu chuyện của 45 người trong họ. Anh đã phải chọn lọc thế nào?

- Tôi phải thừa nhận việc chọn người này hay người kia là điều không đơn giản. Thoạt tiên tôi chọn những chân dung mà tôi có một câu chuyện để kể.

Sau đó tôi quyết định kể những chuyện vui vẻ, truyền cảm hứng về những người tự tay làm nên, sự trao truyền kiến thức, kinh nghiệm và sự kết thúc của một thời đại. Mục tiêu chính là để tri ân những con người này và mang tới người đọc nhiều thông tin hơn, ngoài những tấm hình đẹp.

Đó là lý do tôi đã chọn câu chuyện về ông Mehmet Öztekin, người sửa máy hát cuối cùng ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ông ấy đã học nghề từ năm 7 tuổi với cha mình, từ thuở chiếc máy hát còn là món đồ vô cùng quý giá, một đứa trẻ như ông khi đó không được chạm tay vào, cho tới 45 năm sau, những chiếc máy hát đã thành đồ cổ và nhiều người sửa máy hát được ông đào tạo đã thất nghiệp.

Rồi nữa là ông Bill Kasper, biệt danh "người chim", chủ một cửa hàng băng đĩa ở New York, một người lọt thỏm giữa không gian hàng ngàn băng đĩa, nhưng biết rất rõ mình có gì và không có gì mỗi khi khách hỏi. Từ những ngày đông kín khách khi mới mở, thói quen nghe nhạc số đã khiến cửa hàng ông Kasper chỉ còn hiu hắt trong hoài niệm nhiều người.

Hay như chuyện bà Denise Acabo, một người biết tới cửa hàng bán sôcôla tại Paris từ năm 1903, nhưng phải tới năm 1973 bà mới có đủ tiền và thuyết phục người chủ để lại cửa hàng đó. Với hàng trăm loại sôcôla phải thử mỗi ngày, giờ bà chỉ còn mặc vừa được 1 trong số 4 chiếc váy bà rất yêu thích từ thời tham gia nhóm hướng đạo sinh của Pháp.

Rồi chuyện về niềm tự hào với nghề nghiệp của ông "Baba" Conrad Sarr, chủ tiệm đánh giày đã tồn tại 20 năm qua tại Paris, chuyện về nỗi buồn của nghệ nhân điêu khắc Mario Antonio Hernández Escamilla ở TP Mexico City khi chưa được thỏa nguyện truyền nghề cho ai đó, ông buồn vì sẽ phải mang tất cả những kiến thức, kinh nghiệm của mình xuống mồ sau này...

* Cách anh "vẽ" chân dung "những người bảo vệ" trong cuốn sách rất thú vị. Anh đã mất bao lâu cho mỗi người và đã trò chuyện ra sao để có thể "nhặt" được nhiều chi tiết thú vị đến thế?

- Mỗi tấm chân dung đều được tôi chụp trong vòng 10 phút đầu tiên sau khi khám phá ra "những ngôi đền đô thị". Như tôi đã giải thích, việc tôi bắt được dáng vẻ, diện mạo của một người lạ (là họ) trước một người lạ khác (là tôi) là điều rất quan trọng, để mọi người cũng sẽ có cảm giác với điều đó như tôi khi họ nhìn những bức hình của tôi.

Sau khi chụp hình, tôi sẽ trò chuyện với họ và cố gắng gợi mở để họ có thể kể cho tôi nghe câu chuyện của mình.

* Qua đọc sách, tôi cảm nhận rõ sự nuối tiếc của anh trong mỗi câu chuyện về những người bán hàng hay các nghệ nhân anh gặp. Tôi cũng thấy cả sự nuối tiếc của anh khi nói về những điều sẽ mất đi trong tương lai và những công việc của họ. Anh nghĩ gì về họ và về những gì đã xảy ra với họ trong vài năm trở lại đây?

- Việc đóng cửa những gian hàng như thế này là một vấn đề toàn cầu, mặc dù vẫn ngày càng nhiều người đang cố gắng buôn bán, nhưng những người buôn bán nhỏ lẻ thế này ngày càng khó trụ lại hơn vì giá bán thấp tới vô lý, còn giá thuê mặt bằng thì đắt đỏ.

Thực tế này khiến tôi thấy buồn. Mọi người cần nhận ra là họ có thể giúp những người bán hàng đó bằng cách tạo thêm công việc cho họ. Điều đó thật đáng tiếc, song tôi nghĩ người tiêu dùng vẫn có thể giúp để tạo ra khác biệt. Chúng ta cần hành động trước khi quá muộn.

* Anh đã thấy những gì thú vị nhất từ các cuộc trò chuyện với những người bán hàng ở các đô thị?

- Tôi có thể dành nhiều giờ mỗi ngày để nghe "những người bảo vệ" của tôi kể chuyện. Có những người trong họ là cả một kho chuyện khổng lồ. Bà Esther Fisher là một ví dụ, người đã dạy cho tôi thấy rằng không có giới hạn nào về độ tuổi để bắt đầu quản lý doanh nghiệp và học buôn bán từ chỗ chưa biết gì.

Khi chồng bà qua đời, bà buộc phải thay ông để duy trì hoạt động cửa hàng nhà họ. Lúc đó bà đã ở độ tuổi 60. Giờ thì bà đã 90 tuổi rồi và vẫn đang quản lý cửa hàng. Bà thực sự là một người phụ nữ truyền cảm hứng.

* Tôi tin sẽ có rất nhiều "những người bảo vệ" như anh đã gặp ở Việt Nam.

- Tôi rất mong được đến thăm Việt Nam. Nhưng chờ đã, tôi phải tìm nhà tài trợ.

antaki

Antaki (phải) và một trong “những người bảo vệ” anh đã gặp - Ảnh: NVCC

Vladimir Antaki sinh năm 1980 tại Riyadh, Saudi Arabia. Anh lớn lên tại Paris và học về lịch sử và điện ảnh tại Trường ĐH Sorbonne.

Năm 2003, anh tới sống ở Montreal, năm 2007 tốt nghiệp cử nhân mỹ thuật chuyên ngành nghệ thuật và truyền thông thị giác ở Trường ĐH Quebec tại Montreal (UQAM). Loạt ảnh The Guardians của anh Vladimir Antaki đã được triển lãm ở nhiều điểm công cộng tại hơn 100 TP ở Pháp và Bắc Mỹ. Nó đã đoạt giải Infopresse Lux năm 2013.

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các ngôi đền đô thị - Ảnh 5.

Ông "Baba" Conrad Sarr, chủ tiệm đánh giày đã tồn tại 20 năm qua tại Paris - Ảnh: VLADIMIR ANTAKI

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các ngôi đền đô thị - Ảnh 6.

Bà Denise Acabo, chủ cửa hàng bán sôcôla tại Paris từ năm 1973 - Ảnh: VLADIMIR ANTAKI

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các ngôi đền đô thị - Ảnh 7.

Ông Bill Kasper, biệt danh "người chim", chủ một cửa hàng băng đĩa ở New York - Ảnh: VLADIMIR ANTAKI

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các ngôi đền đô thị - Ảnh 8.

Ông Mehmet Öztekin, người sửa máy hát cuối cùng ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - Vladimir Antaki

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các ngôi đền đô thị - Ảnh 9.

Anh Vladimir Antaki bên cuốn sách The Guardians của mình - Ảnh: VLADIMIR ANTAKI

Đi cả thế giới để chụp những người bảo vệ các ngôi đền đô thị - Ảnh 10.

Ông Richard, chủ cửa tiệm đồ cũ này ở Montreal, Canada, từ khi nó không có gì để bán, chỉ để cho thuê. Ông thích ý tưởng các đồ vật có nhiều cuộc đời - Ảnh: VLADIMIR ANTAKI

Nữ nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ chụp Việt Nam tuyệt đẹp Nữ nhiếp ảnh gia Thổ Nhĩ Kỳ chụp Việt Nam tuyệt đẹp

TTO - Ảnh Việt Nam do Nese Ari chụp từng xuất hiện trên mục Daily Dozen của tạp chí NatGeo (Mỹ) và góc ảnh trên báo Telegraph (Anh).

D.KIM THOA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên